Ngành du lịch TPHCM tìm hướng đi mới để thu hút du khách

(VOH) - Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch TPHCM được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỉ lệ đóng góp vào GRDP của thành phố là hơn 10%.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Do vậy, TPHCM đã sớm ban hành kế hoạch phục hồi du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát. Trong đó, chiến lược "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch" rất được chú trọng. Đến nay đã có nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố giới thiệu sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Nỗ lực tìm hướng đi mới

Dù còn khá mới mẻ trên bản đồ du lịch TPHCM, nhưng chuyến đi khảo sát các điểm đến trên địa bàn quận Tân Phú vào cuối tháng 5 vừa qua đã để lại không ít ấn tượng. Với chủ đề “Tân Phú – đi là nhớ”, quận Tân Phú đã “trình làng” sản phẩm tour với một số điểm đến như: Di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia; một số món ăn độc đáo; chợ vải hoạt động nhộn nhịp và đặc biệt là Bảo tàng Sâm Ngọc Linh duy nhất tại Việt Nam. Không chỉ những điểm đến trên, đại diện quận Tân Phú còn cho biết, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự tự hào về người dân quận vốn niềm nở, hiếu khách, sẵn sàng làm du lịch, quận Tân Phú kỳ vọng tour thiết kế thử nghiệm này sẽ là một hành trình trải nghiệm thú vị, giúp các du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về rõ hơn về quận nhà; cũng như góp phần thu hút du khách đến với Thành phố.

Bà Phan Thị Thắng chia sẻ sau chuyến đi khảo sát: “Chúng tôi cảm nhận được là mỗi quận huyền đều có những khu di tích, những địa điểm tâm linh và ẩm thực rất phong phú. Từ đó, TPHCM có văn bản chỉ đạo là đề nghị mỗi quận và huyện phải xây dựng các tour, tuyến giới thiệu điểm đến của mình. Qua nhưng phần giới thiệu đó chúng ta có thể giáo dục truyền thống, nâng cao văn hóa dân tộc và phát triển dịch vụ kèm theo. Các công ty du lịch có thể dựa vào đây để giới thiệu tới du khách. Chúng ta sẽ cùng chung tay, suy nghĩ để tạo ra những sản phẩm riêng có. Tôi mong các quận huyện còn lại luôn có những sản phẩm mới và khi quay lại những nơi chúng ta đã tới thì những người đã từng tới sẽ có những sản phẩm mới tiếp theo”.

Ngành du lịch TPHCM tìm hướng đi mới để thu hút du khách 1Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM tham gia khảo sát tour “Tân Phú đi là nhớ”

Ngược về Chợ Lớn - trung tâm thứ 2 của Sài Gòn – TPHCM, nơi được ghi dấu và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, những nét đẹp về kiến trúc đặc trưng của phương Đông vẫn được bảo tồn đến nay. Tour du lịch có tên “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn” do UBND quận 5 và Công ty CP Lữ hành Fiditour - Vietluxtour thiết kế sẽ đưa du khách tham quan những điểm đến mang dấu ấn lịch sử, lần đầu tiên được đưa vào khai thác du lịch. Trong đó có di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Đó là căn nhà số 5, đường Châu Văn Liêm (căn nhà số 1-2-3 Bến Testard mà Bác đã ở từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911). Bên cạnh đó, du khách sẽ tham quan Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nơi đồng chí Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam - bị thực dân Pháp giam giữ và hy sinh.

Đến nay, quận 5 đang có 36 tài nguyên du lịch như tài nguyên văn hóa, lễ hội, ẩm thực du lịch. Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Quận 5 kỳ vọng: “Mong muốn các sản phẩm của quận sẽ góp phần vào tổng thể các sản phẩm du lịch của thành phố. Khi du lịch phát triển, người dân địa phương sẽ có doanh thu tốt hơn”.

