Chờ...

Việt Nam thúc đẩy trở thành trung tâm sản xuất vi mạch bán dẫn của Châu Á

(VOH) – Từ lâu, Việt Nam đã xác định lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lĩnh vực có vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh “Kết nối Việt Nam với Hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” sáng 11/11, lãnh đạo, các cấp điều hành trong ngành cùng tìm hiểu cơ hội tăng trưởng trong ngành bán dẫn của Việt Nam và trên toàn hệ sinh thái điện tử Đông Nam Á.

Chia sẻ tại Hội nghị, Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phụ trách điều hành Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin – Truyền thông cho biết “Sẽ có những đề xuất để công nghiệp điện tử, viễn thông và ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, hoạt động nghiên cứu thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn đang được hưởng các ưu đãi tốt nhất.”

Việt Nam thúc đẩy trở thành một trong những trung tâm sản xuất vi mạch bán dẫn của Châu Á 1

Chuyên gia chia sẻ về tiềm năng của ngành vi mạch bán dẫn trên thế giới

Đối với Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ ngày đầu, đơn vị xác định vi mạch bán dẫn là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, thể hiện trong việc tập trung thu hút thành công dự án nhà máy đóng gói Intel vào Khu công nghệ cao từ năm 2006.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng được thành phố hỗ trợ tích cực, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch năm 2005.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi khẳng định xây dựng nền tảng cho các ngành công nghệ cao và bán dẫn là một trong những ngành ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển của Khu Công nghệ cao, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hình thành những cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ cần thiết để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong Hệ bán dẫn tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ Vi Mạch Bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh, để trở thành một trung tâm sản xuất vi mạch bán dẫn mới nổi, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và tiếp tục cập nhật khung pháp lý để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, ngành công nghiệp ICT có sự tăng trưởng mạnh trong 20 năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, doanh thu năm 2021 là 136 tỷ đô la Mỹ.

Bình luận