Trước thềm năm học mới
(VOH) - Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện nay có hàng chục công trình trường học lớn bị chậm trễ tiến độ gặp phải nhiều thủ tục nhiêu khê, trong khi năm học mới đã cận kề. Trước thềm năm học 2008-2009, Song Thuỷ có bài phóng sự phản ánh về thực trạng này với phần 1 mang tựa đề:
Phần 1: Vẫn chưa thoát được cảnh "Dạy nhờ - Học tạm"
Gần 1800 lượt học sinh của trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hóc Môn phải học nhờ tại trường THCS Nguyễn Hồng Đào, cho đến năm học này vẫn không thể nhìn thấy “mặt mũi” ngôi trường của mình. Suốt 4 năm qua, kể từ khi có quyết định thành lập vào năm học 2004-2005 đã có nhiều thế hệ học sinh trường đã tốt nghiệp mà vẫn chưa biết hình dáng ngôi trường của mình ra sao. Ông Nguyễn Minh Triết- Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết:
Khởi công vào đầu tháng 3 năm nay theo lời hứa của chủ dự án, trường sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8 này. Theo lời chỉ dẫn của ông hiệu trưởng chúng tôi tìm đến ngôi trường mới cách nơi trường đang ở “đậu” khoảng 3km. Đi sâu vào một con hẻm khá lầy lội, ngôi trường mới khá khang trang đang dần tượng hình hiện ra giữa ngổn ngang gạch đá vôi vữa, cổng trường vẫn chưa có, giàn giáo chưa tháo gỡ,… Nhìn tổng thể bên ngoài, ngôi trường mới hoàn thành phần xây dựng thô. Khó có thể tin tưởng ngôi trường này sẽ hoàn thành kịp đón đầu năm học mới.
May mắn hơn một chút, trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, ở xã Đông Thạnh- huyện Hóc Môn, sau 3 năm học nhờ, năm nay là năm thứ hai thầy trò được học ở trường mới nhưng những “tồn tại” cũ thì vẫn chưa được giải quyết. Vẫn còn 60 hộ dân chưa chịu di dời ra khỏi khuôn viên nhà trường, theo giải thích của chính quyền địa phương và người dân nơi đây chủ yếu là chưa đạt được những thoả thuận về giá đền bù trong khi tốc độ trượt giá ngày càng gia tăng. Số đất chưa giải toả chiếm đến 1/3 diện tích xây dựng của nhà trường, theo thiết kế vốn được dành để xây dựng các phòng chức năng như phòng thí nghiệm Hóa, Lý, Sinh, pḥòng vi tính, phòng ban giám hiệu, giáo viên…Để giải quyết tình trạng thiếu trước hụt sau của trường mới, suốt năm qua thầy trò trường này đã phải co kéo dồn học sinh, dùng các phòng học dôi dư, kể cả Hội trường để thay thế. Tuy nhiên, điều này vẫn không đáng ngại bằng việc môi trường sư phạm đang bị xâm hại đáng báo động ở đây do nhà dân lẫn lộn trong trường học. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh-hiệu phó trường THPT Nguyễn Hữu Tiến nói:
Chỉ cho chúng tôi xem hàng rào tre được dựng lên khá tạm bợ tạo nên lằn ranh khá mỏng manh giữa nhà dân và trường học, suốt một năm trải nắng phơi sương cũng đã trở nên xiêu vẹo, mục nát. Bà Hạnh cho biết, ngày hai buổi nhà trường phải tăng cường đến 6 giám thị tuần tra khu vực này vào giờ nghỉ giải lao, giữa tiết để ngăn học sinh vượt rào trốn học, hoặc các thành phần bất hảo bên ngoài lẻn vào trường. Còn ban đêm thì khỏi nói, trong khi biên chế ngành giáo dục cho phép mỗi trường chỉ được tối đa 3 bảo vệ, nhưng nhà trường phải bổ sung thêm 2 người thay phiên nhau thức suốt đêm canh phòng người bên ngoài vào trường lấy cắp tài sản. Đèn đuốc trong khuôn viên trường và các hành lang đều phải bật sáng đêm.
