"Việt Nam hội đủ điều kiện để phục hồi du lịch sau làn sóng dịch Covid-19"

(VOH) - Ngày 15/3/2022 là cột mốc đáng nhớ của ngành du lịch nước nhà, sau khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, đón khách quốc tế trở lại.

Dù hiện tại số lượng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác còn khiêm tốn, chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Tuy nhiên với chính sách thông thoáng, thủ tục nhập cảnh thuận lợi được Chính phủ ban hành, đã và đang được du khách quốc tế đồng tình ủng hộ và cho biết sẽ chọn Việt Nam là điểm đến du lịch cho thời gian tới.

Để chuẩn bị cho hành trình lần này, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành đã, đang và sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cùng với đó ngành cũng sẽ có những giải pháp, kế hoạch căn cơ để thu hút khách đến Việt Nam nhiều hơn, góp phần phục hồi ngành công nghiệp không khói.

Ảnh: NLD
Ảnh minh hoạ: NLD

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cũng cho biết dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh, có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021, tập trung vào du khách của các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh và Canada. Theo đó thì Thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm dẫn đầu trong số 10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm.

Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức khi dịch Covid-19 nhiều nước vẫn còn phức tạp, nhưng với sự chủ động của Thành phố Hồ Chí Minh, sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành, sự liên kết phối hợp nhịp nhàng giữa các tỉnh thành, công tác kiểm soát dịch bệnh an toàn, thích ứng linh hoạt, cùng với những kế hoạch, lộ trình được Tổng cục Du lịch xây dựng bài bản, chắc chắn sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi phát triển trở lại với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, trong đó với vị trí dẫn đầu, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu sẽ đóng góp 3,5 triệu lượt khách quốc tế cho ngành công nghiệp không khói của nước nhà.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH có phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch.

*VOH: Thưa ông, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 vừa qua. Ông đánh giá như thế nào về cột mốc này?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Đây có thể coi là một cái dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và xây dựng của ngành du lịch Việt Nam. Việc mở cửa lại hoạt động du lịch là một trong những chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước và việc mở cửa lại hoạt động du lịch chính là một hoạt động giao lưu, giao thương quốc tế của Việt Nam sau một giai đoạn rất dài đại dịch Covid-19 nó đã tác động. Chính vì vậy, việc mở lại các hoạt động du lịch Việt Nam, nhận được cái sự ủng hộ, đồng tình và sự tham gia vào cuộc hết sức tích cực của rất nhiều các bộ, ngành, của các địa phương, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

*VOH: Trên thực tế từ ngày 15/3 đến nay thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Về góc độ quản lý ngành thì ông có thể cho biết là xác định đúng thời điểm hay chưa?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói là đây là thời điểm vàng của ngành du lịch Việt Nam để chúng ta có thể bắt đầu lại sang một cái sang mới, tức là sau một cái giai đoạn dài chúng ta chống dịch thì kể từ tháng tháng 10/2021 thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để cho tất cả mọi mặt về kinh tế xã hội của đất nước đã được phục hồi, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phục hồi đầu tiên.

Đón khách quốc tế sau cái thời điểm bắt đầu được từ triển khai từ tháng 11/2021 đến nay thì cũng đã được cái kết quả hết sức là đáng khích lệ. Cụ thể là với những nỗ lực của toàn ngành thì trong năm 2021 thì ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa và chỉ trong riêng hai tháng đầu năm của 2022 thì toàn ngành đã phục vụ được khoảng 17,6 triệu lượt khách, trong đó có một nửa là khách có sử dụng dịch vụ lưu trú.

