Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay đến Trung Quốc sẽ phải lùi thời hạn đến tháng 4 hoặc tháng 5/2023 do phải chờ các thông tin mới từ phía Trung Quốc liên quan đến việc cấp phép cho khách du lịch đến Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.
Thời điểm 2019, trước dịch COVID-19, Việt Nam có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ với tổng cộng 421 chuyến/tuần.
Phía Trung Quốc là Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines, Lucky Air, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines, Okay Airways, Chongqing Airlines, Shenzhen Airlines và Donghai Airlines) khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.
Từ 8/1, Trung Quốc thông báo dỡ bỏ các hạn chế với các chuyến bay quốc tế thường lệ, Việt Nam đã lên kế hoạch nối lại hoạt động khai thác thị trường này, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.
Nhưng đến giữa tháng 2, khi Trung Quốc công bố mở lại tour du lịch đến 20 quốc gia, không có tên Việt Nam trong danh sách.
Các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khai thác từ các thành phố của Việt Nam đến nhiều điểm, thành phố của Trung Quốc theo hình thức khai thác thường lệ và thuê chuyến để đón đầu sự phục hồi. Lượng khai thác cũng dự kiến tăng dần từ tháng 4/2023.