Hàn Quốc: Phát minh loại bê tông “hút” chất ô nhiễm không khí

VOH - Đây là loại bê tông mới có thể làm sạch không khí, hút được các chất gây ô nhiễm và phân hủy thành những chất vô hại.

Mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Kỹ thuật và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) đã phát minh một loại bê tông quang xúc tác. Loại bê tông này được phủ bên ngoài một lớp titan dioxit (TiO2) để lọc các chất gây ô nhiễm ra khỏi không khí.

TiO2 là chất tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS) khi ánh sáng mặt trời chiếu vào. ROS lại tác động với chất ô nhiễm phổ biến như oxit nitơ và amoniac để phân hủy chúng thành những sản phẩm vô hại.

Tới thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều cách khác nhau, xác định phương án tốt nhất để tìm cách bổ sung TiO2 vào bê tông. 

Ban đầu, những nhà nghiên cứu trộn chung dung dịch TiO2 và hỗn hợp bê tông nhưng phát hiện rằng điều đó làm giảm tính chất của bê tông. Sau đó, nhóm sử dụng tro đã được xử lý trước với TiO2, trộn vào bê tông. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn không phù hợp.

han-quoc-phat-minh-loai-be-tong-hut-chat-o-nhiem-khong-khi-btv158-voh-0
Loại bê tông mới có thể "hút" không khí ô nhiễm hiệu quả - Ảnh minh họa: VRO

Cuối cùng, những kỹ sư đã phun dung dịch TiO2 trực tiếp lên bê tông tiêu chuẩn, tạo ra một lớp vỏ bên ngoài có thể tương tác trực tiếp với các chất ô nhiễm mà vẫn giữ được tính chất cơ học của bê tông. Nhóm phát hiện rằng bê tông thực tế có sức chịu nén tăng cường sau khi được phun và có cùng độ xốp như khi không có lớp phủ.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm, đưa bê tông vào đường hầm Banpo (Seoul, Hàn Quốc), lắp đặt đèn nhân tạo để kích hoạt lớp phủ. Sau khi để bê tông trong 24 giờ tại đây, các kỹ sư ghi nhận nồng độ oxit nitơ giảm 18%. 

Đồng thời, bê tông còn chuyển đổi oxit nito thành một dạng muối được tìm thấy ở chân tường. Nước mưa hoặc nước rửa hầm sẽ cuốn trôi muối hình thành trên bê tông xuống cống mà không cần cọ rửa bằng tay.

Nhóm nghiên cứu hy vọng nâng cao hiệu suất của bê tông để đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu trở nên phổ biến, loại bê tông này có thể giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí cho mọi người. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Kỹ thuật Môi trường và dân dụng (KSCE).

Bình luận