Áo quần được phủ lớp vật liệu này có thể làm giảm nhiệt độ khoảng 8 khoảng C

VOH - Các nhà khoa học vừa phát triển một giải pháp công nghệ mới hứa hẹn sẽ giải nhiệt hiệu quả: quần áo có khả năng làm mát cơ thể.

CNN đưa tin, nhóm nghiên cứu tại Đại học Massachusetts Amherst (UMass) vừa phát triển một lớp phủ phấn linh hoạt có thể áp dụng lên các loại vải và giúp giảm nhiệt độ bên dưới quần áo tới khoảng 4,4 - 8 độ C so với vải không được xử lý.

Lớp phủ làm mát vải này sử dụng hạt carbonat canxi - thành phần chính trong thạch cao đá vôi dùng để làm mát nhà ở vùng khí hậu nóng có thể phản xạ năng lượng mặt trời trở lại khí quyển và cho phép nhiệt cơ thể của người mặc thoát ra ngoài.

nang-nong-270824
Một biển quảng cáo hiển thị nhiệt độ 118 độ F (hơn 47 độ C) trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Phoenix, Arizona vào ngày 18/7/2023 - Ảnh: Getty Images

Theo Bà Trisha L. Andrew, nhà hóa học và nhà khoa học vật liệu tại UMass, lớp phủ này có thể áp dụng cho hầu hết mọi loại vải trên thị trường mà không làm thay đổi cấu trúc sợi vải và an toàn khi giặt.

Bà Andrew từ UMass cho biết, nhóm của bà dự định sản xuất thử nghiệm với các tấm vải có kích thước lớn thông qua một công ty khởi nghiệp mới.

Dù phí nguyên liệu cho lớp phủ khá thấp, giá thành sản phẩm có thể tăng nhẹ do quy trình áp dụng lớp phủ lên vải. Nếu quy trình này được mở rộng, lợi ích của vải làm mát giá rẻ có thể lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác ngoài quần áo.

Phát triển của Đại học Massachusetts Amherst là một phần của hướng nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn, thoải mái hơn và dễ mở rộng quy mô hơn để ứng phó với nhiệt độ cực cao ngày càng gia tăng.

mau-vai-270824
Một mẫu vải được sử dụng trong nghiên cứu của Đại học Massachusetts Amherst. 

Nhiều nghiên cứu về vải “giảm nhiệt”

Các thiết kế vải làm mát trước đây thường có cấu trúc cứng nhắc và quy trình sản xuất phức tạp khiến chúng đắt đỏ và không thoải mái khi mặc.

Các nhà khoa học tại Đại học RMIT ở Melbourne, Úc, đã sử dụng các hạt nanodiamonds để phủ lên vải cotton, giúp giảm nhiệt độ lên đến 3 độ C so với cotton chưa được xử lý.

Mặc dù chỉ giảm 3 độ C nhưng chúng có thể cải thiện đáng kể sự thoải mái và sức khỏe trong thời gian dài. Đồng thời có thể giúp tiết kiệm 20-30% năng lượng nhờ giảm việc sử dụng điều hòa, từ đó làm giảm ô nhiễm khí hậu.

Bà Shadi Houshyar, trưởng nhóm dự án và giảng viên cao cấp tại RMIT cho biết, các hạt nanodiamonds có vẻ đắt đỏ, nhưng thực tế chúng rất rẻ để sản xuất. Tuy nhiên, vải nanodiamonds vẫn cần phải cải thiện thêm do hiệu quả của chúng giảm sau nhiều lần giặt.

Bà cũng nhấn mạnh rằng, vải làm mát phải có giá cả phải chăng để dễ tiếp cận với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khắc nghiệt nhất.

Tại Đại học Chicago, các nhà khoa học cũng đang phát triển một loại vải làm mát từ các vật liệu như sợi nano bạc và len, với khả năng hạ nhiệt độ xuống hơn 8 độ C so với loại vải thường trong điều kiện ánh nắng gay gắt.

Họ hy vọng loại vải này không chỉ làm mát cho tòa nhà và xe hơi mà còn giảm chi phí điều hòa và bảo vệ con người khỏi nắng nóng gay gắt.

Giáo sư Xueping Zhang từ Đại học Donghua, Trung Quốc, cho biết các loại vải này có thể làm mát cục bộ cho cơ thể và điều chỉnh phù hợp với các môi trường khác nhau.

Giáo sư Zhang dự đoán, vải làm mát cá nhân sẽ sớm được công chúng sử dụng rộng rãi.

Bình luận