Nhân lực du lịch chật vật chuyển ngành để đi qua tâm dịch

(VOH) - Khi du lịch ở nước ta đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhiều DN triển khai chương trình tour Tết khá tốt thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh.

Du lịch Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng lại một lần nữa lao đao. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính tới thời điểm hiện tại, gần một triệu lao động trong ngành dịch vụ, du lịch trong cả nước mất việc làm, chuyển đổi công việc.

Khó khăn càng chồng chất khi nhiều tour du lịch sau Tết được kỳ vọng cao, đem lại doanh thu lớn cho các công ty lữ hành nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Số lượng khách du lịch hủy tour khá lớn, nhiều tour đã không thể tiến hành dù công ty cam kết hành trình an toàn. Thực tế đó khiến nhân lực nguồn du lịch chật vật tìm mọi cách chuyển ngành để tiếp tục cuộc sống song chuyện không phải dễ dàng.

Chị Dương Thùy Dung, hướng dẫn viên Outbound chuyên thị trường tiếng Anh - Công ty Lữ Hành Saigontourist có 5 năm trong nghề cho biết, vào cao điểm mùa du lịch, chị làm việc cả ngày lẫn đêm không hết việc. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, còn từ tháng 3 năm ngoái đến Tết nguyên đán năm nay, chị phải nghỉ việc vì dịch Covid-19.

Hiện tại, các chuyến bay thương mại quốc tế chưa được nối lại nên dòng khách inboud, outbound đều không thể thực hiện được. Để có thêm thu nhập trong thời gian khó khăn này, như nhiều nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, chị Dung buộc phải làm những công việc ngoài chuyên môn chờ đến khi du lịch hoạt động bình thường trở lại.

Thế nhưng, không ít người phải đành chấp nhận “ngồi chơi xơi nước”.

Chị Dung cũng thử kiếm việc dạy thêm ở Trung tâm Anh ngữ, dạy kỹ năng sống cho học sinh cấp 1, cấp 2, cũng tập tành buôn bán online nhưng đều không thành công. Chị Dương Thùy Dung chia sẻ, cơ hội chuyển việc làm trong thời buổi này quá khó khăn nhưng không vì vậy mà chị sẽ bỏ nghề hướng dẫn viên: “Giai đoạn này đồng nghiệp ai cũng khó khăn nhưng chính là người ủng hộ mình trước, sau đó là những mối quan hệ của mình ngoài xã hội, khi biết nghề hướng dẫn viên gặp nhiều khó khăn, nhiều người biết sẽ ủng hộ tụi em”.

Khó khăn trong thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng của những người làm hướng dẫn du lịch mà còn của hàng ngàn lao động đang làm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn. Gần 1 năm qua, chị Đào Thị Nga, nhân viên Hệ thống khách sạn Golden Holidays cho biết, cuộc sống cũng đang rơi vào tình trạng bấp bênh vì ngày làm ngày nghỉ.

Sau đợt dịch bùng phát lần thứ 3 ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Chí Linh (Hải Dương), hàng loạt booking đặt phòng trước đây của khách đã bị hủy chỉ trong vòng một tuần trước Tết. Để tiếp tục cầm cự qua dịch, chuỗi khách sạn ở Phố cổ này chỉ giữ lại 20% nhân lực đủ để duy trì hoạt động nhưng du khách thì ít, giá phòng được giảm đến 60% so với trước dịch nhưng cũng không có khách.

Với thâm niên gần 15 năm gắn bó với ngành dịch vụ nhà hàng - khách sạn, chi Nga cho hay, thu nhập bấp bênh nên việc chi tiêu của gia đình phải hết sức tằn tiện vì tình hình khó khăn trước mắt còn kéo dài: "Tất cả khách sạn đều giảm nhân lực, chỉ giữ lại 20 - 30% thôi. Để duy trì cuộc sống, mọi người đều phải đi tìm kiếm việc khác để làm. Bây giờ, mình cứ chờ đợi thế này cũng không biết đến bao giờ. Đã hơn một năm rồi, tôi và các đồng nghiệp cũng kiệt quệ lắm rồi".

du lịch, COVID-19, ngày 26 tháng 2 năm 2021

Du khách inbound Châu Âu trải nghiệm nấu ăn tại Riverside Park Eco Resort ở Vĩnh Long.

