Tin nhanh sáng 24/3: Giả chữ ký của người dân, ‘nhận thay’ tiền hỗ trợ dịch Covid-19

(VOH) - Cán bộ phụ trách thương binh - xã hội ở Cà Mau chủ trương giả chữ ký của người dân thất nghiệp, chiếm đoạt tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cà Mau: Giả chữ ký của người dân thất nghiệp, chiếm đoạt tiền hỗ trợ dịch Covid-19

Thời gian gần đây, người dân của xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã nhiều lần đến gặp cán bộ phụ trách để hỏi lý do vì sao họ chưa nhận được 1,5 triệu đồng theo nghị quyết 68 - khoản tiền hỗ trợ người lao động tự do và bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng, cho tới khi có người tố giác thì mới biết khoản tiền hỗ trợ của họ vốn đã có người ký nhận thay. 

Theo đó, chiều tối ngày 23/3, ông Nguyễn Thanh Toản - chủ tịch UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết đã nắm được vụ việc xảy ra tại xã Khánh Hội, đồng thời tổ công tác của huyện đang tiếp tục làm rõ việc thực hiện chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn xã này.

Qua xác minh ban đầu, tại ấp 3, xã Khánh Hội, có 24 người bị giả chữ ký với số tiền 36 triệu đồng. Cụ thể, người chủ trương ký giả là ông Lư Công Vinh, cán bộ thương binh - xã hội; người thực hiện là bà Lý Hồng Mận, trưởng ấp 3. Ông Vinh “chống chế” rằng do gần hết thời gian nhận hỗ trợ mà người dân không đến nhận, sợ bị thu hồi số tiền trên nên đã nhờ bà Mận nhận thay. Lúc này, bà Mận nhờ hai người dân đang đi làm thủ tục hành chính tại xã ký giả chữ ký của 24 hộ dân.

Được biết, ngoài danh sách 24 hộ mà UBND xã đã xác minh, vẫn còn nhiều trường hợp chưa nhận được tiền hỗ trợ, song phần nhận tiền đã có người ký.

tin-nhanh-sang-24-3-gia-chu-ky-cua-nguoi-dan-nhan-thay-tien-ho-tro-dich-covid-19-btv124-voh-0
Đại diện UBND xã Khánh Hội cho biết khi có danh sách hỗ trợ mà không có người nhận thì phải nộp hoàn trả ngân sách (Nguồn: TTO)

Đại diện UBND xã Khánh Hội cũng khẳng định ông Vinh tự ý thực hiện việc làm trên, hoàn toàn không phải chủ trương của xã. Bởi sau khi có danh sách hỗ trợ mà không có người nhận thì phải nộp hoàn trả ngân sách, chứ không được giả chữ ký và nhận thay.

Xem thêm: Rủ người kéo nhau đến UBND xã đòi tiền hỗ trợ Covid-19, 3 người lãnh án 15 tháng tù

Đà Lạt: Gây ngộ độc cho thực khách, chuỗi cửa hàng bánh mì Liên Hoa bị xử phạt hơn 90 triệu đồng

Vào ngày 18/3, nhiều người dân và du khách sau khi sử dụng sản phẩm mua tại chuỗi cửa hàng bánh mì Liên Hoa (TP Đà Lạt) đã có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sốt, đi ngoài…và nghi ngộ độc thực phẩm.

Ngay sau đó, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã tạm đình chỉ hoạt động 2 cơ sở bán bánh mì Liên Hoa trên đường Trần Phú và Phan Chu Trinh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng đã phối hợp kiểm tra 2 cơ sở này. Các cơ sở đều chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh mì, nhân bánh và cũng không có mẫu thực phẩm lưu theo quy định.

Đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận ít nhất 78 trường hợp gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm của tiệm bánh Liên Hoa.

tin-nhanh-sang-24-3-gia-chu-ky-cua-nguoi-dan-nhan-thay-tien-ho-tro-dich-covid-19-btv124-voh-1
Chuỗi cửa hàng bánh mì Liên Hoa vốn rất có tiếng tại Đà Lạt (Nguồn: Internet)

Tới chiều ngày 23/3, Phòng Y tế TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền 89 triệu đồng với bà Trần Thị Yến Nhi - đại diện tiệm bánh Liên Hoa tại số 165 đường Phan Chu Trinh, phường 9, TP Đà Lạt và ông Phan Thành Trung - đại diện tiệm bánh Liên Hoa tại số 9 Trần Phú, phường 3, TP Đà Lạt về hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, đối với bà Trần Thị Yến Nhi phải nộp phạt số tiền 89 triệu đồng do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm; nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn ông Phan Thành Trung chịu mức phạt là 6 triệu đồng cho các hành vi vi phạm gồm: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.

