Chờ...

Các vật liệu nâng mũi phổ biến hiện nay

(VOH)_Nâng mũi đang ngày càng trở thành xu hướng làm đẹp của chị em khi muốn sở hữu cho mình một dáng mũi cao, thanh tú hài hoà với khuôn mặt.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều vật liệu, phương pháp nâng mũi. Vậy thì để tìm hiểu về các vật liệu nâng mũi phổ biến nhất hiện nay, VOH Online  đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Quốc Định - Trưởng khoa tạo hình Thẩm mỹ Saigon Lotus.

Các vật liệu nâng mũi phổ biến hiện nay 1
Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Quốc Định - Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Saigon Lotus

*VOH: Thưa bác sĩ, hiện nay trên thị trường thẩm mỹ có rất nhiều vật liệu được dùng để nâng mũi khác nhau, vậy có mấy loại sụn nâng mũi phổ biến?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Định: Hiện có 2 nhóm vật liệu hay dùng trong nâng mũi là nhóm vật liệu nhân tạo và nhóm vật liệu tự thân, ngoài ra còn có vật liệu cấy ghép đồng loại như sụn sườn được hiến tặng, trung bì, cân cơ.. nhưng ít được sử dụng. Có sự khác biệt giữa hai nhóm, thậm chí là những vật liệu trong cùng một nhóm vẫn có những đặc tính rất riêng.

*VOH:  Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về từng vật liệu cũng như là ưu nhược điểm của từng loại. Với nhóm vật liệu nhân tạo thì có những đặc điểm, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Định: Vật liệu nhân tạo cũng được chia làm nhóm vật liệu dùng để nâng cao cải thiện phần sóng mũi và nhóm vật liệu hỗ trợ tạo hình phần đầu mũi.

Ưu điểm chung của vật liệu nhân tạo:

•        An toàn, vô hại có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể

•        Dễ dàng đẽo gọt theo mũi của khách hàng

•        Nguồn cung dồi dào, sẵn có, đã "sơ chế"

•        Từ đó rút ngắn được thời gian phẫu thuật

Nhược điểm chung của vật liệu nhân tạo là lộ chất liệu, đào thải, kích ứng, nhiễm trùng…

Mặc dù tỷ lệ này là rất thấp chỉ khoảng 1 - 2% và không đáng lo ngại nhưng vẫn có thể xảy ra nếu bạn lựa chọn cơ sở thẩm mỹ không uy tín, bác sĩ thực hiện không đủ trình độ chuyên môn và môi trường phẫu thuật không đảm bảo.

*VOH: Bác sĩ có thể nói thêm về vật liệu nhân tạo hay dùng trong việc cải thiện nâng mũi?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Định: Vật liệu nâng mũi thường dùng những polime tổng hợp như Silicon và ePTFE (Surgiform, GoreTex, Nanoform)

Trong đó phổ biến và lâu đời nhất là chất liệu silicon, trải qua nhiều lần cải tiến thì sụn silicon đã dần trở nên hoàn thiện hơn và có khả năng tồn tại trong cơ thể người một khoảng thời gian nhất định (tùy thuộc cơ địa) mà không gây biến chứng.

Ngoài ra, loại sụn này còn giúp tạo ra dáng mũi mềm mại, đẹp tự nhiên nhờ độ mềm dẻo của chất liệu silicon nên dễ đẽo gọt theo nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên ngoài các ưu điểm thì loại sụn này cũng có nhiều mặt hạn chế như: dễ gây tụt sống mũi, tạo áp lực gây bóng đỏ đầu mũi do sụn tương đối nặng, dễ gặp phải tình trạng xô lệch, kích ứng vì không có độ bám dính cao. Do mạch máu và mô khó bám dính nên lâu ngày, sụn silicon sẽ gây bao xơ ở các vùng xung quanh. Sụn dễ gây kích ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm.

Còn các loại sụn Surgiform, GoreTex, Nanoform. Đây là loại sụn cấu tạo có nguyên liệu 100% ePTFE đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm FDA (Hoa Kỳ) kiểm định chất lượng, chứng nhận an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, loại sụn sinh học nhân tạo cao cấp này có hàng triệu lỗ nhỏ có kích thước micro, nhằm cho phép các mạch máu, tổ chức xung quanh xâm nhập. Đây là vật liệu an toàn trong lĩnh vực y tế và thẩm mỹ được sử dụng để làm mạch máu nhân tạo.