Theo thống kê sơ bộ của một đơn vị khảo sát về Khách sạn quốc tế tại Việt Nam, ước tính, có khoảng hơn 20% số khách sạn ở Việt Nam đã phải rao bán, sang nhượng hoặc đổi chủ từ quý 2 năm trước đến nay vì không có doanh thu để duy trì hoạt động, chủ yếu tập trung ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động còn có nguy cơ bị mất việc hàng loạt.

Chị Nguyễn Thanh, chủ một khách sạn 3 sao đang rao bán ở thành phố Đà Nẵng nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa có người dạm hỏi: “Việc tiếp tục có khách hay không còn rất khó khăn bởi hiện nay chưa mở cửa đường bay thương mại. Do đó, lượng du khách cũng không có mà lượng khách du lịch nội địa cũng chia nhỏ cho các tỉnh thành khác chứ không riêng gì khách sạn ở Đà Nẵng. Chính vì vậy du khách sẽ không có nhiều để khách sạn tôi duy trì dài thêm”.

Tại TPHCM, theo thống kê của Sở Du lịch, hơn 90% doanh nghiệp du lịch ở TPHCM đóng cửa, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong năm 2020 chỉ đạt từ 20% đến 40% so với năm 2019. TPHCM hiện có khoảng 1,2 triệu doanh nghiệp du lịch với hàng chục ngàn lao động trực tiếp trong lĩnh vực này, trong đó ước tính có quá nửa lao động đang bị mất việc làm.

Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp phải điều tiết nhân sự, luân phiên hay làm việc online, khuyến khích nhân viên nghỉ phép... Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam cho biết, để giữ chân người lao động sẵn sàng bắt nhịp lại công việc khi dịch được kiểm soát, Trung tâm tự có chính sách tạo điều kiện để các hướng dẫn viên chuyển đổi công việc:

“Cuối năm vừa rồi, Trung tâm có khoảng 10 hướng dẫn viên nhóm tiếng Nhật, tiếng Hoa không có nguyện vọng chuyển đổi công việc, còn lại chúng tôi chuyển họ qua đi bay nội địa hoặc nhóm công việc hỗ trợ đào tạo. Riêng các anh chị nhóm tiếng Nhật, tiếng Hoa, các anh chị làm đơn xin nghỉ không lương đến tháng 6/2021 và sẽ quay lại khi công việc ổn định. Tất cả hướng dẫn viên còn lại sẽ chuyển sang cộng tác viên bán tour cho công ty. Các hướng dẫn viên tư vấn cho du khách sẽ cụ thể hơn và được khách hàng hài lòng hơn”.

Nhân lực du lịch chật vật chuyển ngành để đi qua tâm dịch 2
Khám phá đảo ngọc Okinawa (Nhật Bản) vào mùa xuân với hoa anh đào khá hút khách nhưng hơn 1 năm qua không thể thực hiện được vì Covid-19.

Khó khăn đối với hoạt động du lịch vẫn đang hiện diện trước mắt và dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2021. Tuy nhiên, khi được hỏi về kỳ vọng, mơ ước gì cho ngành du lịch trong giai đoạn tới đây, chị Nguyên Thảo, hướng dẫn viên Công Lữ hành Saigontourist bày tỏ: “Em kỳ vọng dịch sẽ qua đi để du lịch inbound, outbound và nội địa đều có cơ hội phát triển trở lại mạnh hơn nữa trong năm nay và các năm tiếp theo, theo đó, đời sống của hướng dẫn viên sẽ được cải thiên hơn, bù đắp cho những khó khăn, tổn thất, mất mát mà trong năm 2020 vừa qua hướng dẫn viên chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất về mọi mặt trong xã hội về kinh tế và các mặt khác”.

Trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn còn phức tạp, du khách vẫn e dè trong việc cân nhắc đi tour thì bức tranh của ngành du lịch vẫn chưa có gam màu tươi sáng. Trước thực tế đó, việc gần 120 ngàn liều vắc-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca của Anh sản xuất được chuyển về VN qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 24/2 vừa rồi thực sự là tin vui, đem lại nhiều hy vọng cho mỗi người dân. Ngành du lịch cũng kỳ vọng du khách cũng sẽ an tâm và cảm thấy an toàn khi đi du lịch.

Bình luận