“Bạo hành trẻ” - Cần chuẩn hóa nhận thức giáo dục cho những người làm giáo dục?

VOH - Bạo hành trẻ trong giáo dục đang là vấn nạn khiến nhiều người phẫn nộ và bức xúc bởi những hậu quả khôn lường của nó.

Thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp đau lòng khi giáo viên, bảo mẫu “bạo hành trẻ” trong lớp học, gây phẫn nỗ dư luận mà gần nhất là một chủ cơ sở giáo dục lại đè và ngồi lên bụng trẻ để ép ăn múi quýt.

Những giáo viên, bảo mẫu đó khi “bạo hành trẻ” là do thiếu lòng Nhân, vô trách nhiệm hay bị áp lực công việc, bị stress hoặc do nhận thức sai về bản chất giáo dục?

Dĩ nhiên chỉ có họ mới trả lời chính xác là do đâu. Nhưng nếu phân tích, đánh giá khách quan khi nhìn nhận vấn đề cũng có thể đưa ra một số nhận định.

Khó có thể nghĩ rằng hành vi “bạo hành” của họ là do thiếu lòng Nhân, vô trách nhiệm; bởi một người khi đã chọn công việc liên quan giáo dục chắc khó thể là người thiếu lòng Nhân. 

voh-bao-anh-tre-em-can-chuan-hoa-nhan-thuc-giao-duc-cho-nhung-nguoi-lam-giao-duc-1
Giáo viên, bảo mẫu lạm dụng quyền để bạo hành trẻ em - Ảnh: Internet

Còn nếu là người vô trách nhiệm chắc họ sẽ chọn cách khác chứ đâu “ép trẻ” phải ăn, “đánh trẻ” buộc phải học theo ý mình. Thậm chí, có khi vì tính trách nhiệm nhưng do nhận thức sai về bản chất giáo dục nên đã dẫn họ đến sai phạm “bạo hành trẻ”. Tôi tin tất cả họ đều có cảm giác ân hận, tội lỗi, dằn vặt sau những vụ việc như vậy.

Cũng có thể do áp lực công việc, stress cuộc sống, không kềm chế được cảm xúc mới dẫn đến “bạo hành”. Thực tế, ai cũng dễ bị áp lực công việc, stress và khó kiểm soát cảm xúc hành xử, nhưng nếu có nhận thức đúng đắn, chuẩn mực về vai trò, ý nghĩa, chức nghiệp, sứ mệnh của nghề nghiệp…thì chắc cảm xúc đó khó thể biến thành hành vi thiếu chuẩn mực vậy được.

Những giáo viên, bảo mẫu đó cũng là con người - một nhân cách. Họ cũng là sản phẩm từ giáo dục nhà trường, gia đình và môi trường xã hội. 

Rất có thể thời thơ ấu họ từng bị hoặc nhiều lần chứng kiến cảnh “bạo hành” tương tự; hình thành vô thức trong họ đó là cách dạy dỗ bình thường của người lớn theo lối “thương cho roi cho vọt”.

Hoặc do từ bé họ bị ảnh hưởng quá nặng của cách giáo dục khắt khe từ thầy cô, cha mẹ buộc trẻ phải làm theo những gì người lớn cho là phải, là đúng. Trong nhận thức đó, dễ dẫn dắt họ không chấp nhận những trẻ không chịu ăn, không chịu học, lo ra, ham chơi, lười biếng, không nghe lời…và trong lúc thiếu kiểm soát cảm xúc rất dễ có những “bạo hành” kiểu vô thức như vậy.

voh-bao-anh-tre-em-can-chuan-hoa-nhan-thuc-giao-duc-cho-nhung-nguoi-lam-giao-duc-3
Bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục đang là vấn nạn - Ảnh: Internet

Còn nhớ, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành giáo dục đã liên tục hội thảo, hội nghị, đã hình thành lý luận giáo dục “lấy người học làm trung tâm”. 

Chắc rằng những lý luận giáo dục đó đã thấm nhuần trong nhận thức của những người làm giáo dục, nhưng chắc chưa “đủ đô” để thay đổi nhận thức giáo dục của tất cả. Thậm chí, vẫn còn những bậc cha mẹ “xử” con mình chỉ vì làm trái ý mà không hề nhận thức rằng, làm khác ý mình nhưng chưa hẳn trẻ sai xét dưới góc độ một nhân cách cần thiết phải được tôn trọng.

Thời đại truyền thông 4.0, trí tuệ thông minh nhân tạo AI - thách thức lớn ngành giáo dục cần phải thay đổi cách tiếp cận. 

Vai trò, khái niệm “người thầy” đã có nhiều thay đổi về nội hàm, rộng hơn và khác hơn so với “ông thầy” trước đây. Giáo dục ngày nay không còn chỉ rao giảng tri thức mà định hướng phương pháp tư duy tiếp cận được đề cao hơn để học sinh khả dĩ hội nhập những đòi hỏi mới. 

Lý luận giáo dục hiện đại hướng đến phát triển cá nhân độc lập tư duy, tự do lựa chọn, bởi đó chính là cuộc đời của mỗi cá nhân chẳng ai giống ai, mỗi người phải sống và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. 

voh-bao-anh-tre-em-can-chuan-hoa-nhan-thuc-giao-duc-cho-nhung-nguoi-lam-giao-duc-2
Ngừng ngay hành vi bạo hành trẻ em - Ảnh: Internet

Như vậy, giáo viên chỉ giữ vai trò định hướng cho trẻ cách học, hiểu biết về những giá trị cuộc sống để trẻ độc lập tư duy lựa chọn cho mình từ cách học, môn học, ngành học, nghề nghiệp cho đến cuộc sống.

Bản chất lý luận giáo dục hiện đại chỉ rõ, người lớn, những người làm giáo dục giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ mỗi cá nhân phát triển tối ưu những giá trị tự thân, vui học và sống hạnh phúc.

Nếu tất cả những người làm giáo dục thấu hiểu tường tận bản chất đó của lý luận dạy học, chắc rằng các vụ “bạo hành trẻ” khó thể diễn ra nhiều nơi học đường như thời gian qua.

Bình luận