Loại sụn này có kết cấu mềm mại, dễ uốn nắn, giảm nguy cơ tiếp xúc hoặc bào mòn da, xương, về lâu dài với khả năng kết dính các mô, góp phần gắn chặt vào cấu trúc mũi hơn, không gây ra hiện tượng lệch, lung lay, góp phần tạo ra một dáng mũi cao và thanh thoát, nguy cơ lộ sống mũi thấp hơn. Độ kết dính của chất liệu với mô tự thân tốt là một điểm ưu nhưng đồng thời cũng là một điểm nhược khi cần bóc tách, chỉnh sửa hoặc loại chất độn nếu không may bị lệch cần chỉnh sửa sẽ khó bóc tách hơn và có khả năng bị co hoặc biến đổi theo thời gian.

Ngoài ra ít phổ biến hơn còn có Sili-tex, Gore-sili vật liệu này là sự kết hợp giữa Silicon và ePTFE (Goretex) rất hứa hẹn trong tương lai, tuy nhiên là còn mới mẻ, chưa có nhiều nghiên cứu về độ an toàn và hiệu quả cũng như kinh nghiệm sử dụng của bác sĩ.

*VOH: Vậy sụn tự thân nó có cấu tạo cũng như ưu nhược điểm như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Định: Nếu nói về sụn tự thân thì có 4 loại sụn tự thân như: Sụn sườn, sụn vành tai, sụn vách ngăn, sụn cân cơ thái dương. Tuy nhiên thì 2 loại sụn mà người Châu Á mình thường sử dụng nhất là sụn cân cơ thái dương và sụn vành tai.

Hay được sử dụng nhất là sụn vành tai, đây là kỹ thuật bóc tách, lấy 1 – 2 cm sụn vành tai để bọc lót ở đầu mũi và dùng sụn nhân tạo để nâng cao sống mũi. Sụn tai thường nằm ở vị trí khá dễ để bóc tách so với sụn sườn.

Về Sụn cân cơ thái dương thì đây là lớp tế bào mỏng màu trắng, bọc ở quanh các lớp cơ dưới da ở khu vực thái dương. Loại sụn này dễ lấy, mềm và dễ tạo hình nên đặc biệt phù hợp để bọc đầu mũi.

Các vật liệu nâng mũi phổ biến hiện nay 2

Còn Sụn sườn là phương pháp tối ưu có thể giải quyết tất cả các vấn đề về mũi, thậm chí là các mũi bị biến chứng nặng hoặc chấn thương, mà không phương pháp nâng mũi thông thường nào có thể giải quyết được. Sụn sườn dùng để nâng mũi là đoạn sụn cuối của xương sườn số 6 hoặc số 7. Sụn sườn có đặc điểm nổi bật là khá cứng, thẳng, chắc chắn.

Ngoài ra, nâng mũi sụn sườn là kỹ thuật rất phức tạp, yêu cầu bác sĩ phải có chuyên cao và giàu kinh nghiệm để chiết tách được sụn sườn và cấy ghép vào mũi một cách an toàn nhất.

Loại sụn còn lại thì ít phổ biến hơn với người Châu Á, vì sụn vách ngăn của người Châu Á khá là yếu nên ít được sử dụng. Sụn vách ngăn nằm ở trong khoang mũi, là sụn ngăn cách hai bên lỗ mũi. Trong quá trình nâng mũi, bác sĩ sẽ tận dụng một phần sụn vách ngăn để làm các miếng ghép giúp tạo dựng nền mũi vững chắc, đồng thời kéo dài và nâng cao đầu mũi giúp tạo hình vùng đầu mũi đẹp tự nhiên hơn. Loại sụn này ít phổ biến ở người Châu Á, vì sụn vách ngăn của người Châu Á khá là nhỏ, không vững nên ít được sử dụng.

Đa số các sụn tự thân này đều có ưu điểm là có độ tương thích cao, mang lại dáng mũi đẹp tự nhiên và hạn chế được tối đa các sự cố y khoa. Nhưng ngoài ưu điểm thì nó cũng có các nhược điểm như: vì là sụn tự thân nên sau một thời gian sẽ bị tiêu, ví dụ mũi 100% thì sau một thời gian sẽ còn khoảng 80%.

*VOH: Bác sĩ có thể cho biết loại sụn nào là tốt nhất trong tất cả loại sụn trên?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Định: Thực tế không có loại sụn nào tốt nhất, chỉ có loại sụn phù hợp nhất. Vì nhu cầu, tình trạng của mỗi khách hàng là khác nhau, nên sẽ tuỳ vào đó mà chọn phương án cải thiện tốt nhất.

Nhưng nếu nói về loại sụn tối ưu nhất có thể giải quyết mọi khuyết điểm, mọi trường hợp mũi dù là khó nhất chính là sụn sườn.

*VOH: Cám ơn những chia sẻ của bác sĩ !

Bình luận