Header-01
Đăng nhập

Nơi đó, họ tiếp tục dấn thân

(VOH) - Với đội ngũ y bác sĩ đang công tác trong ngành y, tuy mỗi người mỗi nhiệm vụ, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có một tình yêu nghề tha thiết và thương bệnh nhân vô hạn...

img thumbXem toàn màn hình

Khu điều trị phong Bến Sắn (ảnh: phongbensan)

Làm việc bằng lương tâm

Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, gắn bó đã 8 năm, điều dưỡng Trương Thị Minh Hiếu rất thông cảm cho nhiều hoàn cảnh đáng thương của bệnh nhân tại trại phong Bến Sắn. Có ai biết được rằng, hầu hết bệnh nhân nơi đây luôn mang tâm trạng sợ sệt, dè chừng và mặc cảm với người lạ, bởi họ ý thức một thực trạng đáng buồn là ngoài xã hội có rất nhiều người ái ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân phong. Rất nhiều bệnh nhân đã bị gia đình, người thân bỏ mặc.

Còn trẻ, lại mang trong mình đầy nhiệt huyết và đã chuẩn bị tâm lí khi đến công tác tại Trại phong Bến Sắn, nhưng khi tiếp cận thực tế, điều dưỡng Minh Hiếu vẫn không khỏi ái ngại, nhiều lúc nhụt chí. Tuy vậy, tình thương dành cho bệnh nhân đã giúp cô vượt qua tất cả để đến hôm nay Minh Hiếu gắn bó chăm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Có thâm niên gắn bó hơn 15 năm, gầy dựng tổ ấm tại chính trại phong này, điều dưỡng Nguyễn Thị Loan, chia sẻ: “Lúc tôi mới vô làm có những bệnh nhân phong nặng hơn giờ rất nhiều. Bệnh phong khi nó bể lở ra nhìn rất ghê, rồi biến dạng. Nói không sợ là không đúng nhưng do mình làm riết rồi cũng quen...Mình làm việc với lương tâm của mình, từ từ quen dần”.

Làm việc bằng lương tâm, bằng tấm lòng đã hình thành khi còn học trong ngành, chị Loan không còn cảm giác sợ sệt những vết thương lở bốc mùi hôi thối mà chị đến với những người già như thể đến với cha mẹ, ông bà trong gia đình. Tận tụy chăm sóc bệnh nhân, giữ vết thương luôn sạch sẽ, khô ráo, hạn chế nhiễm trùng là việc làm thường ngày của chị. Ở khoa dưỡng lão nữ, vì hầu hết là người già, vừa mắc 1 số bệnh, vừa bệnh phong nên bệnh nhân thường tỏ ra khó chịu khi tiếp xúc với thầy thuốc nhưng bất kể tình huống thế nào thì chi Loan vẫn một mực ân cần đến với bệnh nhân, công việc của chị không khác gì “làm dâu trăm họ”…

Hằng ngày trôi qua, vừa làm công việc chuyên môn chị cũng không quên dặn dò những đồng nghiệp trẻ mới vào nghề là đã làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thì cho dù là bệnh gì, mình vẫn hãy đến với họ bằng tình thương và trách nhiệm. Theo chị Loan, Điều dưỡng chỉ cần xao nhãng chút thôi, bệnh nhân họ sẽ biết và vô tình sẽ có một rào cản, một khoảng cách với nhân viên y tế. Hiểu, cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân, chị Loan luôn trăn trở: “Rất mong xã hội đón nhận các con, các cháu của bệnh nhân phong khi hòa nhập xã hội. Các em ở trong khu vực, trong nhà của bệnh viện chứ thật ra không có bệnh. Mong rằng xã hội đón nhận để các em phát huy và phát triển khả năng vốn có của các em”.

Dù gì và dù thế nào thì tình thương vẫn là điều đọng lại mà người ta rất dễ cảm nhận. Bệnh nhân thì càng nhạy cảm hơn. Nhìn cách bác sĩ, điều dưỡng  chăm sóc là họ biết ngay.  “Nói chung là y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều chăm sóc bệnh nhân tốt. Có những bệnh nhân liệt ở trại dưỡng lão nam và nữ , thậm chí hộ lí còn bồng đi tắm, đút cơm vì những người đó bệnh nặng. Qua đó mình đánh giá tốt, không đòi hỏi gì hơn”, bệnh nhân Lê Hoàng Trung khi chuyển về sinh sống và điều trị tại đây, chia sẻ.