Xem thêm: Đà Nẵng: Phạt 200 triệu đồng chủ đầu tư dự án cải tạo bãi rác Khánh Sơn

TP.HCM: “Đóng vai” cán bộ Công an phường, kêu gọi mua vé ca nhạc từ thiện

Ngày 23/3, Công an phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM đã lên tiếng xác minh thông tin có người giả danh cán bộ Công an phường đi bán vé ca nhạc để kêu gọi đóng góp từ thiện. 

Trước đó, anh T. - chủ tiệm sửa xe trên đường Ao Đôi, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết vào sáng ngày 22/3, khi anh đang ở tiệm làm việc thì có 2 người đàn ông ăn mặc lịch sự đi xe máy đến. Một người tự xưng là cán bộ Công an phường Bình Trị Đông A, tên Tuấn và kêu gọi anh T. mua vé xem ca nhạc. Người này nói mua 10 vé xem ca nhạc để ủng hộ trẻ em khuyết tật, mỗi vé 200.000 đồng. Tuy nhiên, do không đủ tiền, anh T. mua 5 vé với số tiền 1 triệu đồng.

tin-nhanh-sang-24-3-gia-chu-ky-cua-nguoi-dan-nhan-thay-tien-ho-tro-dich-covid-19-btv124-voh-2
Hai người đàn ông giả làm cán bộ Công an kêu gọi từ thiện (Nguồn: trích camera của các hộ dân)

Sau khi hai người đàn ông trên rời đi, anh T. nghi ngờ nên nhanh chóng gọi điện thoại cho một cán bộ địa phương xác minh thì mới “vỡ lẽ” mình bị lừa. Đại diện của Công an phường Bình Trị Đông A khẳng định không có cán bộ nào tên Tuấn và cũng không cử cán bộ đi bán vé ca nhạc như trường hợp anh T. nêu. 

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi như trên, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa, khi gặp trường hợp nghi vấn cần báo ngay cho công an địa phương, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Xem thêm: Lập tài khoản Zalo, Facebook “ma”, giả làm lãnh đạo yêu cầu chuyển tiền

Hà Nội: Chốt phương án quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm

Vào ngày 23/3, UBND TP Hà Nội thông báo đã quyết định trình phương án 1 về quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 lên Thủ Tướng Chính phủ xem xét. Đề xuất này sẽ làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1), nhằm đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư. 

tin-nhanh-sang-24-3-gia-chu-ky-cua-nguoi-dan-nhan-thay-tien-ho-tro-dich-covid-19-btv124-voh-3
UBND TP Hà Nội chốt phương án đề xuất xây dựng ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm (Nguồn: Internet)

Theo UBND TP Hà Nội, phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, thiết kế và vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 đảm bảo như sau: 

  • Kết cấu ga ngầm C9 và đoạn tuyến đưa ra khỏi vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
  • Hạn chế tối đa việc di dời cây xanh khi thi công nhà ga (đào hở), đảm bảo cảnh quan, môi trường văn hóa và sinh thái khu vực di tích.
  • Ga C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng, tuyến hầm phải điều chỉnh kết cấu từ đi song song đồng mức sang đi xếp chồng dẫn đến giảm phạm vi ảnh hưởng và thu hẹp hành lang tuyến, hạn chế ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích.
  • Bố trí được lối lên, xuống nhà ga hợp lý không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích.
  • Đảm bảo phù hợp quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 
  • Cách xa Tháp Bút (điểm đầu nhà ga cách Tháp Bút khoảng 97m và hình chiếu tuyến cách Tháp Bút khoảng 30m), biện pháp thi công nhà ga đảm bảo không tạo ra rung chấn, ảnh hưởng đến di tích. 

Xem thêm: Miền Bắc đón liên tiếp 3 đợt không khí lạnh trong tháng 3

Đà Nẵng: Bắt giữ hội “quái xế trẻ” mang theo hung khí, làm náo loạn đường phố trong đêm

Ngày 23/3, đại diện Đội tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Đà Nẵng thông báo đã xác minh được danh tính 12 đối tượng, trên tổng số hơn 70 đối tượng đi “bão đêm” và mang theo dao phóng lợn, mã tấu gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường của thành phố vào đêm ngày 19 và 20/3. 

Quá trình truy xét gặp rất nhiều khó khăn do hình ảnh được ghi lại rất mờ. Thêm vào đó, các đối tượng lại lấy khẩu trang để che biển số xe. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm trong các lần truy xét, xử lý các vụ lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe trước đây, chỉ trong vòng 3 giờ, đơn vị đã xác định được 2 đối tượng quan trọng, qua đấu tranh đã khai thác thêm 10 đối tượng khác.

Theo đó, phần lớn các đối tượng trên đều ở đội tuổi thanh thiếu niên, đang học tập các trường THCS và THPT trên địa thành phố. Chính vì thế, tổ công tác Đội tuần tra dẫn đoàn phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Đà Nẵng), Công an phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Công an phường Điện Nam Trung, Công an phường Điện Nam Bắc, Công an phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS Nguyễn Đức An (phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xác minh, làm rõ thông tin và xử lý theo quy định pháp luật.

Bình luận