Cũng lâm vào tình trạng tương tự, trong nhiều năm liền, trường trung học phổ thông chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định mang tiếng là trường trung học phổ thông chuyên thể dục thể thao, nhưng khi đưa vào sử dụng thì chỉ có những phòng học để dạy văn hóa. Để chữa cháy hiện ban giám hiệu nhà trường phải cải tạo khu đất trống và thuê mướn các trung tâm khác để có sân bãi cho các em tập. Theo thiết kế, tổng diện tích xây dựng của Trường trên 5 mẫu đất nhưng chỉ mới xây dựng được phân nửa, với kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 63 tỷ đồng. Còn kinh phí đầu tư cho giai đoạn 2 để xây dựng khu cho học sinh tập luyện các môn năng khiếu vào khoảng 60 tỷ. Nhưng đến nay, việc thi công tiếp vẫn chưa được thực hiện. Đơn vị chủ đầu tư quận 8 còn đang loay hoay lập các thủ tục để mở thầu, mời thầu, rồi sau đó mới khởi và công chưa biết khi nào mới xong. Ông Nguyễn Trí Dũng, hiệu phó truờng trung học phổ thông chuyên năng khiếu Nguyễn Thị Định nói:
Tuy còn rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết, nhưng những ngôi trường trên còn may mắn hơn rất nhiều so với trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức). Đây là ngôi trường khá nổi tiếng trong ngành giáo dục TP vì cái sự “treo” đạt mức kỷ lục của nó. Từ ngày thành lập trường đến nay đã 5 năm, cả ngàn học sinh trường THPT Hiệp Bình đều phải đi học nhờ ở trường Tiểu học Hiệp Bình Phước. Theo thiết kế trường sẽ có có 39 pḥòng học với quy mô một trệt 2 lầu. Năm 2003, Công ty cổ phần Xây lắp vật tư Xây dựng đã động thổ nhưng đến nay cũng chỉ có bốn bức tường bao quanh khuôn viên và một vài trụ bê tông để mặc cho “nắng dãi mưa dầm” đã lên màu rêu phong, cỏ mọc um tùm, đây đó vẫn còn một vài cổ máy thi công công trình đã bị rỉ sét. Mặt bằng đang được mấy người buôn bán phế liệu tận dụng làm nơi phơi nilong.
Hiện trường THPT Hiệp Bình “tạm” có quy mô tăng đến 33 lớp học với 1600 học sinh, nhưng thầy trò vẫn phải chen chúc nhau trong trường “mượn” của tiểu học Hiệp Bình Phước. Các phòng thí nghiệm, sân bãi học thể dục, sinh hoạt ngoại khoá…là ngoài tầm tay của trường trong 5 năm qua. Đã thế, theo thông tin từ Sở GDĐT năm học này, trường phải nhận thêm 14 lớp nữa, nhà trường đang đau đầu không biết nhét vào đâu? Tìm kiếm một cuộc hẹn với ông hiệu trường trường THPT Hiệp Bình - Nguyễn Duật Tu trong thời điểm này để thu thập thông tin về tiến độ xây dựng trường thật khó, trao đổi qua điện thoại ông khá mệt mỏi trả lời chúng tôi:
Được biết, mặc dù đã phải trải qua rất nhiều trong buổi làm việc với Sở GDĐT, UBND quận Thủ Đức đến lãnh đạo TP hứa sẽ có trường cho học sinh trong năm học 2008-2009 nhưng đến nay, công trình này vẫn nằm im bất động, chưa khởi động lại. Trong khi đó, chúng tôi đã cố gắng nhiều lần liên hệ với Ban Quản lý dự án Thủ Đức nhưng đều bị lẩn tránh. Theo ông Nguyễn Đình Thế Châu, phó phòng Kế hoạch Tài chính Sở GDĐT TP.HCM nguyên nhân làm cho tiến độ xây trường THPT Hiệp Bình bị chậm lại là do:
Hiện không ai có thể trả lời được cho chúng tôi thời điểm hoàn thành các ngôi trường này. Nhưng chắc chắn một điều là trong năm học 2008 – 2009, thầy trò các nơi này vẫn phải mòn mỏi trông chờ trường mới. Cơ sở vật chất không hoàn chỉnh không những ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý của phụ huynh- học sinh và các giáo viên.
Song Thuỷ