Chờ...

Những nguy cơ khó lường từ điện thoại thông minh

(VOH) - Ngoài chuyện có thể trở thành con nghiện, người dùng điện thoại thông minh còn có thể bị mất thông tin, hình ảnh nhạy cảm, thậm chí là mất tiền nếu không rành rẽ các chức năng ứng dụng.

Chị Thái Vân Anh hiện đang sở hữu một chiếc điện thoại Iphone 4, mới đây "rước về đội của mình" thêm Samsung Galaxy S5, dù vậy chị cũng đang từng ngày mong ngóng chiếc Iphone 6. Chia sẻ về những tính năng mà chiếc điện thoại di động thông minh mang lại cũng như những nguy cơ của nó, chị Vân Anh nói: "Mình thấy có nhiều ứng dụng như Google map, gõ một cái là được thông tin mình cần tra cứu. Mình không phải là người có quá nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng nên mình cũng không quan tâm đến bảo mật thông tin".

Không chỉ có chị Vân Anh mà có rất nhiều người hiện nay không thể rời xa smartphone, chỉ cần bỏ quên ở nhà 1 ngày thôi đã thấy thiếu vắng...

Đó là một trong những dấu hiệu của chứng nghiện smartphone. Triệu chứng bao gồm cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng khi phải rời xa điện thoại, không thể tập trung để làm việc mà liên tục kiểm tra những thông báo mới trên điện thoại, thậm chí có cảm giác điện thoại đang rung hoặc đổ chuông.

Ngoài chuyện có thể trở thành con nghiện, người dùng điện thoại thông minh còn có thể bị mất thông tin, hình ảnh nhạy cảm, thậm chí là mất tiền nếu không rành rẽ các chức năng ứng dụng. Gần đây nhất là vụ việc lộ ảnh nóng của hơn 100 diễn viên, ca sĩ nổi tiếng tại Mỹ qua dịch vụ iCloud của Apple, phía truyền thông của "trái táo cắn dở" cho rằng đây không phải là lỗi của họ mà do người dùng sơ hở để lộ mật khẩu nên tin tặc lợi dụng khai thác điều này.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng - công ty BKAV phân tích: "Nhiều nguy cơ về an ninh thông tin, rò rỉ dữ liệu từ nhà cung cấp; nguy cơ từ chính người sử dụng mật khẩu không an toàn, bị đánh cắp dữ liệu..người dùng nên khai thác các lợi ích của ứng dụng điện toán đám mây, đây là xu hướng trong tương lai. Người sử dụng cũng cần những biện pháp bảo vệ phù hợp".

Một smartphone có kết nối và truyền tải dữ liệu của người dùng về máy chủ ở Trung Quốc - Ảnh: VTV.

Trước đó, nhiều người hết sức bất ngờ trước thông tin, hiện có khoảng 14.000 thuê bao di động tại Việt Nam bị nghe lén, giám sát toàn bộ nội dung, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi đi gọi đến bằng phần mềm Ptracker và PtrackerERP do công ty Việt Hồng cung cấp và cài đặt. Cho đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng đã có hướng xử lý công ty Việt Hồng nhưng không vì thế mà thị trường thiết bị, phần mềm nghe lén hạ nhiệt và rút vào hoạt động bí mật. Bởi chỉ cần gõ từ khóa "thiết bị giám sát" vào trang Google sẽ có hơn 1 triệu kết quả hiện ra, từ khóa "thiết bị nghe lén" thì xuất hiện hơn 500.000 kết quả. Nhiều lời quảng cáo đảm bảo giao hàng trong khu vực TPHCM trong thời gian 30 phút hoặc thiết bị giá rẻ nhất thị trường. Điều thú vị là trong quá trình tìm những thông tin này chúng tôi còn thấy có những giới thiệu thiết bị phát hiện phần mềm và máy nghe lén được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chuyện cài đặt phần mềm nghe lén cũng rất bi hài, ông Lương Hiền Duy, Giám đốc công ty thám tử Lương Gia chia sẻ rằng, đang có rất nhiều khách hàng của mình từng tỏ ý định hoặc tiết lộ rằng đã cài đặt phần mềm nghe lén vào máy điện thoại di động của vợ hoặc chồng nhưng họ không ngờ rằng chính điều này làm lộ các thông tin riêng tư khác của bản thân như tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân...tạo cơ hội cho kẻ xấu làm tiền, và chuyện tiền mất tật mang khó có thể lường trước được: "Vấn đề cài phần mềm là nhu cầu có thật trong xã hội nhưng pháp luật không cho phép. Dùng phần mềm để kiểm soát vợ/chồng nhưng... gây lộ password của cá nhân! Phần mềm mua từ những nơi không rõ nguồn gốc, người bán không có đạo đức có thể ảnh hưởng đến đời tư của mình, thậm chí đòi tiền chuộc".

Có khoảng 60% người sử dụng điện thoại đã từng giao dịch ngân hàng hoặc mua bán qua mạng. Thậm chí nhiều người còn chủ quan đến mức sao lưu password trên máy. Đến đây thì chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ 2 sự việc cướp sim rút tài khoản ngân hàng vào khoảng tháng 7 năm ngoái, nhiều giả thiết đã được đưa ra từ việc người dùng bị lộ mật khẩu đến chuyện thiết bị cá nhân bị nhiễm các phần mềm gián điệp.

Người Việt thường có tâm lý "xài chùa" nên thường bị sập bẫy bằng những phần mềm miễn phí núp bóng những cái tên nổi tiếng. Ví như mới đây hãng Kaspersky cũng bất ngờ khi phát hiện 2 chương trình bắt chước sản phẩm của mình nằm trong những cửa hàng ứng dụng di động chính thức. Và chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, Công ty an ninh mạng BKAV thống kê có gần 700.000 mã độc mới xuất hiện. Mỗi ngày có hơn 260.000 điện thoại bị nhiễm mã độc gửi tin nhắn tự động SMS đến các đầu số tính phí. Đấy là đầu số thu phí 15.000 đồng/ tin nhắn, tính ra mỗi ngày người dùng Việt Nam bị móc túi gần 4 tỷ đồng.

Vậy làm thế nào để có thể tự bảo vệ mình trước những cú lừa này? Nếu là những người dùng đơn thuần không có nhiều kiến thức về công nghệ thì với mỗi phần mềm cần cài đặt, nên đến cửa hàng hoặc các trung tâm uy tín. Đồng thời cài đặt thêm phần mềm diệt virus. Khi muốn tải phần mềm trên mạng thì nên xem kỹ các bình luận hay đánh giá của người tải trước. Hết sức thận trọng khi cho mượn điện thoại và những chiếc smarthphone được tặng cũng là thiết bị đáng ngờ vì có thể đã bị cài đặt phần mềm nghe lén. Ngoài ra, còn có một mẹo nhỏ là hãy đặt mật khẩu nhiều ký tự, tuy hơi khó nhớ nhưng đồng thời sẽ khiến cho kẻ gian mất nhiều thời gian hơn và có thể họ sẽ vì thế mà bỏ cuộc.

Bình luận