Vừa đổ xăng vừa dùng điện thoại, cô gái trẻ phải trả giá bằng cả mạng sống

VOH - Lửa bùng lên khi nhân viên đang đổ xăng vào chiếc can đặt phía trước xe máy còn cô gái trẻ ngồi trên yên đang dùng điện thoại.

India Today đưa tin, một cô gái trẻ đã không thể qua khỏi do bị bỏng nặng sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại cây xăng ở quận Tumakuru thuộc bang Karnataka (Ấn Độ) vào ngày 17/5. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh tại trạm xăng này ghi lại.

Theo đoạn clip, Bhavya (18 tuổi) cùng mẹ là bà Rathnamma (46 tuổi) đi xe máy đến mua xăng. Hai mẹ con không đổ xăng cho xe mà mua xăng vào một chiếc can lớn đặt ở phía trước xe máy.

Trong khi nhân viên bơm xăng vào can, người mẹ đứng ở bên cạnh thì Bhavya ngồi trên yên xe dùng điện thoại. Ngọn lửa bất ngờ bùng lên từ chiếc can đựng xăng, lan sang vòi bơm xăng đồng thời bén vào người đứng gần đó.

Nhân viên bơm xăng hoảng hốt, vội rút vòi bơm ra khỏi can, ném sang bên cạnh rồi bỏ chạy. Bà Rathnamma và Bhavya bị lửa bén vào người nên cũng tháo chạy ngay lập tức. Chiếc xe máy cùng can xăng bị đổ ra ngoài khiến lửa bốc lên dữ dội hơn. Vòi bơm bị quẳng gần trụ bơm xăng ngay cạnh đó cũng vẫn tiếp tục cháy.

Phát hiện sự việc, những người dân có mặt tại hiện trường vội vàng di chuyển phương tiện của mình ra xa. Một số người tìm kiếm bình chữa cháy dập lửa và ứng cứu hai người bị lửa bao trùm.

Toàn bộ sự việc được một chiếc camera an ninh gần trụ xăng ghi hình lại - Video: camera an ninh của trạm xăng

Góc nhìn của một camera an ninh ở vị trí khác trong cây xăng - Video: camera an ninh của trạm xăng

Hai nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trong quá trình điều trị, cô gái trẻ Bhavya đã không thể qua khỏi do vết thương quá nghiêm trọng. Bà Rathnamma bị bỏng nặng nhưng vẫn sống sót.

Sau khi xem đoạn video từ camera giám sát, nhiều người suy đoán rằng, việc sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức.

Vì sao cấm sử dụng điện thoại di động tại cây xăng?

Sóng điện thoại

Hiện tượng bốc hơi ở xăng tạo nên ion tích điện xung quanh các cây xăng. Khi chúng ta dùng điện thoại hoặc kết nối không dây như 4G, Wifi hay Bluetooth sẽ làm tăng gấp nhiều lần công suất phát sóng của điện thoại di động. Sự cộng hưởng và tương tác điện từ sẽ dễ dàng gây cháy nổ.

Pin của điện thoại di động

Pin điện thoại kém chất lượng hoặc dùng trong thời gian quá lâu có thể gây hậu quả. Chúng khiến cho điểm tiếp xúc của pin và điện thoại bị mòn dần, tạo ra tia lửa điện khi điện thoại di động được dùng để nghe hoặc gọi.

Trường hợp không may đánh rơi điện thoại, tia lửa điện có khả năng xuất hiện từ chính trong cục pin. Ngoài ra, việc dùng đèn flash trên điện thoại cũng có khả năng gây cháy cao.

Nhiệt độ thay đổi của điện thoại di động

Điện thoại di động tản nhiệt qua vỏ máy. Khi nhiệt độ điện thoại tăng lên (do nghe, gọi, chơi game…) có thể gây cháy nếu linh kiện không đảm bảo. Hiện tượng này xảy ra do nóng bất thường kết hợp với sự ma sát vải. Trường hợp điện thoại quá nóng có thể tạo tiếng nổ sẽ vô cùng nguy hiểm.

Dùng điện thoại di động ở cây xăng bị phạt như thế nào?

Theo khoản 1, Điều 33, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động ở những nơi có quy định cấm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bình luận