Chờ...

Thời đại của trí tuệ nhân tạo (P.1) : Khi công nghệ chắp cánh sự tự tin trong lĩnh vực y tế

(VOH) - Trên cơ sở dữ liệu khoa học được tích hợp với những cập nhật nhanh nhất, phần mềm trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế đã thực sự mang đến tiện ích cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence (AI), được coi là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. AI được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh; bao gồm các siêu máy tính xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Nhóm PV VOH thực hiện loạt chuyên đề 5 phần "Thời đại của trí tuệ nhân tạo" nhằm mang đến những kinh nghiệm về đào tạo, chiến lược phát triển nguồn nhân lực AI của các nước trên thế giới. Đối chiếu trong bối cảnh, điều kiện các trường đại học tại Việt Nam, gợi mở những giải pháp để góp phần cho Thành phố xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo…..

Phần 1 - Trí tuệ nhân tạo trong y tế: Khi công nghệ chắp cánh sự tự tin

Vượt không gian, thời gian, từ kết nối công nghệ chạy phần mềm trí tuệ nhân tạo này, cả thầy thuốc và bệnh nhân càng thêm tự tin khi phác đồ điều trị đưa ra là những cập nhật mới nhất, mang đến lợi điểm tối ưu cho người bệnh.

Nghe bài viết: 

Hội chuẩn liên chuyên khoa có ứng dụng IBM. Ảnh : Nhất Hương

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện đầu tiên khu vực phía Nam được Bộ Y tế chọn tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo cùng với Bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đây là phần mềm trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology” do tập đoàn IBM của Mỹ, khi ứng dụng sẽ giúp bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư.

Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố, phần mềm trí tuệ nhân tạo đầu tiên được thí điểm hỗ trợ bác sĩ trong điều trị ung thư vú, đại trực tràng.

Bác sĩ Võ Đức Hiếu - Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Ung bướu Thành phố giải thích rõ, khi vào giai đoạn đầu tiên là thử nghiệm, bệnh viện rất thận trọng triển khai hồi cứu trên hồ sơ bệnh án của hơn 200 trường hợp, kết quả bất ngờ và cũng xác lập sự tự tin cho bác sĩ khi 80% quyết định của bác sĩ tương hợp với phần mềm trí tuệ nhân tạo. Và hiện nay, Bác sĩ Võ Đức Hiếu cho biết bệnh viện đã hoàn tất chuyển sang ứng dụng thực tế.

“Với những gì áp dụng thực tế cho người bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể mạnh dạn bước tiếp giai đoạn 2 ứng dụng phần mềm này tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã chính thức ký kết với công ty để triển khai phần mềm này cho giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2 này thì triển khai đại trà trên cả 13 chỉ định mà phần mềm này đang hỗ trợ. Mục tiêu của giai đoạn 2 rút ra những điều còn tồn tại, ưu khuyết điểm qua đó có thể tham mưu cho lãnh đạo triển khai ứng dụng thực tế cho người bệnh.” - Bác sĩ Võ Đức Hiếu nói.

Phần mềm trí tuệ nhân tạo bệnh viện đang sử dụng tại Bệnh viện Ung bướu tập hợp hàng trăm ngàn dữ liệu khoa học, từ rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tích hợp lại với nhau. Khi bác sĩ nhập các thông số bệnh nhân vào, dựa trên những dữ liệu khoa học, phần mềm sẽ đưa ra khuyến cáo điều trị. Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố khá hài lòng với phần mềm này.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh nói: “Lợi điểm của phần mềm trí tuệ nhân tạo này cho các bác sĩ tự tin trong việc đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân của mình và nó rất là cập nhật theo tiến bộ y học. Ưu điểm thứ hai là cho phép các bác sĩ truy cứu ngay những cơ sở dữ liệu khoa học. Ưu điểm thứ ba, với những bệnh nhân có điều kiện trước đây nhiều khi người ta qua Singapore, Hàn Quốc hay Mỹ để xem quyết định điều trị của bác sĩ Việt Nam có tương đồng với những phác đồ tiên tiến của thế giới hay không? Nếu những bệnh nhân có điều kiện tham khảo phần mềm này tại Việt Nam thì bệnh nhân cảm thấy rất là tự tin không đi nước ngoài mà để cho các bác sĩ Việt Nam điều trị.”

Nếu như với Bệnh viện Ung bướu Thành phố, phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp cho người bác sĩ tự tin hơn, vững tin hơn thì phần mềm Rapid ứng dụng trong điều trị đột quỵ thực sự mang đến sự tuyệt vời về hy vọng sống còn cho người bệnh. Điển hình vừa qua, bệnh nhân Phi Long 69 tuổi, được người nhà đưa đến nhập viện Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng lơ mơ, không nói được, yếu nửa người bên phải. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ thiếu máu não cấp được đưa vào bệnh viện không xác định rõ thời gian khởi phát. Chính vì vậy, tiên lượng bệnh nhân có khả năng tàn tật cao, thậm chí có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Do đó, ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện kỹ thuật MRI tưới máu não và ứng dụng ngay phần mềm Rapid đánh giá mức độ thiếu máu não của bệnh nhân. Sau khi có kết quả, đánh giá bệnh nhân còn có thể can thiệp nội mạch lấy huyết khối, ê kíp các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân phục hồi tốt.

