Mang giày cao gót thế nào để vừa đẹp, vừa sang mà vẫn an toàn cho sức khỏe

(VOH) - Giày cao gót đã trở thành món đồ không thể thiếu của mọi cô gái. Tuy nhiên, việc mang giày cao gót thường xuyên sẽ dẫn đến những tác hại khó lường cho sức khỏe của bạn.

Ở thời đại mà cái đẹp luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với các chị em phụ nữ, giày cao gót cũng trở nên vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Bởi chúng không chỉ giúp các chị em trông cao hơn mà còn tăng thêm phần sang trọng, nữ tính. Mặc dù việc mang những đôi giày cao gót vốn chẳng hề thoải mái gì, nhưng vì theo đuổi cái đẹp mà nhiều cô nàng đã “bất chấp” quên đi nỗi đau và các vết phồng rộp ở chân để diện giày cao gót. Đâu chỉ dừng lại ở đó, mang giày cao gót thường xuyên sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà bạn không hề ngờ tới nữa đấy.


Không ai có thể phủ nhận khả năng tôn dáng của những đôi giày cao gót đối với phái đẹp


Tuy nhiên, những vết phồng rộp này vẫn chưa là gì so với tác hại tiềm ẩn của giày cao gót đối với sức khỏe

Mang giày cao gót thường xuyên có thể gây tổn thương cổ chân và gót chân

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đôi giày cao gót từ 7cm trở lên, dù là gót nhọn hay bằng đều gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với các loại giày đế thấp. Vị trí khớp thứ hai bị ảnh hưởng lớn, đó là khớp cổ chân và gót chân. Do trọng lượng cơ thể bị dồn xuống mũi chân, khớp cổ chân bị ở tư thế gập quá lâu sẽ khiến bị đau nhức.

Khi đi giày cao gót, phần trước của bàn chân sẽ chúi xuống do gót giày khiến cho gân gót chân bị co lên. Gót giày càng cao thì cơ chân càng bị dồn nén, dẫn đến đau nhức gót chân. Đặc biệt, giày cao gót còn khiến cơ thể sẽ mất đi độ thăng bằng, làm người mang dễ bị ngã, dẫn đến chấn thương cổ chân hoặc thậm chí là gãy xương.

Mang giày cao gót mũi nhọn có thể gây dị dạng bàn chân

Nếu thường xuyên đi giày cao gót mũi nhọn có thể gây biến dạng, trồi xương ngón chân ở người có ngón chân cái to. Cụ thể, khi phần mũi giày bó quá chặt sẽ khiến ngón cái bị nhô ra, nếu thường xuyên như vậy sẽ dần tạo thành vết chai hoặc phần xương ngón chân sẽ không còn ở vị trí ban đầu.

Bên cạnh đó, khi đi giày cao gót trong thời gian lâu, bàn chân sẽ bị gò bó trong tư thế “dốc”, trọng lượng cơ thể do đó cũng dồn xuống các đốt xương ngón chân, từ đó gây ra hiện tượng phù nề và đau nhức mũi chân.

Mang giày cao gót dẫn đến nguy cơ thoái hóa cột sống, viêm khớp

Nếu nghĩ rằng mang giày cao gót sẽ chỉ gây ảnh hưởng đến các bộ phận của chân, tuy nhiên mọi thứ không hề đơn giản như bạn nghĩ. Bởi khi mang giày cao gót, không chỉ các cơ bắp chân, lưng mà cột sống cũng phải hoạt động hết công suất để nâng đỡ trọng lượng cơ thể.

Cụ thể, trọng tâm của cơ thể sẽ dồn về phía trước và phần hông được đẩy ra phía sau để giữ tư thế cân bằng. Về lâu dài, tư thế này sẽ làm cho hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Điều này không chỉ khiến cho dáng đi của phái nữ không còn đẹp mà còn dẫn đến tình trạng lưng nhức mỏi, gai cột sống kéo dài.

Hơn nữa, mang giày cao gót thường xuyên sẽ làm gia tăng áp lực lên các bề mặt bên trong của đầu gối gây tổn thương và dẫn đến tình trạng viêm khớp gối mãn tính ở nữ giới.

Mang giày cao gót thường xuyên gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Đối với phụ nữ, thiên chức làm mẹ chính là điều thiêng liêng và đẹp đẽ nhất. Tuy nhiên, việc thường xuyên mang giày cao gót có thể tước đi thiên chức quý giá này của bạn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học anh, nếu mang giày cao gót thường xuyên, dù chỉ cao 5cm cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ. Cụ thể, các nhà khoa học giải thích rằng khi áp lực cơ thể quá lớn dồn về phía trước bàn chân có thể làm cho khung xương chậu bị lệch sang một bên, lượng máu lưu thông đến tử cung từ đó cũng giảm theo. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hiện tượng kinh nguyệt không đều, làm giảm khả năng thụ thai.

