Biệt động Sài Gòn - Tượng đài bất tử trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(VOH) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 khởi đầu  bằng cuộc tập kích đồng loạt vào các mục tiêu  tại Sài gòn vào 2 giờ sáng mùng 2 Tết sau 8 quả đạn cối 82 mm nã vào sân bay Tân Sơn Nhất.

VOH giới thiệu bài tham luận “Biệt động Sài Gòn-Tượng Đài bất tử trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” của Đại tá, PGS.TS. Hồ Sơn Đài, Nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 viết về Biệt động Sài gòn, lực lượng khởi đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968.

Bài tham luận được viết cho hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành Uỷ TPHCM tổ chức.

Hội thảo “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân  Mậu Thân 1968, Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”.

Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ 1954 - 1975 là đại bản doanh của quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam và Đông Dương, là "thủ đô", trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của chế độ Sài Gòn; nơi đứng chân các đơn vị quân đội cơ động chiến lược, cảnh sát tình báo mật vụ các loại và hệ thống kho tàng dự trữ vật chất, kỹ thuật nuôi sống guồng máy chiến tranh xâm lược.

Sài Gòn - Gia Định là nơi phát ra và chỉ đạo điều hành các chủ trương chiến lược, các kế hoạch, biện pháp và thủ đoạn chiến thuật với chế độ bảo vệ đặc biệt chặt chẽ.

Tiến hành đấu tranh vũ trang ở Sài Gòn - Gia Định, vì thế, không thể sử dụng một lực lượng vũ trang thông thường như ở các chiến trường khác mà đòi hỏi một lực lượng được tổ chức đặc biệt tinh gọn, có chất lượng chiến đấu cao, có nghệ thuật chỉ huy và thực hành tác chiến tài trí, dũng cảm, có hệ thống tổ chức ém giấu lực lượng và cung cấp hậu cần kỹ thuật công phu. Đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn !

Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động đã chiến đấu tại các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Trong điều kiện tương quan lực lượng không cân sức, họ đã chiến đấu như những người anh hùng và cuối cùng, phần lớn trong số họ hoặc bị địch bắt hoặc anh dũng hy sinh.

Cuộc chiến đấu của Biệt động Sài Gòn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một tượng đài bất tử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

1. Vài nét về Biệt động Sài Gòn những năm trước Mậu Thân 1968

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cùng với các địa phương phía nam vĩ tuyến 17, lực lượng vũ trang cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn tập kết ra miền Bắc. Một số cán bộ, chiến sĩ Công tác Thành, Tự vệ Thành, Công an xung phong Thành được phân công ở lại chuyển sang mặt trận đấu tranh chính trị; một thời gian sau, một số bị bắt, tù đày, bị hy sinh, số còn lại chuyển vùng ẩn giấu tung tích hoặc ra bưng biền lập căn cứ gây dựng lại các nhóm vũ trang.

Từ năm 1961, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Giạ Định và các đơn vị vũ trang cách mạng được tái lập trên cơ sở tiếp nhận số cán bộ tập kết trở về cùng số cán bộ ở lại và lực lượng mới ra đời trước và trong phong trào Đồng khởi.

Trong nội đô Sài Gòn, các ngành, các cánh công tác phong trào chính trị (Thanh niên, Học sinh, Hoa vận, Phụ vận, Binh vận, Tuyên huấn...) tổ chức các tổ, liên tổ tự vệ mật, đồng thời rút một số thanh niên ra căn cứ bàn đạp, huấn luyện thành chiến đấu viên, cán bộ quân sự nội thành.

Đến cuối năm 1963, lực lượng vũ trang thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định hình thành. Ở ngoại thành, có tiểu đoàn tập trung và lực lượng binh chủng của Quân khu, các đại đội địa phương huyện, du kích tập trung xã, liên xã, du kích và tự vệ mật ấp, liên ấp.

Trong nội thành có tự vệ mật, nội tuyến binh vận, du kích chiến đấu, trinh sát chiến đấu, công tác vũ trang, cán bộ quân sự phụ trách của từng địa phương, ban ngành, lực lượng. Bên cạnh đó, còn có các tổ, đội biệt động cánh, ngành, quận và các đơn vị biệt động của Quân khu.

Như thế, biệt động Sài Gòn không phải là toàn bộ lực lượng vũ trang nội thành mà chỉ là một bộ phận lực lượng cơ động đặc biệt của một số ngành, cánh và của Quân khu Sài Gòn - Gia Định hoạt động trong thành phố. Lần lượt 6 đội biệt động Thành (159, 65, 66, 67, 68, 69 ) ra đời, tổ chức thành 2 lực lượng: lực lượng trực tiếp chiến đấu; lực lượng làm công tác bảo đảm.