Người nhà bệnh nhân Phi Long chia sẻ: “Bữa thấy người nhà nói lắp, miệng méo, đi không vững rồi gia đình mới đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Người ta kiểm tra toàn bộ thấy đột quỵ dạng cấp và yêu cầu xử lý nhanh. Bác sĩ tư vấn rất kỹ, giải thích rõ ràng đối với trường hợp như thế này thì cần phải can thiệp như thế nào và mình là người quyết định cân nhắc có thực hiện hay không? Bây giờ ông đi lại bình thường, nói chuyện cũng tốt. Với bệnh này thì tôi cảm thấy rất là khả quan, hiệu quả.”

Trước đây, thống kê tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến bệnh viện trong “thời gian vàng”, tức khoảng từ 4 đến 6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Tuy nhiên, với phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid, “thời gian vàng” của bệnh lý đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ sau khi khởi phát bệnh. Hiện nay, ngoài Thái Lan, Indonesia thì Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sở hữu bản quyền phần mềm trí tuệ nhân tạo này.

Đây là phần mềm được phát triển bởi Đại học Stanford – Hoa Kỳ và đã được ứng dụng tại 1.200 bệnh viện của 40 quốc gia trên thế giới. Tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Bệnh viện Nhân dân 115 thì Bệnh viện Gia An 115 cũng đã triển khai, xem như cứu cánh cho bệnh nhân trong điều trị đột quỵ.

Tiến sĩ Bác sĩ Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết: “Đối với phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid đây là một phần mềm phát triển bởi tập đoàn iSchemaview và Trung tâm đột quỵ - Đại học Stanford – Hoa Kỳ.

Khi hai bên làm việc với nhau có ký hợp đồng để chuyển giao lắp đặt hỗ trợ 24/7 cho nên bất kỳ lúc nào Bệnh viện Gia An 115 cũng như Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn có thể hỗ trợ thường xuyên liên tục, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ hay ngày Tết để phục vụ tốt nhất kết quả chẩn đoán hình ảnh cũng như báo cáo chi tiết đánh giá bệnh nhân đột quỵ.”

Theo số liệu công bố tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 trường hợp thử nghiệm áp dụng phần mềm Rapid thì điều trị thành công lên đến tỷ lệ 50%, nhưng nếu không có phần mềm này thì chỉ có gần 20% tỷ lệ điều trị thành công.

Sau quá trình triển khai thực tế đã được Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố khẳng định: “Vô tình nếu như không có phần mềm này những bệnh nhân ngoài cửa sổ kinh điển 6 giờ thì mình từ chối hết bởi vì mình không biết vùng nhu mô não nguy cơ tổn thương là bao nhiêu. Chỉ biết cửa sổ thời gian cho phép chúng ta 6 giờ thì đúng 6 giờ chúng ta mới điều trị. Vậy nên với phần mềm này nó cho phép chúng ta kéo dài thời gian điều trị cho bệnh nhân đột quỵ từ 6 giờ kéo dài lên đến 24 giờ sau khi bệnh nhân khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Nó thực sự mang lại hữu ích, mang lại niềm hy vọng cho các bệnh nhân đột quỵ.”

Phần mềm trí tuệ nhân tạo - một công cụ đưa ra dữ liệu khoa học hữu ích, rất cập nhật để bác sĩ Việt Nam tự tin đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bệnh nhân mang ý nghĩa rất nhân văn, đặc biệt trong những trường hợp khó.

Tuy nhiên, phần mềm này không thay thế cho bác sĩ, vì đó chỉ là phương tiện, công cụ giúp cho việc ra quyết định của bác sĩ chính xác, phù hợp với điều kiện thực tế và có bằng chứng về y học chứng cứ. Có thể thấy, giá trị nhất khi ứng dụng phần mềm này vẫn là hướng về bệnh nhân.

Khi phần mềm này cập nhật theo kịp với phác đồ trên thế giới, như vậy bệnh nhân Việt Nam không cần thiết đi nước ngoài tốn kém chỉ cần cập nhật phần mềm sẽ cho ra hướng điều trị tiên tiến nhất. Quan trọng khi vận dụng, các phần mềm này sẽ giúp cho cả bác sĩ và người bệnh tự tin hơn rất nhiều.

Đặc biệt trong y tế khi mà sự dẫn đường của khoa học luôn mang tính quyết định thì các phần mềm trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả không thể chối cãi, trong đó giúp cho bác sĩ thăng hoa nghề nghiệp, bệnh nhân thì ngày càng tự tin vào nền y học nước nhà.

Bình luận