Giờ thì mình biết vì sao người ta gọi Huế là “Huế thương” 

VOH - Nếu “bình yên” là một loại xa xỉ phẩm, thì đến Huế, tôi lại có thể tìm thấy “bình yên” ở bất kỳ đâu. 

Khi tâm hồn gặp gỡ bình yên

“Chạm” Huế sau ba tiếng ngồi trên chiếc limousine từ Hội An vào, quãng đường ngỡ như sẽ dài nhưng lại ngắn đi bởi cảnh rừng núi trùng điệp, hùng vĩ chạy dọc theo từng khúc đường. Mỗi góc nhìn ra từ cửa sổ xe là một lần tôi cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ và lộng lẫy của Việt Nam, khiến lòng bỗng nhẹ bẫng, tâm hồn như hòa mình vào cảnh sắc ấy. 

 
IMG_5634
Sông Hương - Nét đẹp thơ mộng trường tồn ở miền đất Cố đô

Vừa đến Huế, mắt tôi “chạm” vào mặt hồ Xuân Hương, một cảm giác nhẹ tênh lan tỏa trong lòng. Giờ đây, tôi đã hiểu tại sao người ta gọi Huế là “Huế thương.” Bình yên ở Huế không cần phải tìm kiếm xa xôi, nó hiện diện ngay trong nhịp sống thong thả của thành phố, trong sự chất phác, thân thiện của con người, và trong cảnh quan thiên nhiên trầm mặc, tĩnh lặng ấy. Tất cả những điều đó kết hợp lại tạo nên một bức tranh Cố đô mà bất kỳ ai đã ghé qua đều khó lòng quên được.

IMG_5621
Hoàng hôn trên sông Hương trước cổng chùa Thiên Mụ. - Ảnh: Thi Na

5 giờ chiều Cố đô, đứng ở con dốc trước cổng chùa Thiên Mụ, hẳn là một lữ khách lần đầu đến đây, tôi ngơ ngác với cảnh hoàng hôn “hút hồn” ấy. Rõ là ở Sài Gòn không thiếu hoàng hôn, đôi khi còn rực đỏ cả bầu trời, ấy vậy mà đứng ở đây, tôi trông thật nhỏ bé trước cảnh “mắt trời sắp tan ca”. Dưới ánh chiều tà, sông Hương mang một vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thiêng liêng. Những cành cây soi bóng xuống dòng sông, như muốn ôm trọn tất thảy sự thanh tịnh của đất trời vào lòng. Như một liều thuốc tinh thần cho những ai đang tìm kiếm sự an yên trong cuộc sống.

Cánh cửa vàng son của triều đại nhà Nguyễn

Đến Huế, chúng ta không thể bỏ qua cơ hội khám phá Kinh thành Huế (Đại Nội), một trong những di tích lịch sử nổi bật nhất của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Với diện tích lên đến 520ha, kinh thành mang trong mình vẻ uy nghi và trầm mặc, được bảo tồn nguyên vẹn qua bao thăng trầm lịch sử

Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc hình vuông, với bốn mặt là những bức tường gạch cao, rêu phong phủ kín, gợi lên một cảm giác cổ kính và trang nghiêm. Đi dọc những con đường bên trong kinh thành, tôi cảm nhận được bao sự hoài niệm về một thời kỳ vàng son của triều đại nhà Nguyễn. Hồ nước lớn bao quanh, tạo nên một cảnh quan thơ mộng, làm mát không gian, đưa du khách trở về với thiên nhiên, hòa mình vào không khí thanh bình của vùng đất Cố đô.

IMG_5545
Đi dọc những con đường bên trong kinh thành, tôi cảm nhận được bao sự hoài niệm về một thời kỳ vàng son của triều đại nhà Nguyễn. - Ảnh: Thi Na

Một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Kinh thành Huế chính là Ngọ Môn. Đây là cổng chính vào Đại Nội, nổi bật với kiến trúc đồ sộ và các chi tiết chạm trổ tinh tế. Ngọ Môn là biểu tượng quyền lực của vương triều, là minh chứng cho sự khéo léo và tinh hoa nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Mỗi năm, Ngọ Môn đón hàng triệu lượt du khách, cả trong và ngoài nước, đến để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của triều đại nhà Nguyễn.

IMG_5636
Ngọ Môn một sớm mai, khi những ánh nắng ngày mới len lỏi qua kẽ lá, nắng mùa hè vẫn chưa bao phủ và sự đông đúc của những đoàn khách tham quan công trình tuyệt vời này vẫn chưa xuất hiện. Rất thư thả và trong lành!

Ngoài Kinh thành, Huế còn nổi tiếng với quần thể lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn, cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Mỗi lăng tẩm mang một phong cách kiến trúc độc đáo, phản ánh triết lý sống và quan niệm về cái chết của từng vị vua. Điển hình như lăng Tự Đức, với không gian xanh mát, yên bình, được thiết kế như một công viên với hồ nước, cây cối và những con đường lát đá; hay lăng Khải Định, nổi bật với kiến trúc kết hợp giữa phong cách truyền thống Việt Nam và nét hiện đại của phương Tây.

IMG_5632
Lăng Tự Đức, Huế, chốn tĩnh mịch xứ Huế. - Ảnh: Instagram datsnapper
 

Huế thương: chạm vào bình yên, chạm vào tình người

Ở Huế, một chiều đầu tuần, một mình trên con xe Airblade thuê với giá 200 ngàn/ngày, tôi lặng lẽ phóng mình ra vùng ngoại ô. Dọc theo những con đường nhỏ uốn lượn qua những cánh đồng lúa chín vàng, đôi lúc là hai hàng phi lao,tôi cảm nhận được sự thanh bình, yên ả ở vùng quê xa xôi. Ở đây, Tôi có thể tìm thấy chính mình, lắng nghe nhịp đập của cuộc sống trong những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất.

IMG_5631
Trên một bến tàu nhỏ tại biển Thuận An, Thừa Thiên Huế. - Ảnh: Instagram charlietheloopy
IMG_5623
Ánh chiều - Ảnh: Thi Na
PenultimateFullSizeRender
Giờ đây, tôi đã hiểu tại sao người ta gọi Huế là "Huế thương". - Ảnh Thi Na

Huế đón tôi bằng tất cả sự chân thành từ những bác tài, các cô chú bán bánh bột lọc tôi ghé ăn, và mọi người mà tôi có dịp gặp gỡ. “Răng, chi, mô, tê…” những phương ngữ mà tôi từng học qua sách vở, giờ đây trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi trò chuyện với người dân nơi này. Dù nhiều lúc tôi chỉ đáp lại bằng những từ “Hả, à, dạ!”, nhưng đâu đó, tôi vẫn cảm nhận được sự thân thương, trìu mến trong từng ánh mắt, nụ cười của họ. Phương ngữ Huế, sự hiện thân của cái tình, cái duyên nhẹ nhàng, dịu dàng và rất Huế. 

IMG_5629
"Em ăn cái chi" - Ảnh: Instagram oniiiiiic
IMG_5628
"Anh răng em rứa: anh sao em vậy!" - Ảnh: Instagram oniiiiiic
IMG_5627
Ảnh: Instagram oniiiiiic

Huế thương, Huế bình yên là nơi mà tôi sẽ mãi nhớ về mỗi khi cần tìm lại sự tĩnh tại giữa cuộc sống xô bồ. Ở đây, bình yên không còn là xa xỉ phẩm, mà là món quà quý giá mà bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy, chỉ cần biết dừng lại và cảm nhận.

Bình luận