Báo động tai nạn do trẻ tự chế pháo nổ gia tăng dịp cận Tết

(VOH) - Những vụ tai nạn thương tâm do trẻ tự chế pháo nổ để lại hậu quả và di chứng nặng nề. Tuy vậy, tình trạng học sinh vi phạm về pháo ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Không khó để tìm kiếm các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng. Nhiều thanh thiếu niên và học sinh vì tò mò, muốn khám phá đã tự mua nguyên liệu trên mạng xã hội, làm theo các video hướng dẫn này. Hậu quả, không ít trẻ nhập viện vì pháo tự chế, có trẻ bị chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là t.ử v.ong. 

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, trong ngày 2/1, đơn vị đã tiếp nhận 2 trường hợp bỏng do pháo. Trong đó, một thiếu niên 16 tuổi bỏng 50% cơ thể, tình trạng rất nặng, thở qua ống nội khí quản; bệnh nhân còn lại, nam, 17 tuổi, bỏng 15% cơ thể, nặng nhất là ở vùng mặt, cổ, ngực, hai tay, được truyền dịch và theo dõi tích cực.

Hai ngày trước đó, một thiếu niên 15 tuổi, ngụ Ninh Bình, nhập viện trong tình trạng tổn thương 30% diện tích cơ thể, bỏng độ 2 - 3, nặng nhất vùng mặt. Người nhà em cho biết, em tự chế pháo, không may phát n.ổ khiến lửa bốc lên cháy quần áo gây bỏng nặng. 

Trường hợp khác là một bệnh nam, 16 tuổi, bị lửa cháy bỏng 60% cơ thể, đốt tóc, lông mi, lông mũi, bỏng cổ, thân, chi do tự chế pháo tại nhà. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng hô hấp, tiên lượng nặng, phải truyền dịch, thở oxy, khí dung, bù huyết tương, theo dõi nhiễm trùng.

Báo động tai nạn do trẻ tự chế pháo nổ gia tăng dịp cận Tết 1
Bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân gặp tai nạn do pháo nổ - Nguồn ảnh: TTO

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị thương tích nặng do pháo tự chế.

Ngày 27/12/2022, bệnh nhi N.M.T. (12 tuổi, ngụ Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng thương tích ở mặt, mắt, ngực, tay... do pháo n.ổ. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Theo đó, ngày 25/12, em T. và ba người bạn gần nhà đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Hậu quả, pháo n.ổ khiến hai em trong nhóm t.ử v.ong, một em đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, còn T. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Hay một thiếu niên 14 tuổi, ở Bình Phước, đã bỏ lưu huỳnh vào máy xay sinh tố khiến máy bị cháy và làm em bỏng nặng. 

Mặc dù được cứu chữa nhưng các em phải mang theo di chứng suốt đời. 

Thành phần của pháo là hóa chất có tính dễ bắt cháy, khó dập lửa, thường gây bỏng nặng. Một số trường hợp bị ngộ độc khí từ các chất cháy (lưu huỳnh, photpho...), tuy nhiên xét nghiệm rất khó phát hiện.

Theo ThS - bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp - Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108: "Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo".

Bác sĩ CKI Nguyễn Hiền - khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - khuyến cáo gia đình cùng nhà trường cần quan tâm và tăng cường giáo dục hơn nữa để trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, hành vi này gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Bình luận