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

Sau thời gian khảo sát và hoàn thiện tour khám phá Gò Vấp với chủ đề “Trăm năm tìm lại dấu xưa”, anh Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST cho hay, anh không chỉ bị ấn tượng bởi vẻ đẹp kiến trúc của Phù Châu cổ miếu – Ngôi cổ miếu có tuổi đời 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật; hay đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam vẫn còn tồn tại đến nay. Nhưng khi được UBND Gò Vấp Lý giải về tên của địa phương, anh càng ấn tượng hơn. Anh Nguyễn Minh Mẫn hào hứng: “Rất nhiều người hiện nay vì sao không biết cái tên Gò Vấp đến từ đâu, sự hiếm hoi của lời giải đáp đã được tìm thấy. Gò Vấp được ra đời từ tên một cái cây trên địa bàn Gò Vấp trước đây trồng rất nhiều đến nay đã không còn. Nhưng sau một thời gian thì tìm được cây Vấp vẫn còn được trồng 2 cây trong Thảo Cầm Viên. Hiện lãnh đạo quận Gò Vấp đã có ý định nhân giống và trồng lại trên địa bàn quận. Chúng tôi hy vọng rằng, với những lời giải lý thú đó cùng với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho tour tham quan quận Gò Vấp trong thời gian tới”.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND quận Gò Vấp cho hay, khi chính thức công bố, tour du lịch Gò Vấp sẽ có nhiều phiên bản khác nhau, gắn liền với phố đi bộ, phố mua sắm, giải trí và góp phần phát triển kinh tế đêm.

Hòa chung chiến dịch “mỗi quận, huyện là một điểm đến du lịch”, công ty du lịch Chim Cánh Cụt đã phối hợp với UBND quận Tân Bình để xây dựng tour trải nghiệm 1 ngày cho du khách “Tân Bình – vì yêu mà đến”. Không chỉ chú trọng khai thác các điểm đến chất lượng trên địa bàn quận, đội ngũ thiết kế tour còn chú trọng vào việc khai thác ẩm thực đặc trưng, như cho du khách thưởng thức món mì Quảng nổi tiếng tại khu Bảy Hiền - một món ăn được ví như là cái “hồn” của nghệ thuật ẩm thực Quảng Nam nói riêng và vùng đất miền Trung nói chung, do những người dân xa xứ nay đã định cư tại Tân Bình phục vụ. Thêm vào đó, du khách còn được trải nghiệm món cù lao chay có từ thời khẩn hoang Nam Bộ. Dù không phải là quận trung tâm thành phố, nhưng quận Tân Bình có rất nhiều địa điểm hấp dẫn không phải nơi nào cũng có được. Đơn cử như khi đến với Bảo tàng lực lượng vũ trang nhân dân miền Đông Nam Bộ, du khách cũng sẽ được giao lưu trực tiếp với các nhân chứng lịch sử; hay trải nghiệm đạp xe trong các con hẻm của Tân Bình.

Anh Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt chia sẻ thêm: “Từ các địa phương khác khi đến với TPHCM phải đi qua Tân Bình, hiện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nếu các du khách khi đến thành phố mà chưa nhận được phòng khách sạn thì có thể tham quan tour Tân Bình để tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại nơi đây, rồi sau đó về khách sạn nghỉ ngơi hoặc ngược lại. Tân Bình hiện nay đang có 2 di tích lịch sử quốc gia là khu di tích lăng mộ cụ Phan Châu Trinh và Tổ Đình Giác Lâm rất cổ kính. Với những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa Nam bộ xưa thì Tân Bình là sự lựa chọn đúng đắn.”

Ngoài những sản phẩm du lịch mới như trên, trước đó nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã tạo ấn tượng và thu hút du khách như “Trên bến dưới thuyền” của quận 8; “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình” của huyện Củ Chi; hay “Thành phố Thủ Đức bên dòng sông xanh” của Thành phố Thủ Đức… Theo thống kê từ dữ liệu tài nguyên du lịch của TPHCM, hiện Thành phố có 366 điểm đến có sức hấp dẫn, được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.

Tại buổi họp chia sẻ với báo chí 6 tháng đầu năm mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng, một trong những chiến lược quan trọng của ngành du lịch Thành phố là trở thành điểm đến hấp dẫn về giá trị văn hóa - lịch sử, ẩm thực, con người địa phương, do đó chương trình “mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch” được ngành du lịch Thành phố rất chú trọng. Tính đến cuối tháng 6/2022, TPHCM đã đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó có hơn 478 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch từ đầu năm đến nay ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và đạt 73,5% so với kế hoạch năm 2022 đề ra.

Từ nay đến cuối năm 2022, ngành du lịch vừa phải đảm đương việc phục hồi sau đại dịch vừa phải tập trung cao độ để phát triển, nhưng với sự nỗ lực của ngành cũng như liên tục ra đời các chương trình hiệu quả như “mỗi quận huyện, một sản phẩm du lịch” TP.HCM hoàn toàn có khả năng đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan trong năm 2022./.

Bình luận