Người trẻ cô đơn và kinh tế 'bạn đồng hành' đang nở rộ ở Trung Quốc

TRUNG QUỐC - Hiện nay có ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc cảm thấy cô đơn. Họ tìm đến các dịch vụ đồng hành để bù đắp, và nền kinh tế "bạn đồng hành" đang ngày càng nở rộ ở quốc gia tỷ dân.

Xiaoyun, 20 tuổi hiện là sinh viên đại học, đang tận dụng thời gian rảnh để trò chuyện với người lạ nhằm rèn luyện kỹ năng tư vấn và kiếm thêm thu nhập. Cô gái học chuyên ngành tâm lý học tại trường đại học ở Tứ Xuyên bắt đầu làm công việc bán thời gian với tư cách "pei liao", nghĩa là bạn trò chuyện, từ tháng 4/2023 - vài tháng sau khi Trung Quốc bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 hồi cuối năm 2022.

Xiaoyun biết đến công việc này sau khi nhận thấy nhiều người xung quanh bị mất ngủ và chưa kịp thích nghi vì chính sách đột ngột thay đổi của Trung Quốc.

"Tôi nghĩ trở thành một 'pei liao' là cách tốt để thực hành những lý thuyết đã học ở trường và có thêm sự đồng cảm", Xiaoyun nói. Cô cũng cho biết sẻ thu nhập kiếm được từ công việc là 600 tệ (khoảng 2 triệu đồng) đến 2.000 tệ/tháng, tùy thuộc vào gói khách hàng cô đăng ký, chưa tính 20% phí trên ứng dụng.

Xiaoyun là một phần của nền kinh tế "bạn đồng hành" (pei ban jing ji) đang phát triển của Trung Quốc, do lối sống ngày càng cô đơn. Theo báo cáo của công ty đầu tư nhà nước Sinolink Securities, ước tính nền kinh tế này sẽ đạt giá trị 50 tỷ tệ vào năm 2025.

Nền kinh tế này nổi lên khi ngày càng nhiều người Trung Quốc chọn cuộc sống độc thân, không theo con đường kết hôn và sinh con như truyền thống, trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế bị chững lại và dân số ngày càng có trình độ học vấn cao.

Trong thập kỷ qua, số lượng kết hôn ở Trung Quốc đã giảm từ mức cao nhất 13,47 triệu cặp đôi vào năm 2013 xuống chỉ còn 6,84 triệu cặp vào năm 2022, ngoại trừ sự gia tăng 12,4% vào năm 2023 do tác động từ đại dịch.

Ngoài ra, chính sách một con trước đây của Trung Quốc cũng dẫn đến thế hệ trẻ hiện nay được gọi là "thế hệ cô đơn".

405755522-3876082812663840-243-8886-3023-1721102539
Nền kinh tế bạn đồng hành xuất hiện khi ngày càng nhiều người Trung Quốc sống độc thân - Ảnh: Douyin, Xiaohongshu

Nền kinh tế "bạn đồng hành"

Nền kinh tế "bạn đồng hành" bao gồm các dịch vụ như tìm người cùng mua sắm, trò chuyện và chơi game; được truyền thông lần đầu tiên đề cập như một xu hướng nổi lên vào năm 2019, khi báo cáo của Sinolink được công bố.

Xu hướng này được chú ý vào cuối năm 2023 khi các cơ quan truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã và Nhật báo Nhân dân đưa tin về nhu cầu chuyên nghiệp hóa trong ngành này. 

Ông Zhang Yi, chuyên gia phân tích từ iiMedia Research Group ở Quảng Châu, chuyên về xu hướng kinh tế xã hội, cho biết nhiều lĩnh vực mới nổi thuộc nền kinh tế bạn đồng hành của Trung Quốc có "tiềm năng lớn để trở nên chuyên nghiệp hơn".

Ví dụ, "pei gou" hay bạn đồng hành mua sắm, có thể phát triển theo hướng chuyên gia tư vấn hình ảnh, hướng dẫn khách chọn màu sắc phù hợp với tông màu da và ăn mặc đẹp hơn.

Nhưng nền tảng của ngành công nghiệp này, theo Zhang Yi, là đáp ứng nhu cầu tình cảm và tâm lý. Vì thế hệ trẻ Trung Quốc không quan tâm nhiều đến nhu cầu sinh lý như thực phẩm và nhà ở so với thế hệ cũ.

"Sự phát triển của nền kinh tế đồng hành là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của đất nước. Nhu cầu càng tăng khi những người trẻ này già đi", ông Zhang Yi nhận định.

Ông Zhang dự đoán khi dân số Trung Quốc già hóa thì sẽ cần nhiều người đồng hành chuyên nghiệp hơn để đi cùng người lớn tuổi đi kiểm tra sức khỏe, trong đó gồm cả khám bác sĩ và tập vật lý trị liệu.

Ngoài bạn đồng hành trong các hoạt động, nhu cầu về "pei liao" cũng sẽ tăng lên khi người Trung Quốc sống độc thân cần hỗ trợ về tinh thần khi họ già đi.

Kiểm tra trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cho thấy có ít nhất 20 ứng dụng cung cấp dịch vụ bạn đồng hành, trong đó phần lớn cung cấp bạn để cùng chơi game và trò chuyện, chẳng hạn như Mitangpeiliao, Uki và Lieyou.

Với các đối tượng làm công việc bạn đồng hành tự do không qua ứng dụng thì sẽ tiến hành quảng cáo dịch vụ trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) và Xiaohongshu, với mức phí khoảng 200 tệ cho nửa ngày đi cùng khách hàng đến khám bác sĩ.

Báo cáo của Sinolink dựa trên khảo sát 76.728 người sinh từ năm 1995 đến 2005 về nền kinh tế bạn đồng hành phát hiện rằng, người trẻ Trung Quốc quen sống cuộc sống trực tuyến, sử dụng ứng dụng cho các nhu cầu hàng ngày liên quan đến thực phẩm, vận chuyển và mua sắm. 

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại dịch vụ này biến tướng thành nơi mại dâm bất hợp pháp. Đó là lý do khiến những người cung cấp dịch vụ tâm sự - "pei liao" như Xiaoyun không dám công khai danh tính thật. 

Không những thế, với những khách hàng khác nhau thì cảm nhận về tính hiệu quả của các dịch vụ này cũng không giống nhau. Có khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ tâm sự thì cảm thấy "mang lại cảm giác thú vị, giúp trốn tránh thực tại cô đơn"; song cũng có nhiều người cho rằng các dịch vụ này "vô thưởng vô phạt" và sẽ không có nhu cầu sử dụng tiếp trong tương lai.

Bình luận