Chờ...

TikTok bị cấm cửa tại Pakistan vì phát tán những nội dung phản cảm và phi đạo đức

(VOH) - TikTok lại vừa bị cấm cửa tại Pakistan vì phát tán những nội dung phản cảm và phi đạo đức. Đây là lần thứ hai Pakistan ra lệnh cấm đối với TikTok.

Tòa án Tối cao tại thành phố Peshawar của Pakistan ngày 11/3 ra phán quyết yêu cầu nhà chức trách "chặn ngay lập tức" ứng dụng video ngắn nổi tiếng của Trung Quốc TikTok vì những nội dung trên nền tảng ứng dụng này là "không thể chấp nhận được tại Pakistan".

Phán quyết trên được đưa ra bởi Qaiser Rashid Khan, Chánh án Tòa án Tối cao Peshawar. Ông nói, những đoạn video được tải lên TikTok có nội dung đồi trụy, phản cảm và "không thể chấp nhận được đối với xã hội Pakistan".

Ông cũng nói thêm rằng những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi TikTok là giới trẻ tuổi, "các video trên TikTok đang phát tán những nội dung tục tĩu và nó cần được chặn ngay lập tức ".

Vào ngày 9/10 năm ngoái, Cơ quan Thông tin Truyền thông Pakistan đã quyết định cấm ứng dụng TikTok tại nước này với lý do TikTok đã cho phép "những nội dung phi đạo đức" lan truyền trên nền tảng này, gây ra những tác động xã hội tiêu cực. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó đã được dỡ bỏ.

TikTok bị cấm cửa tại Pakistan vì phát tán những nội dung phản cảm và phi đạo đức 1
TikTok đang đối mặt với sự cấm cửa từ nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: AFP)

Trước đó vào tháng 7 năm ngoái, Cơ quan Thông tin Truyền thông Pakistan đã đưa ra "cảnh báo cuối cùng" đối với TikTok, lên án "những nội dung khêu gợi" trên nền tảng này.

Theo hãng tin Reuters, mặc dù nhà chức trách Pakistan đã nhiều lần yêu cầu TikTok ngăn chặn các nội dung phi đạo đức và khiếm nhã nhưng kết quả không được như ý muốn. Do đó, ngày 9/10, Pakistan đã quyết định cấm triệt để đối với TikTok.

TikTok có phản hồi đầu tiên trước lệnh cấm của Mỹ, dọa sẽ nhờ luật pháp can thiệp

Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat

Nhưng sau đó, ban lãnh đạo của TikTok đã cam kết với Cơ quan Thông tin Truyền thông Pakistan rằng họ sẽ có những điều chỉnh nhằm tuân thủ các chuẩn mực xã hội và luật pháp của Pakistan. Chính vì vậy, Cơ quan Thông tin Truyền thông Pakistan đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với TikTok sau 10 ngày thực hiện.

Hiện TikTok đang đối mặt với sự cấm cửa từ nhiều nước trên thế giới vì những lo ngại về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng.

Ấn Độ đã chính thức cấm sử dụng đối với TikTok, trong khi Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đang xem xét một cách nghiêm túc đối với ứng dụng này.

Mới đây, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết TikTok có thể sẽ chuyển dữ liệu của người dùng tại các nước EU sang Trung Quốc.

Được biết, TikTok là một trong những ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới kể từ khi ra mắt vào năm 2016.

Bình luận