Cảnh báo hiểm họa từ bóng bay bơm khí hydro phát nổ

(VOH) - Bóng bay bơm khí hydro được bày bán tràn lan trước cổng trường, tại các khu vui chơi giải trí hay các sự kiện, lễ hội, tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vừa qua, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã cấp cứu cho một bé gái bị bỏng do bóng bay bơm khí hydro phát nổ.

Theo đó, bệnh nhi Đ.N.M.C. (9 tuổi, trú tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng hốt hoảng, bỏng ở mặt, cổ và một phần cánh tay phải, khuôn mặt trợt đỏ, mùi khét do tóc và lông mi bị cháy. 

Cảnh báo hiểm họa từ bóng bay bơm khí hydro phát nổ 1
Bóng bay phát nổ khiến bệnh nhi bị bỏng - Nguồn ảnh: VTV

Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, cháu được người thân mua cho bóng bay bơm khí hydro tại cổng trường. Khi về nhà, trẻ đang nghịch quả bóng thì đột nhiên bóng phát nổ.

Ngay sau đó, bé C. được mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu và điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng. Bệnh nhi được chẩn đoán bị bỏng độ II tại mặt, cổ và chỉ định thay băng hàng ngày, sử dụng kèm kháng sinh giảm đau. Sau 4 ngày tích cực điều trị, tình trạng của bệnh nhi dần ổn định, vết thương khô và được bác sĩ cho xuất viện. 

ThS.BS Dương Trung Hiếu, Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng cho biết, trường hợp của bệnh nhi trên là rất may mắn vì khi bóng phát nổ, trẻ nhắm mắt, vết thương trợt đỏ xung quanh mắt chưa ảnh hưởng đến thị giác. Tuy nhiên, vụ tai nạn này khiến bệnh nhi hoảng sợ, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ. 

Cảnh báo hiểm họa từ bóng bay bơm khí hydro phát nổ 2
Bé gái bị bỏng độ II tại mặt, cổ - Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Bác sĩ Hiếu thông tin thêm: Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ khi tiếp xúc gần nguồn nhiệt hoặc cọ xát nhiều cũng khiến nó phát nổ. Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Do khoảng cách cầm bóng gần với mặt và tay, nên khi phát nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, bỏng tay, mù mắt. 

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho các bé chơi bóng bay khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn nhiệt để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Trong trường hợp không may bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro, cần nhanh chóng làm mát vùng da bị bỏng và đưa người đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. 

Trên thực tế, người bán phải bơm khí hydro hoặc khí heli vào quả bóng để chúng lơ lửng trên không. Heli được cho là an toàn với nhiệt độ, trong khi hydro gặp nhiệt độ sẽ phát nổ. Vì giá thành chênh lệch nên người bán thường chọn khí hydro để cho lợi nhuận cao hơn. Điều này đồng nghĩa với tính an toàn cho khách không được đảm bảo. 

Bình luận