Chờ...

Hàn Quốc điều tra YouTube và Netflix sau khi tăng giá dịch vụ

VOH - Theo Korea Times, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành điều tra YouTube và Netflix vì những bất thường trong việc tăng giá và thay đổi chính sách dịch vụ tại nước này.

Mới đây, YouTube thông báo sẽ tăng cước phí hàng tháng tại Hàn Quốc đối với YouTube Premium, dịch vụ xem video không quảng cáo, thêm 43% từ 10.450 won (195.000 đồng) lên thành 14.900 won (278.000 đồng).

Trước đó vào tháng 9/2020, YouTube đã tăng giá YouTube Premium từ 8.690 won (162.000 đồng) lên 10.450 won (195.000 đồng) tại thị trường này.

youtube
YouTube Premium tại Hàn Quốc tăng giá thêm 43% lên 14.900 won.

Xem thêm: Youtube sẽ không còn cho người dùng chặn quảng cáo

Dù chưa tăng phí dịch vụ nhưng vào tháng 11, Netflix đã gửi thông báo đến những chủ tài khoản Hàn Quốc về phí bổ sung 5.000 won khi chia sẻ tài khoản với người không sống cùng một nhà.

Cơ quan viễn thông Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra xem YouTube và Netflix có vi phạm Đạo luật kinh doanh viễn thông liên quan hay không, liên quan đến việc tăng giá, điều khoản sử dụng và thông báo cho người dùng.

Nếu phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra, nhà chức trách sẽ chuyển sang tìm hiểu thực tế. Nếu những vi phạm được xác nhận, Ủy ban truyền thông Hàn Quốc sẽ có hành động dựa theo pháp luật hiện hành.

Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số đưa ra điều khoản dịch vụ cũng như cước phí hợp lý để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ với mức giá phải chăng.

Kết quả là những nhà mạng trong nước đã đưa ra nhiều gói cước 5G khác nhau, những nhà sản xuất smartphone cũng dự định ra mắt thiết bị có giá từ 400.000 won đến 800.000 won vào năm 2024.

Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Hàn Quốc Lee Jong Ho cho biết, Bộ đã đàm phán với những nhà mạng để giảm chi phí viễn thông nhưng gánh nặng lên người dùng vẫn tăng vì Google và Netflix thực hiện tăng giá.

Theo ông Lee, dù chính phủ nỗ lực đến đâu để giảm chi phí viễn thông, rất khó để giảm chi phí dịch vụ kỹ thuật số mà người dùng phải bỏ ra mỗi tháng nếu Big Tech tăng cước.

Bình luận