Yêu thương bệnh nhân

Rời trại phong Bến Sắn, chúng tôi ngược về thành phố đến nơi chăm sóc trẻ nhiễm HIV không nơi nương tựa…Nhìn những hình ảnh trẻ con quấn quít, tíu tít vui đùa cùng các cô giáo, điều dưỡng và bác sĩ tại đây, chúng tôi hiểu, họ đã đến với những đứa bé tội nghiệp kia hơn cả tình thương của mình. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều bất hạnh như nhau. Mang bệnh tật mà không có lấy vòng tay của cha, hơi ấm của mẹ. Vui cười đó, rồi tắt lịm cũng trong chốc lát đó. Đã làm cha mẹ, nhìn hoàn cảnh như vầy, mấy cô ở đây lại càng thương các em gấp bội, vì chúng quá thiệt thòi so với trẻ em bình thường. Ở đây chỉ có tình thương đọng lại, không màng bệnh tật rình rập hay lây nhiễm trong lúc chăm sóc, tập thể y bác sĩ  đến với các bé như tình cảm chân thành và tự nhiên hơn bao giờ hết…

Chị Nguyễn Thị Nguyên – Trưởng khoa sơ sinh  - Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, chia sẻ: “Đa số các bé vào đây tình trạng ốm yếu, mồ côi nên các cô thấy rất thương cho trẻ. Mình cố gắng chăm sóc các em tốt để các em vượt qua căn bệnh ngặt nghèo này. Các cô cũng như là người mẹ, coi như con của mình chăm sóc các em”.

Không riêng gì chị Nguyên, nơi đây còn rất nhiều những hình ảnh đẹp giữa đời thường như điều dưỡng Hồng Trinh, bác sĩ Nguyễn Anh Trường...họ xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Vẫn biết nhiều khi cực khổ, rồi áp lực công việc, nhiều lúc bị trầm cảm khi chứng kiến các bé mình đã thương yêu chăm sóc hết lòng lại ra đi, lắm lúc nản lòng, thế rồi suy nghĩ ấy chỉ trong phút chốc thoáng qua mà thôi…Họ vẫn ở lại, tiếp tục dấn thân và gắn bó nơi này.

Vì chữ nghiệp...

Cái chữ nghề thường đi đôi với nghiệp, bác sĩ Danh Thị Minh Hà đã mở đầu câu chuyện khi chúng tôi hỏi vì sao chị lại chọn trung tâm cai nghiện Bình Triệu để gắn bó cả thời tuổi trẻ cho đến tận bây giờ. Hơn 22 năm chị gắn bó với nghề, kể ra thì không bao giờ hết những kỷ niệm, những buồn vui. Nhiều bạn bè của chị vẫn không khỏi hoài nghi, thắc mắc vì sao chị không về bệnh viện làm cho khỏe hơn khi phải gắn bó với nơi mà rủi ro nghề nghiệp cao, bệnh nhân họ lên cơn nghiện có thể liều lĩnh làm bất cứ điều gì, rồi những bệnh nhân AIDS đồng nhiễm, cả bệnh lao và HIV, thì làm sao…Tất cả khó khăn đó, chị điều lường trước hết, nhưng vẫn kiên quyết bám trụ lại đây vì chữ nghiệp và duyên đã dành cho mình…Chị mỉm cười với công việc hằng ngày và dồn hết nhiệt huyết trách nhiệm vào đây. Bác sĩ Minh Hà cũng thú thật gia đình là hậu phương vững chắc để có thể giúp chị hoàn thành công việc tại trung tâm: ”Làm công việc này sự hy sinh việc gia đình rất nhiều. Nếu không hy sinh công việc gia đình thì công việc cơ quan không hoàn thành. Phía sau mình có ông xã lo công việc gia đình để mình yên tâm làm tốt công việc cơ quan”.

Còn biết bao câu chuyện đẹp giữa đời thường mà chúng ta chưa thể kể hết. Với đội ngũ y bác sĩ đang công tác trong ngành y cũng thế, mỗi người mỗi nhiệm vụ, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có một tình yêu nghề tha thiết và thương bệnh nhân vô hạn, những việc làm đó cũng rất đời thường, họ nghĩ chẳng có gì gọi là lớn lao để kể lể hay vinh danh bởi vì “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”…

Bình luận
#53: Đồng Khởi - Continental - Căn phòng số 214 09:58
#53: Đồng Khởi - Continental - Căn phòng số 214