Everest đối mặt thách thức môi trường do rác thải và hàng trăm thi thể lộ ra sau băng tan

VOH - Phát hiện mới đây của chính quyền Nepal đã gióng lên nhiều hồi chuông cảnh báo về vấn đề môi trường.

Tại Nepal, khi ngày càng có nhiều người leo lên đỉnh Everest, rác thải do những người leo núi tạo ra trên đường đi đang khiến vấn đề môi trường địa phương ngày càng nghiêm trọng.

Hãng tinn Agence France-Presse ngày 27/6 đưa tin do ảnh hưởng của nhiệt độ toàn cầu tăng cao, tuyết trên đỉnh Everest đang tan nhanh hơn, làm lộ ra một lượng lớn rác thải và hài cốt của hàng trăm người leo núi.

Hiện tượng này khiến cho công việc dọn dẹp ở khu vực Everest đang đối mặt với những thách thức lớn. Theo ước tính, hiện có ít nhất 50 tấn rác và hơn 200 thi thể trên đỉnh Everest và các đỉnh núi lân cận được phát hiện trong chiến dịch dọn dẹp “nóc nhà thế giới” năm nay.

27114526716b337-17196323274111958719971
Trên những sườn dốc thiêng liêng của Everest, biến đổi khí hậu đang làm băng tuyết mỏng dần, ngày càng lộ rõ ​​thi thể của hàng trăm nhà leo núi đã thiệt mạng - Ảnh: AFP

Chiến dịch dọn dẹp Everest có ngân sách hơn 600.000 USD (hơn 15 tỷ đồng). Song song đó, chính quyền Nepal còn tuyển dụng 171 hướng dẫn viên và người khuân vác.

Từ những năm 1920 đến nay ghi nhận hơn 300 người thiệt mạng trên Everest. Riêng mùa leo núi năm 2024 đã có 8 người thiệt mạng.

Aditya Karki, một thiếu tá quân đội Nepal, người đứng đầu nhóm gồm 12 quân nhân và 18 nhà leo núi đang làm nhiệm vụ cho biết: “Do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, (các thi thể và rác thải) ngày càng lộ rõ ​​hơn khi lớp tuyết phủ mỏng đi”.

Lực lượng cứu hộ phải mất hàng giờ để đẽo băng bằng rìu, đôi khi phải dùng nước sôi để gỡ phần bám đông cứng. Nhiều thi thể nằm giữa đường đi. Một số bị tuyết che khuất hoặc bị nuốt chửng trong các khe vực sâu. Nhiều người khác vẫn mặc đồ leo núi đầy màu sắc, đã trở thành điểm “đánh dấu” trên đường lên đỉnh. Họ được những nhân viên cứu hộ đặt biệt danh như “Giày xanh” và “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Karki nói với AFP: “Có một hiệu ứng tâm lý: Mọi người tin rằng họ đang bước vào một không gian thiêng liêng khi leo núi, nhưng nếu họ nhìn thấy xác chết trên đường đi, điều đó có thể gây ra tác động tiêu cực”.

“Vùng tử thần” của Everest có không khí loãng và nồng độ oxy thấp làm tăng nguy cơ mắc chứng say độ cao. Người leo núi phải có bảo hiểm, nhưng bất kỳ nhiệm vụ giải cứu hoặc cứu hộ nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Anh từng gặp trường hợp có một thi thể bị băng bao phủ tới tận thân và phải mất 11 giờ các nhà leo núi mới giải cứu được. Nhóm tìm kiếm đã phải dùng nước nóng để nới lỏng thi thể khỏi lớp băng và dùng rìu cạy ra.

271146419ad5581-1719632327411781588883
Quân đội Nepal chuyển các thi thể đông lạnh được lấy từ Everest vào xe cứu thương để hỏa táng - Ảnh: AFP

Tshiring Jangbu Sherpa, một người dẫn đầu cuộc tìm kiếm thi thể, cho biết: “Việc này vô cùng khó khăn. Đưa thi thể ra ngoài là một chuyện, đưa nó xuống lại là một chuyện khác”.

Sherpa cho biết một số thi thể vẫn trông gần như nguyên vẹn vào thời điểm tử vong – mặc đầy đủ đồ, người vẫn đeo dây an toàn. Cơ thể con người có thể nặng hơn 100 kg và ở độ cao như Everest, khả năng mang vác vật nặng của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên cần tới 8 nhân viên cứu hộ cho mỗi thi thể.

Tuy nhiên các nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực giải cứu vì cho rằng nếu “cứ bỏ họ lại phía sau, những ngọn núi sẽ biến thành một nghĩa địa”.

Thi thể thường được bọc trong bao rồi đặt lên xe trượt nhựa để kéo xuống. Sherpa chia sẻ kinh nghiệm về lần đưa một thi thể xuống từ gần đỉnh 8.516 mét của Lhotse, ngọn núi cao thứ tư thế giới, là một trong những thử thách khó khăn nhất cho đến nay.

271148094a848f7-1719632327411636763442
Khi băng tan, "vùng tử thần'"của Everest lộ rõ ​​bóng ma

Bất chấp những nỗ lực phục hồi, ngọn núi sừng sững này vẫn ẩn chứa nhiều bí mật và rất nhiều người mất tích. Thi thể của George Mallory, nhà leo núi người Anh mất tích trong chuyến leo núi năm 1924, chỉ được tìm thấy vào năm 1999.

Người bạn leo núi của anh, Andrew Irvine, chưa bao giờ được tìm thấy – cũng như máy ảnh của họ, thứ có thể cung cấp bằng chứng về một chuyến đi có thể viết lại lịch sử leo núi.

Không khí loãng và nồng độ oxy thấp ở "vùng tử thần" của Everest khiến việc thu hồi thi thể trở thành một công việc nguy hiểm. Lều huỳnh quang, thiết bị leo núi bị vứt bỏ, bình gas rỗng và thậm chí cả phân người nằm rải rác trên con đường lên đỉnh núi.

Ngày nay, các đoàn thám hiểm được yêu cầu phải loại bỏ rác thải mà họ tạo ra, nhưng "rác thải lịch sử" vẫn còn đó.

Karki nói: “Rác năm nay có thể được những người leo núi mang về. Nhưng ai sẽ mang những cái cũ đi?”.

Bình luận