Chờ...

“Kong: Skull Island”: Hình ảnh siêu đẹp nhưng… mô típ cũ xì

(VOH) - Bạn sẽ không nhớ gì về “Kong: Skull Island” sau khi xem nhưng chắc chắn bạn sẽ phải rung động trước những cảnh quay tuyệt vời về Việt Nam từ trên cao và góc phố Sài Gòn xưa trong bộ phim này.

Tom Hiddleston và Brie Larson trong một cảnh phim (Ảnh: AP)

Hình ảnh đẹp mê hồn

Điều khiến nhiều người thích thú là những hình đầu tiên về sân bay Đà Nẵng, hay Sài Gòn xưa với đường phố, hàng rong vỉa hè, một góc quán bar với những người lính Mỹ..., hay vài dòng chữ tiếng Việt trên tường, trên bảng hiệu hay một vài câu tiếng Việt bất ngờ xuất hiện trong bức tranh cuộc sống Sài Gòn.

Tất nhiên, người xem cũng sẽ xuýt xoa về những hình ảnh đẹp mê hồn về Vịnh Hạ Long, về Ninh Bình – đúng như những gì mà nhà sản xuất đã đưa vào nội dung trailer giới thiệu. Góc máy trên cao, uốn lượn mềm mại khiến cho người xem cảm giác như được bay trên một vùng biển thiên đường. Không thể chê một góc nào ngoài việc chấm điểm 10 cho kĩ thuật quay của các nhà làm phim Hollywood.

Những người “thổ dân” Ninh Bình trong phim cũng “diễn sâu” – và dù họ chẳng có 1 câu thoại nào trong bộ phim dài gần 2 tiếng này thì mỗi khi họ xuất hiện trên màn hình, người xem sẽ bụm miệng cười – vì nhận ra đó là những khuôn mặt Á đông quen thuộc, đã lên báo vài ngày trước khi phim khởi chiếu.

Nội dung không mới

Tuy nhiên, sau khi xem bạn sẽ quên và không đọng lại gì nhiều vì bộ phim vẫn mang trong mình mô típ quen thuộc, quái vật, anh hùng, anh hùng bất đắc dĩ, vài kẻ cản mũi, vài người can ngăn – và tất nhiên những kẻ cản mũi sẽ bị thế giới quái vật giết chết, còn số ít “anh hùng” sót lại sẽ tìm được đường trở về.

Sau một đoạn mở đầu ngắn trong Thế chiến II, cảnh phim chuyển đến năm 1973 - trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó là những nhà khoa học thuyết phục nguồn tài trợ cho chương trình khám phá đảo Skull Island – một hòn đảo được xác định bằng hình ảnh vệ tinh, bao quanh bởi những cơn bão không thể xâm nhập.

Được chấp nhận, nhóm nhà khoa học cùng phi đội trực thăng "Sky Devils" – với Đại tá Preston Packard (Samuel L. Jackson) được bố trí để rời Đà Nẵng và xâm nhập hòn đảo; James Conrad (Tom Hiddleston), một cựu binh SAS của Anh được thuê dẫn đường và Mason Weaver (Brie Larson) - một "nhiếp ảnh gia phản chiến" cũng nhập nhóm và bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo không có trên bản đồ.

Kong huyền thoại trong phim (Ảnh: AP)

Kong: Skull Island lại đào sâu nội dung vào con khỉ quái vật huyền thoại và sẽ có thêm một nhân vật xuất hiện giữa phim là Ben Gunn (John C Reilly) sống trên đảo trong 25 năm và biết tất cả về hệ sinh thái đáng sợ của hòn đảo này...

Trong bộ phim, Kong vẫn là nhân vật chính. Tuy nhiên, bộ phim mở rộng quy mô ngôi nhà của loài khỉ, với chuỗi thức ăn là nhiều loại quái vật khác nữa chứ không chỉ có Kông. Chẳng hạn như: thằn lằn, châu chấu, trâu, nhện, bạch tuộc với kích thước khổng lồ và kì quái. Điều này làm cho Kong thoát hẳn ra khỏi hình ảnh truyền thống của mình là một con vật khổng lồ ở New York, chiến đấu trên những tòa nhà chọc trời ở Manhattan và ném bay trực thăng ra khỏi bầu trời.

Kong là một sự sáng tạo ấn tượng, một linh hồn ít mềm dẻo hơn so với các hóa thân trước. Và trước khi bộ phim khởi quay, ý tưởng ​​về việc khởi động lại câu chuyện King Kong đã gây ra sự chia rẽ giữa các nhà phê bình Mỹ và Anh khi chúng có một lịch sử xuất hiện khá lâu đời.

“Kong: Skull Island” là sự bổ sung bất ngờ cho “võ đường khổng lồ” năm 1933 – trong bộ phim King Kong. King Kong được quay trở lại vào năm 1976 bởi nhà sản xuất của Dino De Laurentiis và gần đây là vào năm 2005 – bộ phim của Peter Jackson.

Những thương hiệu mang tính biểu tượng như Kong - chưa bao giờ thực sự chết ở Hollywood và liệu sau bộ phim này nó có chết hay không còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian và sự đón nhận của khán giả.

Về nội dung phim, một số khán giả nước ngoài chỉ chấm “Kong: Skull Island” 6,5 điểm trên thang điểm 10. Tuy nhiên, nếu còn tò mò xem hình ảnh Việt Nam như thế nào trong một bộ phim bom tấn Hollywood thì bạn hãy đi xem và cảm nhận nhé!

Bình luận