Liên kết để phát huy thế mạnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội Sen, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức 'Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 - năm 2022' với chủ đề “Hợp tác và hành động”.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp giàu có, với đặc trưng sông nước miệt vườn, ruộng đồng, bưng biền. Mỗi địa phương có vật nuôi, cây trồng khác nhau, tạo nên những nét rất riêng cho việc phát triển du lịch. Đây cũng là vùng đất giàu tiềm năng, là nơi có kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch hội nghị, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống và đặc biệt biệt là du lịch nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng giám đốc Saigontourist đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành quan tâm phát triển sản phẩm: “Du lịch nông nghiệp phải đảm bảo yếu tố hấp dẫn, đảm bảo yếu tố tinh thần, mang tính địa phương, thể hiện bản sắc của từng vùng. Chúng ta cần phải liên kết để tránh trùng lắp”.

Liên kết để phát huy thế mạnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long 1
Khách tham quan Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng (Bến Tre). Ảnh minh họa: PN

Giàu tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, nhưng những năm qua du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng với tiềm năng, còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của vùng. Thiếu sự kết nối, liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh, thành, chưa tạo được sự linh hoạt, sự thích ứng để hình thành các mô hình, ý tưởng sáng tạo trong phát triển du lịch. Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề xuất: “Chúng ta phối hợp xây dựng sản phẩm xây dựng sản phẩm nông nghiệp đa dạng, độc đáo chất lượng cao theo hướng du lịch kết hợp tìm hiểu nông nghiệp, và sự đa dạng sinh vật, bảo vệ môi trường, du lịch phục hồi sức khỏe"

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh và phát triển bền vững, tránh trùng lắp các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng và từng địa phương. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong những năm gần đây với sự chủ động của TPHCM trong việc liên kết vùng, bước đầu đã xác định đúng được hướng đi và cần phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. “Tôi nghĩ rằng du lịch đang đi đúng hướng, đề xuất Chính phủ và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn để ban hành chương trình phát triển du lịch nông nghiệp lồng ghép xây dựng nông thôn mới”, ông Siêu đề xuất.

Ngoài ra ngành du lịch cũng sẽ kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn, qua đó giúp ngành du lịch phát triển bền vững.

Bình luận