Chờ...

Tầm quan trọng của bữa ăn sáng đối với trẻ

Bữa ăn sáng có vai trò quan trọng đối với trẻ, các mẹ không nên quên hay chuẩn bị qua loa. Bởi khi được cung cấp bữa sáng đầy đủ sẽ giúp trẻ tập trung tinh thần và kích thích sự phát triển của não bộ.

Trên thực tế, có không ít các bậc phụ huynh đã tạo cho con thói quen ăn sáng một cách qua loa, sơ sài. Đây là điều sai lầm, vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập của trẻ sau này.

Bữa ăn sáng có vai trò rất quan trọng, nó chiếm đến 50% tổng năng lượng khẩu phần đối với một người trong ngày. Với trẻ em lại càng đặc biệt quan trọng do bữa sáng không chỉ cung cấp năng lượng cho hoạt động của trẻ mà còn giúp tích lũy số năng lượng dự trữ nhằm giúp trẻ tăng chiều cao và cân nặng.

Khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, thông qua bú sữa mẹ hàng ngày có thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng với trẻ lớn hơn, hệ thống thần kinh phát triển, đòi hỏi trong khẩu phần phải được cung cấp thêm lượng bột, đường để phát triển tế bào não.

Bữa ăn sáng đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của trẻ - Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Bữa ăn sáng giúp trẻ có đủ năng lượng cho hoạt động trong ngày và góp phần bổ sung chất bột, đường cần thiết để phát triển não bộ, kích thích khả năng tư duy của trẻ. Tùy theo độ tuổi mà mức năng lượng trẻ cần trong khoảng từ 30% - 35% khẩu phần của cả ngày. Ví dụ trẻ 3 tuổi cần 1.300KCl/ ngày, thì ít nhất 400 - 450KCl phải được cung cấp trong bữa sáng, tức là yêu cầu lượng dinh dưỡng tương đương hoàn toàn với bữa ăn của người lớn.

Với một số trẻ biếng ăn, ăn chậm... do áp lực thời gian của buổi sáng nên nhiều bậc cha mẹ thường cho con uống 1 ly sữa thay cho bữa ăn sáng, lâu dần sẽ tạo thói quen ăn sáng qua loa. Chế độ ăn sáng 1 ly sữa sẽ cung cấp khoảng 150 - 160KCl, tức chỉ khoảng 1/3 nhu cầu dinh dưỡng cho bữa sáng, trẻ sẽ thiếu chất, dẫn đến hoạt động trí tuệ chậm lại, lâu dài gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển não bộ. Vì vậy, ở trường hợp này, nên bổ sung thêm bánh bích quy, miếng bánh mỳ, chén cháo... cho trẻ để đủ khẩu phần.

Ở độ tuổi đi học, trẻ cần chất đường, bột để hỗ trợ phát triển hệ thần kinh - Ảnh minh họa (Nguồn: Hoibacsi).

Hỏi đáp sức khỏe:

* Bé 6,5 tháng, dài 67cm nặng 9.3kg, đang tập ăn dặm mới được 2 tuần. Mỗi khi đút bột bé luôn khóc và phun ra

Bé hiện thừa cân khoảng 7kg. Do bé chỉ quen với bú mẹ, nên việc cho ăn dặm cần thời gian để bé tập quen dần, bố mẹ nên kiên trì, đừng nãn lòng khi tập cho bé.

Khi pha bột cho bé trong giai đoạn này nên pha thật loãng, đút ăn chầm chậm 1-2 muỗng, xong dừng lại cho bé nghỉ một thời gian rồi mới đút tiếp. Các ngày sau đó, pha bột với độ sệt và tầng suất cho bé ăn tăng dần. Cũng nên có 1 nơi riêng cho bé để bé tập thành thói quen. Ngoài ra, nếu ban đêm bé không thức giấc đòi bú, bố mẹ hãy để bé ngủ thẳng giấc, đừng đánh thức bé dậy cho bú.

Khi bé được hơn 8 tháng, trong khẩu phần ăn dặm cần có thêm rau xanh và dầu thực vật để bổ sung chất cho bé.

* Bé được 18 tháng, thỉnh thoảng thường hay ngứa, nổi mẩn kích thước bằng chân nhang, có quầng đỏ hoặc sưng phù lòng bàn tay, bàn chân

Đây là các triệu chứng thường gặp khi bé bị dị ứng, biểu hiện nhiều hình thức như nổi chàm, mề đay, mẩn nước, nếu nặng hơn sẽ có các biến chứng như gây suyễn, sốc phản vệ... . Bệnh này gắn liền với gen di truyền, có thể từ bố mẹ hoặc những người trong gia đình. Hiện nay chưa thể chữa dị ứng một cách trị triệt để, việc dùng thuốc chỉ để cắt cơn.

Biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là bố mẹ cần rà soát để tìm nguyên nhân gây dị ứng như: thức ăn, mùi hương từ nước  hoa, mùi khói, bếp gas.. hoặc nếu có tiếp xúc với lông chó, mèo, bụi bặm, thú nhồi bông... cũng là tác nhân gây dị ứng cho bé, sau đó hãy tiến hành cách ly bé khỏi tác nhân này.

* Có thể cho bé uống thuốc bằng cách trộn chung với sữa có được không ?

Đây là điều các bậc cha mẹ không nên làm với trẻ ! Hãy tập cho trẻ uống thuốc bằng cách dùng muỗng canh pha loãng thuốc (có thể thêm vào một chút đường cho dễ uống) và luôn giải thích với bé lý do phải uống thuốc.

Ban đầu, nếu gặp khó khăn trong việc cho bé uống thuốc, mẹ cần có thêm 1 người để hỗ trợ. Người hỗ trợ sẽ bế bé, lưng tựa vào ngực mình, 1 tay ôm ngang vòng quanh 2 tay bé, tay còn lại giữ trán dựa đầu vào thân mình. Khi cho bé uống thuốc. mẹ để muỗng thuốc vào miệng, phía trên lưỡi của bé và ngiêng muỗng cho thuốc chảy sang 1 bên má của bé, người hỗ trợ sẽ ngữa đầu bé giúp bé dễ nuốt.

Bố mẹ và gia đình nên tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi dùng thuốc, điều này sẽ giúp trẻ có ý thức và tự uống thuốc những khi cần.

* Bé sinh non tháng, nay đã được 5 tháng 20 ngày, cân nặng 6,6kg, bị trào ngược dạ dày. Bé rất biếng ăn, thậm chí như không có nhu cầu ăn nên mẹ thường chỉ có thể cho bé bú khi bé đang ngủ, điều này liệu có phù hợp hay không ?

Thông thường, tỷ lệ bé sinh non tháng bị trào ngược thực quản cao hơn so với các trẻ sinh đúng tháng, do cấu tạo cơ quan tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh khi ra khỏi bụng mẹ. Đây chưa hẵn là vấn đề nghiêm trọng mà chỉ đòi hỏi chăm sóc cho bé đặc biệt hơn trong những tháng đầu tiên.

Với trường hợp của bé, do sau khi bé ói xong, cơ thể bé rất mệt mỏi nên gây ra tâm lý sợ bú. Tuy nhiên, việc mẹ cho bé bú khi ngủ, chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp dưỡng chất cho bé chứ chưa phải là dạy bé bú, điều này khiến bé không có phản xạ bú. Hãy tập cho bé bú khi bé thức bằng cách khi bé khát nước (cách khoảng 3 giờ đồng hồ) hãy cho bé bú, dần dần bé sẽ ý thức được rằng hoạt động bú mẹ giúp bé không khát nước và có cảm giác no. Sau vài tuần tập, bé sẽ hình thành phản xạ và nhận ra việc bú sữa là hoạt động có ích.

* Trước đây bé thường đổ mồ hôi trộm, bác sĩ cho uống bổ sung calci nên bé bị bón, đi tiêu ra phân dẽo ?

Với trường hợp này, phân vẫn mềm và dẽo thì bé không phải bị bón, mà chỉ là tình trạng "chậm đi tiêu sinh lý", là điều hoàn toàn bình thường với trẻ sơ sinh. Do ở độ tuổi này, nguồn dinh dưỡng của bé được cung cấp hoàn toàn thông qua hoạt động bú hoặc uống sữa, mà trong thành phần của sữa chiếm 90-95% là nước. Lượng nước này được bé bài tiết qua đường tiểu, lượng chất dinh dưỡng còn lại đã được hấp thu phần lớn, phần chất thải qua đường tiêu hóa không đáng kể, vì vậy cơ thể bé sẽ "trữ" lại trong từ 5-7 ngày, thậm chí có bé đến 10 ngày mới bài tiết 1 lần.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Ảnh: VNE.

Tư vấn: Bác sĩ - Thạc sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần). Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.

Bình luận