Du xuân: Sài Gòn - Đà Lạt - cung đường và hành trang?

VOH - Những ngày xuân tạm xa cái nắng nóng Sài Gòn cũng là những cảm xúc thú vị, cùng nhau trải nghiệm những cung đường uốn lượn ven sườn núi để đến với xứ sở hoa Đà Lạt.

Những lựa chọn cho lộ trình Sài Gòn - Đà Lạt

Xuất phát từ Sài Gòn, để đến với thành phố hoa Đà Lạt có nhiều cung đường để lựa chọn tùy vào quỹ thời gian của bạn và sở thích trải nghiệm ra sao. 

Lộ trình cơ bản

Tuyến đường "phổ thông" nhất để đi Đà Lạt là theo cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sau đó rẽ vào Quốc lộ 20, các bạn sẽ đi qua Đèo Bảo Lộc và đèo Prenn là đến với thành phố Đà Lạt. Đây là cung đường ngắn nhất với tổng chiều dài khoảng 310km, trung bình mất khoảng 6-7 giờ chạy xe. Tuy nhiên, mật độ xe đông là nhược điểm lớn nhất với cung đường này.

[BÀI 30 TẾT - 9/2] Du xuân: Sài Gòn - Đà Lạt, những điều cần biết 1
Đèo Bảo Lộc nhìn từ trên cao - Ảnh: PLVN

Lộ trình này phù hợp cho các bác tài mới, gia đình có người già và trẻ em; thích hợp với mọi loại phương tiện phổ thông. Điều cần lưu ý là chiều ngang mặt đường trên đèo Bảo Lộc tương đối hẹp và thường xuyên có xe khách cũng như xe tải lên xuống, nên chú ý quan sát, tập trung lái xe và tuân thủ biển báo.

Tuyến đường nhanh nhất

Nếu thích tận hưởng cảm giác vi vu trên đường cao tốc, bạn nên chọn lộ trình cao tốc TPHCM - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo (lưu ý trên đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo chỉ cho phép tốc độ tối đa 90km/h) khi đến nút giao với Quốc lộ 28 thuộc khu vực thị trấn Ma Lâm, rẽ phải theo Quốc lộ 28 lên đèo Gia Bắc để đến thị trấn Di Linh và theo Quốc lộ 20 vào thành phố Đà Lạt.

[BÀI 30 TẾT - 9/2] Du xuân: Sài Gòn - Đà Lạt, những điều cần biết 2
Đèo Gia Bắc có khá nhiều khúc cua gắt nhưng cảnh đẹp và phù hợp với các gia đình thích chụp ảnh - Ảnh: TTTravel

Tổng chiều dài của tuyến đường khoảng 370km - trong đó có tới 168km đi qua các tuyến cao tốc - bạn sẽ tốn khoảng 5-6 giờ lái xe. Lộ trình này phù hợp với các gia đình trẻ, các thành viên không bị say xe, do đèo Gia Bắc có khá nhiều đoạn dốc cao, cua gắt.

Cung đường thử thách

Một lựa chọn nhiều thử thách hơn mà bạn có thể trải nghiệm là lộ trình cao tốc TPHCM - Long Thành, rẽ phải vào Quốc lộ 51 hướng đi Vũng Tàu. Khi đến ngã ba Thị xã Bà Rịa, đi chếch hướng bên trái để vào Quốc lộ 55 - đường ven biển. Tuyến đường này rất đẹp với nhiều cảnh quan dọc theo bờ biển từ Bà Rịa đến thị xã Lagi (Bình Thuận). Đến xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) sẽ có bảng chỉ dẫn để đi tiếp Quốc lộ 55B đến Lâm Đồng qua ngã đèo Sông Pha (còn có tên là đèo Ngoạn Mục), đèo Lộc Nam.

[BÀI 30 TẾT - 9/2] Du xuân: Sài Gòn - Đà Lạt, những điều cần biết 3
Đèo Sông Pha (Ngoạn Mục) với nhiều thử thách cho các bạn trẻ - Ảnh: Internet

Nhược điểm của cung đường này là xa hơn khoảng 140km so với lộ trình qua Quốc lộ 20, đường xấu và khá heo hút nhưng bù lại, cảm giác chinh phục cung đường vắng vẻ, hoang sơ với nhiều khung cảnh đẹp ven đường chắc chắn sẽ làm say mê những bạn thích khám phá và chinh phục. Các loại xe gầm cao sẽ có lợi thế hơn.

Tuyến đường này phù hợp với các bạn trẻ đi thành nhóm từ 2-4 xe để có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết. Một lưu ý nữa, bạn chỉ nên đi cung đường này vào ban ngày để có thể lái xe an toàn hơn.

Chuẩn bị gì cho chuyến đi

Do quãng đường đi của bạn có chiều dài trên 300km với nhiều đoạn đường đèo dốc thường ít trạm xăng dầu nên việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tình trạng nhiên liệu trước khi khởi hành. Người lái xe cũng cần kiểm tra phanh, lốp, hệ thống hoạt động của xe..., nếu thấy có bất cứ vấn đề gì, cần ngay lập tức đến các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra, khắc phục kịp thời trước khi khởi hành.

Khi đi đường đèo, hãy kiểm soát vận tốc xe phù hợp. Đặc biệt với các xe số tự động, khuyến cáo nên chuyển sang chế độ số tay thông qua lẫy chuyển số trên vô-lăng hay chọn chế độ số thấp ở cần số để hỗ trợ phanh động cơ, giảm áp lực cho hệ thống chân phanh; áp dụng nguyên tắc "lên dốc số nào thì xuống dốc số đó". Khi đổ đèo, chỉ nên dùng phanh khi cần thiết, tuyệt đối tránh việc rà phanh liên tục sẽ khiến hệ thống phanh bị quá nhiệt gây hư hỏng.

[BÀI 30 TẾT - 9/2] Du xuân: Sài Gòn - Đà Lạt, những điều cần biết 4
Một chuyến đi an toàn là một chuyến đi hạnh phúc - Ảnh: bridgestone.

Trường hợp lái xe khi có sương mù, điều đầu tiên cần làm là bật đèn sương mù hay còn gọi là đèn gầm hoặc đèn phá sương. Bộ đèn này được thiết kế với chức năng là định vị và hỗ trợ tăng sáng khi xe chạy trong điều kiện hạn chế tầm nhìn như sương mù, mưa phùn. Tuyệt đối không nên mở đèn pha khi đi trong sương mù vì ánh sáng có thể bị phản xạ ngược lại khiến người lái khó quan sát.

Bình luận