Hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long (P.3): Để có thiên thời, địa lợi, phải có nhân hoà

(VOH) - Những ngày qua thông tin về tình trạng xâm nhập mặn sâu, rộng và kéo dài đã vượt qua khỏi phạm vi 13 tỉnh đồng bằng, trở thành vấn đề quan tâm của cả nước.

Bài 3: Để có thiên thời, địa lợi phải có nhân hoà

Với một quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì những những diễn biến bất lợi của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này là một mối quan tâm lớn. Bởi, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn gắn bó với tiềm lực phát triển kinh tế của quốc gia và sự ổn định chung của thế giới.

Tính đến thời điểm này, mặn đã bao phủ và ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh thành miền Tây. Hiện, 5 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn.

Tình trạng nước mặn xâm nhập, tuỳ cửa sông, dao động từ 60 đến 110 km. So với năm kỷ lục hạn mặn 2016, mức xâm nhập mặn phần lớn đều tiến sâu hơn, và dù các địa phương đã chủ động ứng phó, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những thiệt hại.

Diện tích lúa bị ảnh hưởng tính đến thời điểm hiện tại đã gần 40.000 hecta, có hơn 95.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian qua do tình trạng hạn, mặn.

Thực tế đã cho thấy nước ngọt không phải là nguồn tài nguyên vô tận và vùng sông nước mênh mông như miền Tây Nam bộ cũng có lúc phải vất vả xoay sở với tình trạng thiếu nước.

hạn mặn

Người dân miền Tây Nam bộ cũng có lúc phải vất vả xoay sở với tình trạng thiếu nước (Ảnh: Đại Đoàn kết)

Đáng nói là nguyên nhân của tình trạng hạn mặn có sự đóng góp của cả thiên tai lẫn nhân tai. Thiên tai bởi do tình hình mưa ít trên lưu vực sông, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng...

Nhân tai do những tác động thiếu bền vững của con người vào giới thiên nhiên, do quy trình vận hành của dòng Mê Kông bị can thiệp thô bạo bởi bàn tay con người.

Trong khi đó, ranh giới mặn - ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long chính là sự "tranh chấp" ngày đêm giữa sông và biển. Nhưng cả thiên tai lẫn nhân tai hiện tại dường như đều bất lợi cho nguồn nước ngọt đồng bằng.

Tuy nhiên, bất lợi không có nghĩa là buông tay là chấp nhận đầu hàng. Nhiều quốc gia trên thế giới có những điều kiện tự nhiên vô cùng bất lợi nhưng lại vươn lên khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hà Lan đầy bất lợi khi là một đất nước rất nhỏ lại có đến 50% lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, nhưng lại được nhắc đến như là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả cao nhất thế giới.

Có được điều này bởi quốc gia đã làm tốt công tác quản lý nguồn nước. Họ không chỉ bảo vệ đất liền bởi các đập ven biển vững chắc mà còn cả giải pháp chuyển nước linh hoạt khi cần thiết.

Quốc gia này đã hoá giải bất lợi của tự nhiên bằng sức mạnh của đường lối chính sách thích hợp, bằng sự đoàn kết đóng góp của các thành phần kinh tế, hay nói chính xác hơn bằng sự "nhân hoà". "Nhân hoà" giữa lòng người, "nhân hoà" với thiên nhiên.

Thiên tai không tránh khỏi, nhưng có thể ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đáng lo ngại nhất vẫn là "nhân tai" khi chính con người thường chỉ vì lợi ích chính mình, lợi ích trước mắt mà đánh đổi những lợi ích chung của cộng đồng và cả những lợi ích của thế hệ tương lai.

Như cậu chuyện về khai thác lợi ích của dòng Mê Kông trong thời gian qua là một điển hình. Đồng bằng nơi cuối nguồn sẽ giảm bớt tình trạng cực đoan của xâm nhập mặn khi có sự sẻ chia nguồn tài nguyên giữa các quốc gia trong lưu vực.

Thế giới ngày càng phẳng, con người càng độc lập thì lại càng nối kết với nhau nhiều hơn. Những khó khăn của quốc gia này sẽ không thể không liên quan hay không gắn kết với những quốc gia khác.

Như con virus SARS-CoV-2 nhỏ bé kia tưởng chỉ làm rung chuyển một thành phố xa xôi nào đó, nhưng ngay giờ đây đã có khoảng 160 quốc gia đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Dù muốn dù không các quốc gia vẫn ảnh hưởng tác động với nhau và phải hợp tác cùng nhau để giải quyết, xử lý.

Vấn đề thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông cũng vậy. Sự bất lợi của những vùng đồng bằng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây mà còn ảnh hưởng đến cả bữa ăn, nguồn thực phẩm cả nước và cả thế giới.

Giá nông sản biến động, khan hiếm nguồn cung khi vùng sản xuất lương thực trọng điểm của quốc gia xuất khẩu nông nghiệp như Việt Nam, Thái Lan gặp bất lợi...

Vì vậy, việc chia sẻ nguồn nước, hỗ trợ kinh nghiệm ứng phó với thiên tai sẽ giúp ổn định chính bữa ăn của mỗi gia đình và tình hình kinh tế xã hội chung của thế giới.

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp công trình như dự án cống Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng tại Châu Thành, Kiên Giang kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho gần 400.000 ha ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu; cống Âu thuyền Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang...

Nông dân Việt Nam cũng đã chủ động chuyển đổi giống vật nuôi cây trồng theo hướng phù hợp với tự nhiên và định hướng thích ứng với biền đổi khí hậu của Chính phủ. Thiên tai hay nhân tai cũng đã dần nhận rõ, các giải pháp phát triển đồng bằng cũng đã được xác định.

Tuy nhiên, giờ đây dòng Mê Kông và đồng bằng cuối nguồn cần thêm "nhân hoà" để có thể hiện thực hoá mong muốn "thiên thời địa lợi" cho sự phát triển và thịnh vượng chung.

Tinh thần “cả nước đánh giặc toàn dân là lính” trong phòng chống dịch COVID-19 và hạn mặn ở ĐBSCL - Vừa nhâm nhi cà phê vừa bàn luận tinh hình phòng chống dịch COVID-19, bất chợt Ba thợ hồ đố anh em “sự kiện nóng bỏng trong phòng chống dịch COVID-19, trong chống hạn, mặn tuần qua ở ...

Xâm nhập mặn làm giá nước ngọt… không còn “ngọt” - Hai Sài Gòn đang ngồi uống cà phê thì thấy hai ông bạn mình tiến đến một cách… lạ lạ.

Bình luận