Chó thả rông cắn người, chủ bị xử lý như thế nào?

(VOH) – Thời gian gần đây, các vụ chó tấn công người gây thương tích liên tiếp xảy ra. Trong trường hợp này, chủ vật nuôi bị xử lý như thế nào?

Chó được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn làm vật nuôi trong nhà để bầu bạn, làm cảnh, bảo vệ nhà… Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp chủ vật nuôi không tuân thủ các quy định an toàn, thiếu ý thức khi thả rông chó dẫn đến việc chó cắn người gây thương tích nặng, thậm chí thiệt mạng.

Một số quy định người nuôi chó, mèo cần biết

Theo quy định tại khoản 2.1 mục 2 Phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT thì người nuôi chó, mèo phải tuân thủ quy định như sau:

  • Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
  • Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh;
  • Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
  • Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
  • Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
  • Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
  • Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Chó thả rông cắn người, chủ bị xử lý như thế nào? 1
Ảnh: iStock

Chó thả rông cắn người, chủ bị xử lý như thế nào?

Tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự; hoặc có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm quy định về nuôi, nhốt, để vật nuôi tấn công, lây bệnh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác.

Theo Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 1.000.0000 - 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng; không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm.

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân.

  • Vật nuôi gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì chủ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự tương đương với giá trị tài sản bị mất, bị hư hỏng và lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản này.
  • Vật nuôi gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác thì chủ phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần, thu nhập bị mất... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự. Nếu dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.

Về trường hợp có thể bị xử lý hình sự:

  • Nếu vật nuôi gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương 31 - 60% thì người chủ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 Bộ luật Hình sự; mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù.
  • Trường hợp vật nuôi làm chết người thì có thể áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự, xử lý người chủ về tội Vô ý làm chết người; khung hình phạt lên đến 10 năm tù.
Bình luận