Chờ...

Lễ hội khinh khí cầu: điểm nhấn cho Festival nghề truyền thống Huế 2017

(VOH) - Với chủ trương khôi phục, gìn giữ và phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch. UBND TP Huế tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 7, từ 28/4 đến 1/5.

Năm nay Festival nghề truyền thống Huế 2017 có 13 nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, dệt may, mây tre và pháp lam, với sự tham gia của trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Ngoài ra còn có sự tham gia của các thành phố: Takayama, Saijo, Shizuoka (Nhật bản), Quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc), thành phố Nghi Hưng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế về Festival lần này. 

Bộ sưu tập khinh khí cầu tham gia lễ hội - Ảnh: Abay

* VOH: Ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 ?

Ông Nguyễn Đăng Thạnh: Hàng năm, Huế đều có festival, vào năm chẵn có festival văn hóa nghệ thuật quốc tế, bình quân có khoảng 40 đoàn của hơn 20 nước tham dự. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thừa thiên Huế giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân Thành phố Huế, vào những năm lẻ tổ chức festival chuyên đề. Huế cũng được Chính phủ công nhận là thành phố festival.

Từ năm 2005, UBND TP Huế bắt đầu tổ chức festival chuyên đề với tên là festival nghề truyền thống. Chúng tôi cũng đi từng bước, từ ít nghề đến nhiều nghề. Năm 2005 chỉ có 2 nghề là thêu và nón lá, 2007 có 3 nghề là chạm khảm, kim hoàn, đúc đồng.

Đến nay, lần thứ 7 với chủ đề tinh hoa nghề Việt với 13 nhóm nghề, khoảng hơn 300 nghệ nhân thuộc 50 cơ sở nghề của 40 làng nghề của cả nước về dự. Trong đó có những nghề nổi tiếng như Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mộc mỹ nghệ Bắc Ninh, gốm của dân tộc Chăm…

* VOH: Qua việc tổ chức festival, BTC mong muốn điều gì cho làng nghề truyền thống VN ?

Ông Nguyễn Đăng Thạnh: Trong tình hình hiện nay, BTC muốn tổ chức để gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống từng có ở Huế. Kinh đô, lăng tẩm Huế được hình thành nhờ bàn tay của các nghệ nhân ở miền Bắc vào để xây dựng nên kinh thành Huế, tất nhiên giờ cũng thất truyền nên mong muốn khôi phục để gìn giữ phát huy bảo tồn trong tình hình hết sức khó khăn.

Với Huế là thành phố văn hóa du lịch, đây cũng là 1 sự kiện, một sản phẩm du lịch. Chúng tôi thường có không gian nghề để giới thiệu nghề, thao diễn nghề, kể cả mua bán sản phẩm, sẽ tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu phía Nam thành phố Huế. Lấy đường Lê Lợi làm trục chính, và các công viên để tổ chức các hoạt động trong festival nghề.

* VOH: Ngoài giới thiệu những làng nghề truyền thống, còn có những hoạt động, chương trình hưởng ứng nào khác nữa thưa ông ?

Ông Nguyễn Đăng Thạnh: Trong festival nghề còn có chương trình khai mạc, bế mạc, lễ hội áo dài, các chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức. Đồng hành cùng festival thì năm nay tiếp tục tổ chức Lễ hội khinh khí cầu ở Huế lần 2.

Năm 2016 dù làm lần đầu nhưng rất mừng là lễ hội lần thứ nhất đã được nhân dân và du khách hết sức tán thưởng, đây cũng là loại hình du lịch phục vụ du khách khi tham quan Huế. Lần này khác 2016, địa điểm tổ chức bay rất đặc biệt, được ưu ái nhất là ngay quảng trường Ngọ Môn. Bay tự do thì được ngắm toàn cảnh thành phố Huế, bay tại chỗ cũng có dịp ngắm cảnh kinh thành Huế.

* VOH: Cám ơn ông!

Bình luận