Chờ...

Xuân Mậu Thân 1968 – Tầm vóc một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy

(VOH) - Sáng 12/1, Khoa Lịch sử phối hợp với Câu lạc bộ Tuyên giáo Trường Đại học KHXHNV, Đại học quốc gia TPHCM tổ chức Tọa đàm khoa học 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Nhân dịp này, nhà trường đã ra mắt cuốn sách Xuân Mậu Thân 1968 – Tầm vóc một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Minh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ôn lại tầm vóc lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại buổi Tọa đàm.

Cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều giảng viên, cán bộ trong và ngoài trường trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, học tập về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nội dung sách gồm ba phần: Tầm vóc lịch sử; Tiến trình Tổng tiến công và nổi dậy; Ký ức Mậu Thân. Mỗi bài viết trong từng phần là một góc nhìn phong phú khác nhau về sự kiện có một không hai trong lịch sử chiến tranh Việt Nam thời hiện đại; đây cũng là kết quả nghiên cứu cá nhân và các tác giả chịu trách nhiệm về khoa học và pháp lý theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay, xuất bản cuốn sách này nhằm ôn lại một sự kiện lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc.

Bên cạnh đó, cũng nhằm để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, phát huy tinh thần cách mạng tiến công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong trong giai đoạn hiện nay. 

Xúc động lá thư người lính Mậu Thân gửi chị gái

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Trí, một chiến sĩ cận vệ của đồng chí Trần Bạch Đằng năm 1968, đã chia sẻ những hồi ức của mình, xúc động nhất là kỷ vật lá thư ông gửi chị gái của mình năm ấy. 

Năm 1968, ông Lê Trí vừa tròn 18 tuổi, đa số đồng đội ông ở Đội cận vệ Khu ủy Sài Gòn cũng cùng lứa tuổi như ông. Họ như tờ giấy trắng được nhuộm đỏ bởi lý tưởng giải phóng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, ông tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, của Cách mạng. Tháng 3/1968, ông viết thư cho người chị gái của mình để kể về cuộc sống và chiến đấu của những người lính. Tuy nhiên, mãi đến một năm sau, người chị gái mới nhận được thư của ông và biên thư trả lời.

Ông Lê Trí, một chiến sĩ cận vệ của đồng chí Trần Bạch Đằng. 

Ông đi kháng chiến từ năm 1964 khi ông vừa học hết lớp đệ lục – tương đương lớp 7 bây giờ. Ông vinh dự được làm người lính an ninh võ trang T4, phân đội cận vệ chú Tư Ánh – Trần Bạch Đằng đã chiến đấu trên đường phố Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân. Ông vừa làm lính cận vệ, vừa làm phụ tá cho một đồng chí điện báo viên hàng ngày nhận tin tham khảo của các hãng AP, AFP, Reuters cho đồng chí Trần Bạch Đằng đọc.

Năm 2003, ông Lê Trí làm đạo diễn phim tài liệu kỷ niệm 35 năm Mậu Thân cho Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, ông đã được gặp lại rất nhiều người lính Mậu Thân ở nhiều đơn vị. 

Trích nội dung lá thư ông Lê Trí gửi cho người chị gái và lá thư của người chị hồi âm cho em trai sau hơn một năm.

Bình luận