An toàn thông tin mạng cho trẻ

(VOH) - Vấn đề đảm bảo an toàn internet cho trẻ em không phải vấn đề xa lạ với các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.

Bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội luôn tiềm ẩn những tác hại khi lượng thông tin ngày càng “khủng”.

Internet và vai trò đảm bảo an toàn thông tin của phụ huynh

Kết nối thông qua điện thoại thông minh và mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần trong quá trình trưởng thành của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số, những công cụ này sẽ giúp các em tiếp cận được nhiều kiến thức, những tiến bộ của xã hội. Các em có thể trải nghiệm văn hóa thế giới thông qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội.

Học hỏi và phát hiện những chuyển động của xã hội nhằm giúp các em bắt kịp xu hướng và không bỏ lại phía sau trong thời kỳ số hóa. Mặt khác, thông tin trên mạng xã hội quá đa dạng, phong phú, tới từ nhiều nguồn nên khi tiếp cận các em dễ bị nhiễm những thông tin tiêu cực, độc hại, khó có thể kiểm soát. 

An toàn thông tin mạng cho trẻ 1
Trẻ em và việc học tập bằng internet. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020, tại Việt Nam hiện nay có 24.776.733 trẻ em (chiếm 25,75% dân số quốc gia). Và theo khảo sát xã hội học, tỷ lệ trẻ em thường xuyên sử dụng Internet (chiếm 71%), trong đó có các em sử dụng mạng 188 phút mỗi ngày, có 7 trẻ em bị xâm hại/ngày và 69,05% trẻ em khi gặp các vấn đề, sự cố trên không gian mạng thường giấu kín. 

Để kiểm soát việc trẻ tiếp cận internet sai cách, vai trò của phụ huynh được xem là cốt lõi. ThS. Châu Hồng Phúc - Giáo viên Trường Trần Đại Nghĩa TPHCM cho rằng: “Cha mẹ nên có chiến lược cụ thể, hoạch định kế hoạch tiếp cận trẻ đúng đắn. Thể hiện cho các em biết chúng ta quan tâm, để các em không đắm chìm trong mạng xã hội. Điều thứ hai, phụ huynh cần đưa ra những quy tắc với các em để cân bằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử và thời gian hoạt động thể chất bên ngoài. Tuy nhiên, cần phải thận trọng cân nhắc, tôn trọng các bé khi đưa ra quyết định, để cha mẹ và con đều hài lòng. Mục đích cuối cùng để các bạn nhỏ có không gian tốt nhất để phát triển”.

Để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng cho phụ huynh và các em nhỏ, đầu tiên cần đánh giá độ tin cậy của nguồn thông tin. Tiếp theo là biết cách đặt mật khẩu an toàn. Thứ ba là nhận biết dấu chân điện tử, phụ huynh cũng cần biết các nguyên tắc ứng xử khi bị bắt nạt trên mạng xã hội và cuối cùng là nhận biết các dấu hiệu nhận biết lừa đảo trực tuyến.

Đảm bảo an toàn thông tin bằng việc đọc sách 

Một trong những biện pháp hiệu quả để các bạn nhỏ vừa tiếp cận được kiến thức vừa đảm bảo chất lượng thông tin được tiếp thu chính là bằng cách đọc sách. Trong một khảo sát nhỏ được công bố tại chương trình giao lưu “Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội ngày 7/8 vừa qua. Khảo sát 2000 em học sinh tại tất cả các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn Phường 2, Quận 10, TPHCM để tìm hiểu thực trạng đọc sách của các em trong 8 tháng đã qua trong năm 2022.

Kết quả của khảo sát có 54,4% trẻ không đọc, còn lại 46,6% đã đọc sách trong thời gian đó. Lý do không đọc sách của các em trong khảo sát đa phần là do các em không thích, ngoài ra còn một số lý do như sách đó không phù hợp, không có thời gian…

Thạc sĩ Hoàng Tuấn Ngọc - Giảng viên ĐH Sư Phạm TP.HCM cho biết thêm: “Đọc sách làm tăng khả năng tập trung của trẻ lên 47,7 %, cải thiện trí nhớ 9,6 %, bên cạnh đó còn giảm stress cho trẻ. Đối với những trẻ đọc nhiều khả năng ngôn ngữ rất phát triển, trí tuệ thị giác và nhận thức, trí thông minh xã hội tốt hơn”. 

Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngoài sách giấy ra hiện tại loại sách điện tử hay sách nói cũng rất phổ biến. Với nhiều tiện ích và phù hợp với thói quen của các bạn nhỏ. Bạn Trần Minh Anh (12 tuổi), chia sẻ về việc đọc sách: “Em cũng thường xuyên đọc sách trên điện thoại vì trên đó dễ kiếm sách hơn, thư viện sách trên đó lớn hơn. Và em không cần mua sách hay mua kệ để sách”.

Không gian mạng đem lại cho trẻ em rất nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển. Vì vậy, chúng ta không thể tách các em ra khỏi không gian mạng mà cần tìm hiểu các phương pháp để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng các em nhỏ và để các em có điều kiện phát triển tốt nhất có thể. 

Bình luận