Ấm áp những ngôi nhà tình thương ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ

VOH - Sự chung tay góp sức của cộng đồng đã nhân lên niềm vui cho các hộ nghèo, trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ khi được sống trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình.

Đây là lần thứ 2 “Ngày hội Biên phòng toàn dân” được TPHCM tổ chức tại xã đảo Thạnh An, biên giới biển đặc thù của TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Xê, 76 tuổi, ở tổ 11, Ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xúc động cảm ơn các mạnh thường quân và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí giúp gia đình bà xây dựng ngôi nhà khang trang, kiên cố; ổn định cuộc sống.

Sau bao năm sinh sống trong căn nhà cũ xuống cấp, niềm mơ ước được sống trong căn nhà khang trang, bà Nguyễn Thị Bê, ngụ xã Thạnh An, huyện Cần Giờ tâm sự: “Gần 80 tuổi rồi mới được sửa chữa lại cái nhà này là mừng lắm. Nhà xây bốn chục năm rồi, dột quá, tường nứt, tui độc thân sống có một mình. Tôi không chồng, không con, già rồi cứ tát nước, ở trên dột tôi lấy thau hứng nước, tôi tát nước mà người ta còn thương tôi”.

Hơn 8,7 tỷ đồng từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp - qua sự kết nối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - gửi yêu thương đến xã đảo Thạnh An. Để từ đây, sẽ có thêm những căn nhà mới vững chắc, khang trang cho người dân, có thêm phương tiện sinh kế để cải thiện đời sống hay những công viên, công trình chiếu sáng thân thiên với môi trường.

Ấm áp những ngôi nhà tình thương ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ 1
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thăm hỏi một hộ dân được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà - Ảnh: Phương Dung

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết: “Không chỉ là trao phương tiện sinh kế cho các hộ dân trên địa bàn, mà còn là những chương trình học bổng. Năm nay còn có chương trình nâng cấp công viên công cộng trên địa bàn.

Thành phố đã và đang tập trung rất là nhiều nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đây. Đó là một sự đoàn kết, nỗ lực, đồng hành và sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa”.

Theo Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Chính trị viên đồn Biên phòng Thạnh An, TPHCM: Khi đời sống của bà con được nâng lên, có thể cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới vùng biển tổ quốc.

Từ đây, trong những chuyến ra khơi, mỗi một ngư dân của xã đảo Thạnh An sẽ là tai mắt của biên phòng, là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bởi có biết bao nhiêu tình cảm nơi đất liền hướng về họ, hướng về những hải trình đầy ý nghĩa ấy.

Ở xã đảo xa xôi cách trở, đời sống dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với người dân đảo Thạnh An vẫn luôn thấy ấm lòng vì được sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng.

Bình luận