Chờ...

Ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL

(VOH) - Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 8/12.

Đến nay, chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 – 2020 đã thực hiện tổng cộng 62 nhiệm vụ, trong đó 26 nhiệm vụ ứng dụng giải pháp Khoa học công nghệ, 19 nhiệm vụ Hoạch định chiến lược – chính sách, 17 nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp khoa học – công nghệ liên ngành.

Đó là các kết quả nổi bật từ Chương trình được nêu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020.

ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-la-khau-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-dbscl-voh.com.vn-anh1
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu.

Qua quá trình thực hiện, chương trình đã tiếp cận từ nghiên cứu tổng thể, các vấn đề theo hướng tích hợp, liên ngành, liên lĩnh vực, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phù hợp; Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao tri thức và công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, chất lượng cao.

Đáng chú ý, chương trình đã huy động sự tham gia triển khai, phối hợp triển khai của các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn trong cả nước, tập hợp lực lượng khoa học đầu ngành, tham gia sâu về mọi mặt. Đặc biệt, chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng chủ nhiệm chương trình Tây Nam Bộ cho hay: “Chương trình thực hiện 3 mục tiêu cơ bản gồm: thứ nhất là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thứ hai là đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ; Thứ ba là triển khai có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đơn vị đồng chủ nhiệm chương trình cũng chia sẻ thêm: “Chương trình Tây Nam bộ được triển khai trong giai đoạn rất đặc biệt vì đây là chương trình duy nhất trong các chương trình cấp quốc gia triển khai và thực hiện xuyên 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Đây cũng là chương trình có tính liên ngành, xuyên ngành, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học hàng đầu cả nước, nhất là sự tham gia của các nhà khoa học lớn vùng Nam bộ trong nghiên cứu, triển khai và chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc”.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho chương trình.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc Hội bày tỏ: “Trong vấn đề quản lý, tôi xin được kiến nghị 3 vấn đề. Thứ nhất ở cấp quốc gia, chúng ta phải định vị lại chương trình, xác định lại tư thế pháp lý của chương trình, nhận thức và cơ chế quản lý nhà nước đối với chương trình này, thống nhất ở trong chiến lược phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai về vấn đề quản lý vùng, chương trình này gắn với vùng như thế nào. Tôi cũng đề nghị xem lại cơ sở pháp lý của chương trình: văn phòng chương trình, sự tham gia của viện, trường trong khu vực như thế nào”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho hay: “Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt cùng các địa phương vùng Tây Nam Bộ để tổ chức triển khai hiệu quả chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nhằm phục vụ bền vững kinh tế xã hội các địa phương vùng Tây Nam bộ thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Các đề tài, dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành); Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long (MGIS); Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông.

Chương trình Tây Nam bộ do 2 cơ quan đồng chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và phát triển bền vững; Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường. 

Chương trình đã tập hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc hai đơn vị trên cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cả nước và vùng Tây Nam bộ tham gia thực hiện và đã phê duyệt 62 nhiệm vụ: đề tài, dự án khoa học – công nghệ.

Bình luận