Ngộ độc suýt chết khi ăn cá nóc: Lời cảnh báo từ bác sĩ

(VOH) – Một phụ nữ ở Quảng Ninh sau khi ăn gan cá nóc xuất hiện tình trạng tê nóng lưỡi, môi, nhịp tim chậm. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán bị ngộ độc cá nóc cấp độ nặng.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh), bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân ngộ độc nặng do ăn gan cá nóc.

Được biết, bệnh nhân là một phụ nữ (53 tuổi, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh), chuyển đến bệnh viện vào hôm 25/12 trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp.

Theo người nhà, trước đó bệnh nhân có ăn hai miếng gan cá nóc. Sau khoảng 1 tiếng thì xuất hiện tình trạng nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Quảng Ninh: Một phụ nữ ngộ độc suýt chết khi ăn gan cá nóc 1

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau khi được cấp cứu kịp thời - Nguồn ảnh: BVCC

Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy sau khi chẩn đoán và xác định bệnh nhân bị ngộ độc chất tetrodotoxin trong cá nóc, mức độ nguy hiểm nên liền tiến hành đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày khẩn cấp, sử dụng than hoạt và hồi sức tích cực theo phác đồ chống ngộ độc tetrodotoxin.

Sau 24h điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản.

Cá nóc – loại cá chứa độc tố rất độc

Cá nóc (cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà) là một loại cá phân bố ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới. Trên thế giới, cá nóc có tất cả 9 họ với hơn 400 loài thuộc 13 giống. Ở Việt Nam, có hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là có độc.

Độc tố cá nóc rất độc. Một người chỉ cần ăn 10 gram thịt cá nóc có độc là bị ngộ độc và chỉ cần 1 - 2mg độc tố là có thể gây chết người. Chất độc thường tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất là ở trứng cá.

Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin (TTX) C11H17O8N3, là một loại độc tố thần kinh cực độc. Bình thường nó tồn tại trong cá nóc dưới dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc; nhưng khi cá bị va đập hoặc bị ươm, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc.

Chất độc này thường hấp thụ nhanh qua đường ruột, dạ dày sau 5 - 15 phút. Nó có thể đi vào máu trong 20 phút và tiết qua nước tiểu sau 30 phút tới 3 - 4 giờ.

Quảng Ninh: Một phụ nữ ngộ độc suýt chết khi ăn gan cá nóc 2

Cá nóc chứa chất độc có thể gây chết người - Nguồn ảnh: Internet

TXX không phải protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 tiếng độc tố TXX mới giảm 50% và nếu đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút thì độc tố mới mất đi. Do đó, với cách nấu và chế biến thông thường sẽ không thể làm mất đi độc tố cá nóc.

Người ăn phải thịt cá nóc có độc, sau 5 phút đến 3 - 4 giờ sẽ xuất hiện cảm giác ngứa miệng; môi, lưỡi tê và khó chịu. Người mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi. Nặng hơn là tiết nước dãi, sùi bọt mép, khó nuốt, buồn nôn - nôn, run giật, cứng hàm và lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nguy hiểm sẽ xuất hiện liệt toàn thân, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch, thậm chí là tử vong.

Cách xử lý và phòng ngừa ngộ độc từ thịt cá nóc

Theo các bác sĩ, tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc là rất cao (khoảng 60%) nếu cấp cứu chậm trễ. Nguyên nhân tử vong thường là: liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Do đó, ngay khi thấy dấu hiệu ngộ độc nếu vô tình ăn phải thịt cá nóc, người nhà nên tìm cách gây nôn ngay cho bệnh nhân.

Cho bệnh nhân uống than hoạt khi bệnh nhân còn tỉnh. Người lớn uống 30g than hoạt pha với 250ml nước lọc, khuấy đều. Trẻ nhỏ 1-12 tuổi uống 25g pha với 100-200ml nước lọc. Than hoạt có tác dụng hấp thụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa, nó được xem là thuốc đầu tay trong cấp cứu ngộ độc thực phẩm.

Nếu bệnh nhân bị mất ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, khẩn trương thổi ngạt đường miệng – miệng hay miệng – mũi. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên ăn nóc tươi, khô; không sử dụng bất cứ sản phẩm nào được chế biến từ cá nóc. Tốt nhất, nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi đánh bắt tại bến cá.

Đến nay, ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc rất dễ gặp nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, mỗi người dân hãy “nói không với cá nóc”.

Bình luận