Chờ...

Thể thao thân thiện giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng

(VOH) - Sáng 3/6, hàng trăm trẻ tự kỷ tại TPHCM đã có mặt để tham dự Ngày hội thể thao thân thiện tại khu du lịch Văn Thánh do Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam tổ chức.

Các hoạt động thể thao của ngày hội cho trẻ tự kỷ

Đến với ngày hội, hàng trăm trẻ tự kỷ đã có cơ hội thi đấu những môn thể thao như: chạy, nhảy bao bố, kéo co, đi cà kheo, bơi và trò chơi khác như bò qua dây, đập bóng, nhảy cặp, tô, vẽ, tranh cát, xâu vòng, nặn sáp, xé dán …

Đối với trẻ tự kỷ, để thực hiện được những trò chơi này thực sự là một nỗ lực vượt bậc của các em và cha mẹ. Can thiệp vận động cũng là một hoạt động quan trọng với trẻ tự kỷ, giúp các em khắc phục những khiếm khuyết về vận động, thể lực và là cơ hội để hòa nhập với cộng đồng.

Chị Nguyễn Châu Loan, ngụ Quận 2, có con bị hội chứng tự kỷ, năm nay em đã 12 tuổi chia sẻ, do trước đây chưa có các trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ mắc chứng tự kỷ cho nên con chị can thiệp quá muộn. Chị nói: "Với con như thế này thì gia đình gặp vô cùng khó khăn và vất vả. Do đó rất mong được cộng đồng quan tâm, chấp nhận và giúp đỡ, nâng đỡ những đứa trẻ như thế này. Nếu mà cả cộng đồng có những cái hiểu biết thì tất cả mọi người đều nâng đỡ bé theo chiều hướng tích cực nhất để giúp các bé có thể hòa nhập tốt hơn ở cộng đồng".

Các hoạt động vui chơi của ngày hội

Các phụ huynh của trẻ tự kỷ cho biết, cơ hội hòa nhập của trẻ tự kỷ chưa nhiều, chủ yếu các em sinh hoạt khép kín trong các trường học, trung tâm chuyên biệt, thậm chí là chỉ trong phạm vi mỗi gia đình. Anh Đỗ Xuân Quân, quận 4 cho biết, con trai anh mắc chứng tự kỷ tăng động, bé không thể kiểm soát được các hành vi của mình: "Nói bé không nghe, đây là điều rất khó khăn với gia đình, béchỉ làm theo ý mà bé muốn. Khi bực bé không thể nào kiềm chế được cảm xúc, bé gạt đổ tất cả đồ đạc để trên bàn, hoặc thấy cái gì là đập bể hết. Còn mình vẫn phải bày tỏ cảm xúc của mình một cách dịu dàng để bé cảm thấy yên tâm hơn".

Các hoạt động vui chơi của ngày hội

Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và tỷ lệ người mắc mới đang có dấu hiệu gia tăng. Thầy Ngô Xuân Điệp – Trưởng Khoa tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: "Việc phát hiện sớm là một vấn đề rất quan trọng vì khi ở trong độ tuổi đó khi chúng ta tiến hành can thiệp thì chắc chắn trẻ sẽ phát triển tốt hơn vì khi đó não của trẻ còn đang mở với rất nhiều kênh ngôn ngữ giao tiếp, giao lưu, học hỏi. Cho nên khi đó mà can thiệp, tương tác thì nó sẽ đúng với thời điểm trẻ phát triển. Nếu phát hiện muộn, khoảng 5, 6 tuổi rồi thì các phần não về chuyên biệt đóng lại thì can thiệp sẽ rất khó".

Ở Việt Nam, số trẻ em mắc chứng tự kỷ liên tục tăng qua các năm và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của mọi gia đình có con tự kỷ. Mỗi trẻ tự kỷ lại không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Rất nhiều trẻ vì khó khăn kinh tế mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ can thiệp nào. Các em luôn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội, giúp các em có thêm điều kiện học hành, vui chơi và hòa nhập cuộc sống.

Phát biểu tại Hội thao Bà Đặng Huỳnh Mai – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Chủ tịch Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam cho biết: "Có một sân chơi cho trẻ không những chúng ta chỉ có quan tâm đến việc học tập không mà những hoạt động về thể thao, văn nghệ và các hoạt động hỗ trợ năng khiếu sẽ giúp cho các em phát triển mà khi phát triển như vậy các em mới học được cách hòa nhập".

Nói về việc tạo sân chơi cho trẻ tự kỷ TS. BS Huỳnh Tấn Mẫm – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí nhìn nhận: "Trẻ tự kỷ kém giao tiếp cho nên phải tạo điều kiện cho bé giao tiếp như từ các trò chơi, tập thể dục, khiêu vũ rồi các hoạt động ngoài trời đều phải tạo cho nó tiếp xúc. Nhiều người rất ngạc nhiên tại sao trẻ có thể ôm nhau, có thể cầm tay khiêu vũ được hay sắp hàng và để tay lên nhau được, đó không phải điều dễ dàng gì".

Tuy tự kỷ khá phức tạp, song thực tế cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách và phù hợp, trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể, từ việc nâng cao khả năng tự phục vụ, nhiều trẻ có thể đi học, tìm việc làm và sống độc lập.

Bình luận