Bên cạnh đó thì chương trình thí điểm đón khách quốc tế được triển khai từ tháng 11/2021 cho đến nay thì cũng đã thu hút được khoảng trên 10.000 khách du lịch quốc tế đến theo chương trình hội chiếu vaccine. Cùng với những kết quả đó thì Chính phủ và các bộ, ngành thì cũng đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ hết sức kịp thời và có hiệu quả, trong đó thì có những các cái đối tượng là các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch cũng đã thụ hưởng được các chính sách, cơ chế chính sách, kể cả cái chính chính sách về tài chính, về tài khóa, kể cả tín dụng cũng như là về về an sinh xã hội và đó chính là những cái cơ sở để cho ngành du lịch có những căn cứ để phục hồi. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hàng đầu về cái mức độ phủ của vaccine. Trong năm 2021 mặc dù là hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu bị đình trệ và Việt Nam cũng chưa mở cửa đón khách quốc tế chính thức. Tuy nhiên thì du lịch Việt Nam vẫn duy trì kết nối với các thị trường mục tiêu.

*VOH: Việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 vừa qua thì đã có ý nghĩa như thế nào đối với sự phục hồi của ngành du lịch nói riêng cũng như là sự phục hồi của nền kinh tế đất nước nói chung?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Việc mở cửa lại hoạt động du lịch thì không chỉ là việc khôi phục lại một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng độ 9,2% GDP, cũng như là tạo ra khoảng độ 2,5 triệu việc làm. Thông qua việc mở cửa lại hoạt động du lịch thì Việt Nam có thể khẳng định là một cái điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong cái đánh giá, nhìn nhận được của khách du lịch quốc tế. Việc mở cửa lại hoạt động du lịch cũng là góp phần để chúng ta tăng cường cái nâng cao cái năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mà rất nhiều các quốc gia trên thế giới cũng đã có những cái bước tiến rất là lớn, rất là dài để khôi phục lại một ngành kinh tế quan trọng này.

*VOH: Như vậy thì để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới ngành du lịch có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Tổ chức các chiến dịch, chương trình xúc tiến quảng bá kể cả trong nước cũng như nước ngoài. Đối với các thị trường khách du lịch quốc tế thì chúng ta sẽ triển khai chương trình sống trọn vẹn tại Việt Nam và đối với thị trường khách du lịch nội địa thì chúng ta sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch an toàn và trải nghiệm trọn vẹn. Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch cũng sẽ phối hợp cùng với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực của các cơ sở vật chất kỹ thuật, rồi nâng cao chất lượng của các dịch vụ cung cấp cho khách cũng như là tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Đối với các địa phương thì sẽ tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón và phục vụ khách, đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19 và có những cái phương án xử lý các tình huống, các sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch, rồi là chủ động triển khai các chương trình liên kết, phối hợp hợp tác giữa các địa phương trong các vùng để mà khôi phục lại hoạt động du lịch một cách sớm nhất. Quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để có các cái điều kiện để nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh cũng như là tạo điều kiện thu hút là cái nguồn nhân lực đồng thời để tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách, kết nối lại thị trường.

Đối với các doanh nghiệp du lịch thì chủ động xây dựng kế hoạch đón khách an toàn và có các phương án xử lý các tình huống phát sinh, đồng thời thông tin và hướng dẫn cho khách du lịch về những quy định mới, cập nhật về y tế cũng như các quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam. Đồng thời là phải phổ biến, quán triệt, hướng dẫn người lao động tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Kiểm tra, rà soát lại các cái cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ để đảm bảo an ninh, an toàn cũng như là đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tăng cường cái công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo đủ số lượng cũng như là chất lượng. Cuối cùng, đấy là xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm và tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá.

*VOH: Hiện nay thì nhiều nước trên thế giới cũng đánh giá là Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách thuận lợi, thông thoáng trong việc nhập cảnh cho khách du lịch. Cùng với việc mà chúng ta đang kiểm soát dịch khá tốt thì ông có kỳ vọng gì cho ngành du lịch trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ, ủng hộ đồng hành của các bộ, ngành và các địa phương, sự vào cuộc và chủ động, tích cực của các doanh nghiệp du lịch thì tôi tin tưởng rằng là ngành du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch Covid 19 phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị 2017 đã ban hành.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

* Nội dung đã được phát trên kênh AM 610Khz - Đài TNND TPHCM

Bình luận