Google Doodle 20/3 tôn vinh vị bác sĩ khốn khổ cả đời vì kêu gọi rửa tay tránh bệnh tật

(VOH) – ít ai biết thói quen đơn giản rửa tay để tránh lây bệnh bắt đầu được biết đến vào năm 1847. Bác sĩ Ignaz Philipp Semmelweis đã trải qua một đời khốn khổ vì kiên tâm kêu gọi mọi người rửa tay.

Hôm nay Google Doodle 20/3 tôn vinh ông. 

Ông là bác sĩ người Hunggary. Năm 28 tuổi (1846), khi làm việc tại bệnh viện Đa khoa Vienna ở thủ đô nước Áo, Ignaz Philipp Semmelweis chứng kiến vấn đề nghiêm trọng được gọi là sốt hậu sản lan tràn khắp Châu Âu. Việc sinh nở trong bệnh viện rất rủi ro, một số bà mẹ sau khi sinh xong sẽ lên cơn sốt. Và cứ 10 người thì lại có một người tử vong.

Bệnh viện Đa khoa Vienna nơi Semmelweis làm việc khi đó có hai phân khu sản khoa miễn phí. Đổi lại, các bệnh nhân nghèo vào đây phải hợp tác trong quá trình khám, để các bác sĩ lấy họ làm ví dụ giảng dạy cho sinh viên y khoa và nữ hộ sinh.

Phân khu thứ nhất chỉ được dành để đào tạo các sinh viên trở thành bác sĩ, còn phân khu thứ hai chỉ đào tạo nữ hộ sinh. Điều trớ trêu mà Semmelweis thống kê được, đó là số bệnh nhân tử vong vì sốt hậu sản ở phân khu đào tạo bác sĩ lại cao gấp tới 3 lần phân khu đào tạo hộ sinh, lên tới 9%. Điều đó khiến tới ⅓ số sản phụ đến khu khám bệnh tử vong chỉ trong vòng vài tháng.

Có lúc ông tuyệt vọng trước những thống khổ đó, đến mức phải từ bỏ công việc của mình tại bệnh viện (10/1846). Nỗi đau càng lớn hơn khi giáo sư Jakob Kollerschka, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y và cũng là bạn tốt của ông đã qua đời. Ông nhận ra thi thể vị giáo sư ấy có những đặc điểm giống hệt những người phụ nữ chết do sốt hậu sản. Và ông dày công tiếp tục nghiên cứu về một loại "hạt" nhỏ bé nào đó từ tử thi đã chui qua vết dao cắt vào máu của Kollerschka, sau đó khiến ông bị sốt dẫn tới tử vong. Và đó cũng chính là lý do mà các sản phụ mắc sốt hậu sản (Khi đó nhân loại chưa biết rằng những con vi khuẩn tí hon có thể gây bệnh, bác sĩ Semmelweis chỉ có thể đoán gọi là “hạt”).

Ông đã làm một việc là đặt những chậu chứa dung dịch clo trước mỗi giường bệnh sản phụ và yêu cầu các bác sĩ phải rửa tay giữa mỗi lần khám bệnh cho họ. Nhờ thực hành đó, Bệnh viện Đa khoa Vienna cuối cùng cũng giảm được tỷ lệ sản phụ tử vong ở phân khu sản khoa thứ nhất xuống bằng phân khu thứ hai, ở ngưỡng 1,27% trong suốt năm 1848.

Semmelweis cùng học trò của mình đã xuất bản một số ấn phẩm sơ bộ trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Vienna, nói rằng việc rửa tay có tác dụng ngăn chặn sốt hậu sản lây lan qua bàn tay các bác sĩ. Ông cũng gửi thư đến tất cả các bác sĩ trưởng khoa sản ở Châu Âu đề nghị họ cho ý kiến về giả thuyết các "hạt" gây bệnh của mình. Thế nhưng, đa số các phản hồi đều khiến Semmelweis thất vọng. Có bác sĩ bác bỏ các số liệu của Semmelweis, coi chúng chỉ là sự ngẫu nhiên của thống kê học. Một số nói rằng việc yêu cầu các bác sĩ rửa tay là xúc phạm họ, rằng địa vị của các bác sĩ trong xã hội rất cao quý, bàn tay của họ không thể bị ô uế như vậy. Bao trùm lên tất cả những lý do là tư duy cố hữu của cộng đồng y tế ở Châu Âu thời kỳ đó.

Google Doodle, 20/3, rửa tay, Ignaz Philipp Semmelweis

Ảnh chụp màn hình Google Doodle 20/3

Ông đã phải “trả giá” cho những nghiên cứu “đi trước thời đại” của mình: chỉ được cho phép ở lại với tư cách giáo sư giảng dạy, và chỉ được dạy trên ma-nơ-canh thay vì tử thi thật, những nghiên cứu về sau của ông không được giới khoa học nhìn nhận.

…Và cả kết cục cuộc đời đầy thảm thương

Năm 1861, sau quá trình chiến đấu bất lực, Semmelweis bị trầm cảm nặng và gặp những vấn đề thần kinh đầu tiên. Ông bị ám ảnh và hoang tưởng bởi chủ đề sốt hậu sản. Ông điên cuồng gửi thư đến tất cả những bác sĩ và nhà khoa học từng phản đối mình, với những lời giận giữ, đầy tuyệt vọng và cay đắng. Semmelweis chửi họ là những "kẻ giết người vô trách nhiệm".

Đến năm 1865, tình trạng của Semmelweis đã trở nên thực sự trầm trọng. Ông bắt đầu nghiện rượu và hiếm khi về nhà. Hành vi của Semmelweis khiến chính các đồng nghiệp và gia đình phải cảm thấy xấu hổ. Tháng 7 năm 1865, họ sắp đặt một kế hoạch để đưa ông vào nhà thương điên. Ông chú của Semmelweis, xoay sở được một giấy chứng nhận ghi rằng Semmelweis bị bệnh tâm thần. Ba bác sĩ đã ký vào đó, nhưng không có ai là bác sĩ tâm thần, một trong số đó là chính đối thủ và kẻ thù không đội trời chung của Semmelweis trước đây. Khi vị bác sĩ đáng thương lờ mờ nhận ra kế hoạch ấy thì đã quá muộn, ông cố gắng trốn thoát nhưng bị những người bảo vệ tại nhà thương điên đánh gục. Không lâu sau đó, những vết thương của Semmelweis bị nhiễm trùng và ông chết vì chính những "hạt" gây bệnh mà mình đã tiên đoán.

Sau khi chết, thi thể của Semmelweis được chôn cất tại Vienna vào tháng 8/1865. Thời điểm đó, bất kỳ nhà khoa học nào ở Hunggary qua đời cũng đều được vinh danh bằng một diễn văn, nhưng ông thì không. Đám tang chỉ có một vài người đến tham dự. Thông báo ngắn gọn về cái chết của ông xuất hiện trong một số tạp chí y tế ở Vienna và Budapest. Cuộc đời ông đã hi sinh bi thảm cho những tiến bộ vượt cả trăm năm.

Triển lãm chủ đề “Gia đình” nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3: Cuộc thi được phát động từ tháng 10/2019 - 2/2020 dành cho nữ tác giả ở TPHCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 16 tác phẩm đạt giải thưởng từ 416 tác phẩm dự thi.

 

Vì sao Doodle Google hôm nay 19/3 chọn ngày Lập Xuân?: Hôm nay 19/3, Doodle Google chào mừng Xuân Phân 2020 hay Lập Xuân 2020 là ngày 19/3 thay vì ngày 20/3 hoặc 21/3 như mọi năm.

Bình luận