Chờ...

Ngày 3/3 hàng năm sẽ là mốc khai mạc Lễ hội áo dài TPHCM

(VOH) - Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Áo dài Việt Nam - Hội tụ và thăng hoa” đã kết thúc chuỗi hoạt động của sự kiện Lễ hội áo dài TPHCM 2017, bắt đầu từ ngày 3 - 17/3. Đây là lần thứ 4 Lễ hội diễn ra và dần định hình thành một sự kiện văn hóa nổi bật của thành phố trong tháng 3.

Mời quý đọc giả nghe nội dung phỏng vấn:

Nhìn nhận lại những hoạt động trong lễ hội lần này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội áo dài TPHCM 2017 chia sẻ qua cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH).

* VOH: Sau gần nửa tháng diễn ra Lễ hội áo dài, ông đánh giá về các hoạt động như thế nào?

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Với hơn hai tuần diễn ra Lễ hội áo dài TPHCM lần thứ 4 năm 2017 với 17 hoạt động được triển khai từ cấp Thành đến cơ sở, Lễ hội lần này đã thành công tốt đẹp với nhiều điểm mới. Đó là lần đầu tiên áo dài được trình diễn trong không gian rất đẹp và gần gũi với người dân và du khách - đó là Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chương trình có sự tham gia của những nhà thiết kế và những người mẫu chuyên nghiệp.

Thứ hai nữa đó là phần đồng diễn với hơn 3000 người dân và học sinh cùng tham gia. Tất cả cùng đồng ca và xếp hình bản đồ Tổ quốc, điều đó đã tạo nên vẻ đẹp của áo dài đặt trong tình yêu quê hương đất nước.

Chương trình thứ 3, cũng là một điểm nhấn của lễ hội là “Áo dài Việt Nam - Hội tụ và thăng hoa”. Đây là chương trình có sự tham gia của du học sinh các nước đang học tập tại TPHCM, các vị lãnh sự đang công tác trên địa bàn thành phố trong trang phục truyền thống. Chính họ góp phần tô vẽ thêm một nét đẹp của áo dài, không chỉ nằm trong khuôn khổ người Việt mà nó cũng được bè quốc tế đón nhận.

* VOH: Được biết, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã quyết định lấy ngày 3/3 hàng năm làm mốc để khai mạc lễ hội áo dài, cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Đây là một trong những chỉ đạo của đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP - đang phụ trách Sở Du lịch. Chúng tôi cảm nhận rằng, đây là một lễ hội văn hóa du lịch đã có một sức sống tự thân trong cộng đồng người dân thành phố cũng như các tỉnh thành bạn.

Áo dài được sử dụng hàng ngày trong trang phục đi học của các em học sinh. Nó cũng xuất hiện sang trọng trong các chương trình lễ hội và rất thiêng liêng trong các nghi lễ truyền thống của người dân Việt Nam.

Do vậy, hàng năm, có ngày 8/3 - Ngày quốc tế phụ nữ, thì Lễ hội áo dài sẽ được TPHCM chính thức khởi động vào ngày 3/3 hàng năm, như một cột mốc mà tất cả mọi người cùng nhớ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để du khách có thể bố trí thời gian đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp áo dài trong mùa Lễ hội áo dài tại TPHCM.

* VOH: Với hàng loạt sự kiện diễn ra trong 2 tuần, ông đánh giá gì và bản thân mình có hài lòng với những hoạt động đã triển khai trong năm nay, kể cả việc phối kết hợp với các đơn vị liên quan như Sở GD&ĐT, Hội LHPN thành phố?

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Chúng tôi nghĩ, công tác phối hợp trong năm 2017 được triển khai nhịp nhàng và hết sức đồng bộ. Sự tham gia rất có trách nhiệm của Hội LHPN TPHCM, sự cộng đồng chung tay góp sức của các sở ban ngành, quận huyện, cũng như các đơn vị, kể cả doanh nghiệp đã tạo nên sức sống tự thân, lan tỏa cho Lễ hội áo dài.

Tôi đánh giá, Lễ hội áo dài TPHCM 2017 đã được tổ chức thành công về nội dung, sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng, tính nghệ thuật, biểu diễn. Lễ hội đã thu hút rất đông nhà hoạt động chuyên nghiệp trong thiết kế và biểu diễn thời trang đặc biệt là lĩnh vực áo dài, tạo nên dấu ấn thật đẹp trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.

* VOH: Cảm ơn ông! 

Bình luận