Mang giày cao gót thế nào để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe?

Vẫn biết tác hại của giày cao gót là vậy nhưng làm sao hội chị em có thể "kiềm chế" bản thân trước cái đẹp? Vì tính chất công việc hoặc trong một vài trường hợp bất khả kháng, việc mang giày cao gót là điều khó lòng tránh khỏi. Vậy làm thế nào để vừa diện giày cao gót lại có thể đảm bảo cho sức khỏe chính là điều mà các chị em nên tìm hiểu và ghi nhớ ngay lập tức. 

Trước tiên, để hạn chế tác hại của giày cao gót, bạn không nên mang giày liên tục trong ngày hoặc thường xuyên trong tuần. Thay vào đó, chỉ nên mang giày cao gót khoảng 2-3 ngày trong một tuần và mang vào những lúc cần thiết. Những lúc còn lại, bạn có thể thay bằng giày đế thấp để đôi chân được nghỉ ngơi. 


Nếu không cần thiết, bạn có thể thay giày cao gót bằng những đôi giày đế bệt hoặc thấp hơn 5cm để đôi chân được thư giãn

Trường hợp nếu phải mang giày cao gót mỗi ngày và thường xuyên, bạn chỉ nên chọn giày quá 5cm và đừng mang liên tục quá 4 giờ đồng hồ. Đặc biệt, những đôi giày "cà kheo" trên 8cm, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng chúng, còn nếu bắt buộc phải mang thì đừng quá 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, nếu có thể thì sau mỗi 2 giờ đồng hồ, bạn nên dành một chút thời gian và cởi giày ra để massage chân nữa nhé.


Nếu phải mang giày thường, sau mỗi 2 giờ đồng hồ, bạn nên dành một ít thời gian để massage cho đôi chân

Mách bạn những cách làm giảm tác hại của giày cao gót ngay tại nhà

Bên cạnh việc thay đổi thói quen mang giày cao gót, vẫn còn một số cách bạn có thể thực hiện tại nhà vào mỗi buổi tối nhằm làm giảm tác hại của giày cao gót và bảo vệ đôi bàn chân ngọc ngà của mình. 

Việc mang giày cao gót ra đường đã là quá đủ mệt mỏi đối với đôi chân của bạn rồi, thế nên khi về nhà hãy nhớ cất ngay những đôi giày khó chịu ấy sang một bên mà thay bằng giày dép đế mềm trong nhà nhé. 

Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, đừng tiết kiệm mà hãy dành ra khoảng 15 phút để ngâm chân trong nước ấm. Theo đó, để tăng khả năng bảo vệ và thư giãn cho đôi chân, bạn có thể pha nước ấm cùng một số nguyên liệu sau: muối biển sẽ giúp thư giãn cơ bàn chân, hoạt chất Menthol có trong tinh dầu bạc hà có khả năng làm giảm sưng và sữa tươi có công dụng làm mềm da. 


Dành 15 phút mỗi ngày để ngâm chân sẽ giúp hạn chế tác hại của giày cao gót

Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một số động tác tốt cho gót chân như:

  • Ngồi trên ghế và lăn hai chân trên quả bóng tennis trong khoảng 2-5 phút
  • Đặt một chiếc khăn mềm lên sàn nhà, sau đó dùng các ngón chân vò lên càng nhiều càng tốt
  • Sử dụng dụng cụ massage dành riêng cho lòng bàn chân
  • Khi ngủ, nên đặt chân lên một chiếc gối cứng để giúp máu lưu thông tốt


Lăn chân trên bóng tennis có thể giúp quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn

Nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ có rất nhiều cách giúp bảo vệ đôi chân và sức khỏe của bạn khỏi các tác hại của giày cao gót. Giờ thì hội chị em đã có thể tự tin chinh phục những đôi giày cao gót thật sang chảnh rồi nhé!

Giày loafer có gì mà nàng công sở nào cũng thích mê đến vậy?: Thay vì phải 'hành xác' đôi chân trong những đôi sneaker kín mít thì một đôi giày loafer với thiết kế vừa thoáng, vừa che nắng cho bàn chân sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho nàng công sở.

‘Săn’ ngay những mẫu giày bệt dễ mang lại sang hơn giày cao gót: Nếu đã quá mệt mỏi với những đôi cao gót lênh khênh, nhọn hoắt, bạn có thể đổi gió với những đôi giày đế bệt vừa sang vừa dễ phối đồ này nhé.

Bình luận