Vụ Đông Xuân nông dân trúng mùa được giá

(VOH) - Dù khó khăn nhưng vụ lúa Đông Xuân năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn… trúng mùa được giá.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2019-2020; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2020 tại các tỉnh thành Nam bộ, diễn ra sáng nay, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định dù khó khăn nhưng vụ lúa Đông Xuân năm nay nông dân vẫn trúng mùa được giá.

họp trực tuyến

Hội nghị trực tuyến Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2019-2020; Triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2020 tại các tỉnh thành Nam bộ vào sáng 27/3/2020, đầu cầu TPHCM.    

Vụ Đông Xuân toàn vùng Nam bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha lúa, giảm 68.000 ha so với cùng kỳ. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,5 triệu ha lúa, giảm 63.000 ha (tương đương giảm khoảng 430.000 tấn). Tuy nhiên, sản lượng ước đạt vẫn hơn 10 triệu tấn, so với cùng kỳ chỉ giảm khoảng 260.000 tấn.

Mặc dù, diện tích canh tác giảm đáng kể do xâm nhập mặn phức tạp, nhưng nhờ các giải pháp chủ động ứng phó như xuống giống sớm, chọn giống xác nhận ngắn ngày... nên sản lượng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt xấp xỉ năm 2019.

Tại Cần Thơ năng suất lúa tăng hơn 0,2 tấn/ha, nông dân thu lợi nhuận trên 40%. Các tỉnh Kiên Giang, Long An, Hậu Giang mặc dù chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn năng suất lúa vẫn tăng từ 0,1 tấn đến 0,3 tấn/ha.

Về vụ lúa Đông Xuân, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, phân tích: "Nhìn tổng quan, thiệt hại của mùa vụ Đông Xuân năm nay, có khoảng 33.000 ha lúa bị thiệt hại. So với 2015-2016 với diện tích tương đương, chúng ta bị thiệt hại khoảng 150.000 ha, diện tích bị ảnh hưởng cũng xấp xỉ 400.000ha, cho thấy việc chỉ đạo xuống giống sớm với cơ cấu giống ngắn ngày, tập trung hơn trong tháng 10, tháng 11 để né mặn đã mang lại hiệu quả tích cực, bảo vệ sản xuất lúa Đông Xuân năm nay".

Theo Giáo sư Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, tình trạng cực đoan trên lưu vực sông Mê Kông thường xảy ra theo chu kỳ 20 năm một lần. Tuy nhiên, tương lai sẽ là 7-10 năm/lần do tình hình điều tiết dòng chảy ở thượng nguồn.

Vì vậy, tình trạng hạn mặn lịch sử như hiện nay không xảy ra hàng năm, chúng ta không nên quá lo lắng. Thay vào đó, phải có những giải pháp chủ động.

Giáo sư Tăng Đức Thắng thông tin thêm: "Năm nay thời gian xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng bằng 2 lần so với năm 2016. Con số 2 lần làm cho chúng ta phải gồng mình trên tất cả các phương diện đặc biệt là cấp nước sinh hoạt. Năm 2015-2016 chỉ nghiêm trọng từ giữa tháng 12 cho đến giữa tháng 2, sau đó bắt đầu giảm. Năm nay kéo dài từ cuối tháng 11 đến hiện nay vẫn cứ căng thẳng".

Giáo sư Tăng Đức Thắng dự báo, dòng chảy trên sông Mê Kông vẫn khá nhỏ, tình hình xâm nhập mặn vẫn khó khăn cho đến tháng 5/2020, nên vụ Hè Thu sắp tới vẫn có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, dự báo mùa lũ năm nay khả năng từ vừa đến nhỏ nên sẽ là điều kiện thuận lợi cho vụ lúa Thu Đông. Mùa khô năm 2020-2021 khả năng vẫn phải tính đến các phương án chống hạn mặn, bao gồm cả việc xuống giống sớm vụ Đông Xuân.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thắng lợi của Vụ Đông Xuân là một kỳ tích. Kết quả này có được nhờ sự chủ động, quyết liệt từ Trung Ương đến địa phương. 

Thứ trưởng cho rằng để thích ứng với tình trạng hạn mặn, tới đây Đồng bằng sông Cửu Long nên phân làm 2 vùng. Với vùng không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, cần đẩy mạnh việc xuống giống, tạo điều kiện sản xuất, tranh thủ thời vụ để tính đến thời gian cho vụ Thu Đông, vụ Đông Xuân.

Với vùng ven biển, ranh mặn, chỉ xuống giống khi không còn mặn, cũng như không đặt áp lực về thời gian cho vùng. Thứ trưởng đề nghị, vụ Hè Thu tới đây nên tập trung giống lúa hạt dài. Vụ Thu Đông theo sát tình hình nước, tín hiệu thị trường để đưa ra quy mô diện tích, dự kiến xuống giống từ 750.000 - 800.000ha.

"Năm nay là năm khó khăn, dịch bệnh, nhu cầu lương thực không chỉ trong nước mà cả thế giới, vừa là thách thức vừa là cơ hội. Cho nên, mục tiêu mặc dù khó khăn nhưng bằng mọi cách Bộ cùng với địa phương phải đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo vụ Hè Thu và Thu Đông thắng lợi, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình an ninh lương thực và vấn đề xuất khẩu".

Tại hội nghị, một số địa phương cũng lo lắng việc dừng xuất khẩu như hiện nay ảnh hưởng đến giá lúa và thu nhập của bà con nông dân trong thời gian tới.

Nestle Việt Nam hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Nestle Việt Nam hỗ trợ sản phẩm thực phẩm, thức uống dinh dưỡng trị giá hơn 3 tỷ đồng cho các bác sỹ, nhân viên y tế, điều dưỡng, công an…

Giá gas hôm nay 27/3/2020: Quay đầu tăng, do nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Mỹ tăng - Giá gas ngày 27/3 đảo chiều tăng nhẹ, nhờ tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Mỹ đã tăng 3% so với tuần trước. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất điện tăng khi giá khí đốt ...

Thị trường chứng khoán 27/3/2020: Bluechips hồi phục, VN-Index vượt mốc 700 điểm - Phiên giao dịch chiều 27/3, thị trường giao dịch lình xình, VN-Index dao động quanh mốc 700 điểm.

Bình luận