Lệnh cấm chia sẻ tin tức cháy rừng tại Canada của Meta cho thấy tầm quan trọng của đài phát thanh

VOH - Việc Meta cấm tin tức cháy rừng tại Canada cho thấy “sự mong manh” của truyền thông phụ thuộc vào Internet trong trường hợp khẩn cấp.

Đây là đánh giá của Giáo sư Gordon A. Gow – Trường Đại học Alberta (Canada).

Vào ngày 16/8, Meta bắt đầu chặn tin tức trên nền tảng Facebook và Instagram đối với tất cả người dùng ở Canada nhằm đáp ứng luật mới yêu cầu gã khổng lồ Internet phải trả tiền cho các bài báo.

Điều này khiến những người sơ tán khỏi cháy rừng ở thị trấn Yellowknife phía bắc Canada phải đối mặt với những thách thức trong việc nhận các thông tin, hình ảnh cập nhật cần thiết. Kéo theo đó là phản ứng dữ dội từ người dân khi họ cho rằng, lệnh cấm ngăn cản họ chia sẻ dữ liệu quan trọng về đám cháy.

cháy rừng
Những người dân không có phương tiện xếp hàng đăng ký chuyến bay đến Calgary ở Yellowknife vào ngày 17/8 - Ảnh: theconversation

Giáo sư Gordon A. Gow biết về lệnh cấm tin tức cháy rừng trên Facebook nhưng ông cho biết, mình có thể mở đài phát thanh của CBC North để biết thông tin cập nhật. 

Đài phát thanh CBC North đã chuyển cơ sở phát sóng từ Yellowknife đến Calgary để cung cấp thông tin liên tục cho người dân về tình hình cháy rừng đang diễn ra.

Giáo sư Gordon A. Gow chia sẻ, dựa trên kinh nghiệm cá nhân gần đây trong khu vực cháy rừng, ông được nhắc nhở rằng, mặc dù mạng xã hội rất quan trọng trong việc phổ biến thông tin về khủng hoảng, nhưng đài phát thanh với các kênh AM và FM vẫn đóng một vai trò thiết yếu.

Ngoài ra, theo ông, cần có sự đa dạng của các nguồn tin truyền thông, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng.

Chặn tin tức 'liều lĩnh' trong khủng hoảng của Meta

Sau lệnh sơ tán Yellowknife, nhiều người bày tỏ sự thất vọng với lệnh cấm tin tức và kêu gọi Meta (công ty mẹ của Facebook và Instargram) hủy bỏ lệnh cấm tin tức ở Canada để những người sơ tán có thể truy cập và chia sẻ thông tin theo thời gian thực trong trường hợp khẩn cấp.

Báo chí cũng phản ánh về tính cấp bách và xuất bản loạt bài báo với nội dung yêu cầu Meta dỡ bỏ lệnh cấm tin tức.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận tin tức Canada của Meta là phản ứng của tập đoàn đối với Đạo luật Tin tức Trực tuyến của Canada, được thông qua vào tháng 6. Trong đó, chính phủ có thể yêu cầu các mạng xã hội lớn phải ký kết thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các nhà xuất bản tin tức tại Canada.

Xem thêm: Canada yêu cầu Meta dỡ bỏ lệnh cấm chia sẻ tin tức về cháy rừng

Mặc dù Meta đã tuyên bố “người dùng không đến với chúng tôi để lấy tin tức”, nhưng thành thực mà nói, mạng xã hội là một công cụ không thể thiếu để nhiều người duy trì kết nối về các sự kiện hiện tại và chia sẻ thông tin giữa bạn bè và gia đình - đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạng xã hội rất quan trọng trong việc phổ biến thông tin cấp bách tới công chúng trong các tình huống khủng hoảng. Việc chặn tin tức diễn ra ở Canada đã khiến việc chia sẻ này trở nên khó khăn.

Ngay cả khi tình trạng khẩn cấp cháy rừng được tuyên bố ở cả khu vực Tây Bắc và British Columbia, Meta vẫn không thực hiện thay đổi nào đối với chính sách của mình.

Điều này khiến người dân phải dùng cách chụp ảnh màn hình các nội dung tin tức sau đó chia sẻ chúng lên mạng xã hội của họ trên nền tảng của Meta.

Đài phát thanh luôn giữ vững giá trị trong thời đại kỹ thuật số

Theo Giáo sư Gordon A. Gow, trong những tình huống cực đoan, chẳng hạn như khi hỏa hoạn làm gián đoạn cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả viễn thông, khả năng truy cập Internet bị hạn chế ở nhiều cộng đồng (ngoại trừ những cộng đồng có dịch vụ vệ tinh) – cho thấy sự mong manh của truyền thông phụ thuộc vào Internet.

Trong lĩnh vực kỹ thuật và lập kế hoạch khẩn cấp, thuật ngữ “điểm lỗi duy nhất” mô tả các tình huống trong đó toàn bộ hệ thống ngừng hoạt động khi một bộ phận duy nhất bị lỗi. 

Nếu chỉ dựa vào mạng xã hội hoặc Internet sẽ khiến chính quyền và cả người dân dễ gặp phải lỗi trong hệ thống liên lạc khẩn cấp.

Ngoài ra, việc đọc về hàng loạt tin tức về “Meta chặn tin tức cháy rừng” có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng ‘mạng xã hội này là nguồn thông tin duy nhất” cập nhật tình hình cháy rừng.

Trên thực tế, người dân vẫn có thể tiếp cận thông tin từ đài phát thanh.

cháy rừng
Khói dày đặc từ các đám cháy rừng ở Yellowknife vào ngày 15/8 - Ảnh: theconversation

Trong các trường hợp khẩn cấp, đài phát thanh là nguồn thông tin “miễn phí”, kịp thời và đáng tin cậy, dễ dàng truy cập, đặc biệt khi mạng Internet và điện thoại gặp trục trặc và khi mọi người đang di chuyển giữa các khu vực không có Internet.

Giáo sư Gordon A. Gow cho rằng, vấn đề không phải là "lựa chọn cái này hay cái kia" mà là "đảm bảo rằng chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng lâu dài của đài phát thanh" như một hình thức "dự phòng". 

Khái niệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dựa vào sự kết hợp của các hệ thống thông tin có độ tin cậy cao như đài phát thanh kết hợp với Internet và mạng xã hội.

Internet và mạng xã hội có thể kém tin cậy hơn trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng dù sao cũng có thể hiệu quả trong việc chia sẻ nhiều nội dung truyền thông phong phú, bao gồm bản đồ và trao đổi thông tin tương tác giữa những người dân. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Gordon A. Gow, chúng ta không nên để mạng xã hội làm lu mờ tầm quan trọng của đài phát thanh - một nguồn thông tin có độ tin cậy cao và hiệu quả về mặt chi phí.

Đặc biệt, đài AM, FM tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với nông dân và những người khác ở vùng sâu vùng xa để nhận các thông tin về thị trường và thời tiết cũng như các cập nhật khẩn cấp.

Việc Meta tiếp tục cấm tin tức ở Canada trong thời gian xảy ra cháy rừng như một lời nhắc nhở về giá trị lâu dài của đài phát thanh ngay cả trong thời đại kỹ thuật số.

Bình luận