Cuối năm 1964, sau hàng loạt thắng lợi chính trị, quân sự của lực lượng kháng chiến trên các chiến trường, sự khủng hoảng triền miên của chế độ Sài Gòn (từ biến cố Diệm bị đảo chính và sát hại tháng 11-1963 ), Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền đã vạch định một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, mang mật danh X.

Thực hiện kế hoạch X, Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Đoàn biệt động F 100. Đây là đơn vị biệt động tập trung cơ động của Quân khu Sài Gòn - Gia Định gồm 14 đội: 9 đội biệt động nội đô mang số hiệu từ 3 đến 11 (mỗi đội từ 15 đến 20 cán bộ, chiến sĩ); 3 đội đặc công - biệt động ven đô (hoạt động ở các khu vực Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè); 2 đội công tác bảo đảm chuyên trách xây dựng cơ sở, làm hầm bí mật để trú ém người và cất giấu vũ khí, tổ chức đường dây liên lạc và vận chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành mang phiên hiệu A20 và A30.

Cùng với lực lượng biệt động của Quân khu, lực lượng biệt động các cánh, ngành cũng được củng cố, như Đội 65 Bình Tân, Đội 66 Dĩ An, Đội 67 Gò Môn, Đội 68 Thủ Đức, Đội 69 Nhà Bè - Quận 4 và biệt động của Hoa vận, Thành Đoàn,...

Năm 1967, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về tổng công kích-tổng khởi nghĩa, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu 7 được giải thể và tổ chức lại thành 6 phân khu, mang phiên hiệu từ 1 đến 6, trong đó 6 là phân khu nội đô Sài Gòn.

Bộ Chỉ huy Phân khu 6 giải thể Đoàn F100 biệt động, thành lập các đội biệt động độc lập đảm nhiệm nhiệm vụ tiến công từng mục tiêu trong thành phố. Ngoài lực lượng bảo đảm, hơn 100 chiến đấu viên của F100 được tổ chức thành chín đội mang số hiệu từ 1 đến 9 biên chế trong ba cụm: Cụm 128 ( các đội 1, 2, 8 ); Cụm 345 ( các đội 3,4, 5 ); Cụm 679 ( các đội 6, 7, 9 ); và 1 đội độc lập phiên hiệu 90C.

Như vậy, Biệt động Sài Gòn bao gồm các đơn vị vũ trang đặc biệt do Quân khu hoặc của các địa phương, tổ chức ban ngành kháng chiến ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định thành lập, làm nhiệm vụ tiến công các mục tiêu quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị này sống hợp pháp trong thành phố, được biên chế, huấn luyện và trang bị vũ khí đặc biệt tinh nhuệ, chặt chẽ và hết sức bí mật. Đến trước cuộc tổng tiến công năm 1968, họ là các cụm biệt động của Phân khu nội đô, các đội biệt động cánh và ban ngành của Sài Gòn - Gia Định vừa được tổ chức lại.

Hầu hết đều đã trải qua chiến đấu trong các trận tiến công nổi tiếng tại Sài Gòn và vùng ven vào những năm 1963-1967.

Đà Phát thanh Sài gòn một trong những mục tiêu đánh chiếm của lực lượng biệt động vào xuân Mậu Thân 1968.

2. Cuộc chiến đấu không cân sức tại nội đô Sài Gòn

Tháng 10-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức hội nghị hạ quyết tâm động viên mọi lực lượng với nỗ lực cao nhất, thực hiện bằng được hai nhiệm vụ:

1. Đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn.

2. Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, làm chủ các quận và đưa lực lượng quần chúng có tổ chức vào làm chủ các mục tiêu mà biệt động đã chiếm lĩnh; phối hợp với lực lượng chủ lực của Phân khu và Miền từ ngoài vào, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ tại địa bàn Sài Gòn - Gia Định.

Do đã được chuẩn bị từ trước (theo kế hoạch X), công tác chuẩn bị tiến công diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Trong kế hoạch tổ chức các phân khu, lực lượng vũ trang trên từng địa bàn (kể cả các tiểu đoàn mũi nhọn và biệt động trực thuộc) của Quân khu Sài Gòn-Gia Định được tách ra để ghép vào địa bàn các tỉnh xung quanh thành phố trong đội hình các phân khu 1, 2, 3, 4, 5 trên năm hướng tiến vào thành phố Sài Gòn.

Du kích tập trung ở các xã được tổ chức thành từng đội; riêng ở Gò Môn, Tân Bình, Nhà Bè, Thủ Đức có 26 đội. Về chuẩn bị địa bàn, các địa phương đã xây dựng hoàn chỉnh các lõm căn cứ ở vùng ven và cơ sở ở nội thành làm nơi ém quân, cất giấu vũ khí và xuất phát triển khai chiến đấu.

Tính đến thời điểm cuối năm 1967, đã xây dựng dược 19 cơ sở chính trị ở gần các mục tiêu trọng yếu với 325 gia đình cơ sở tạo được 400 điểm ém quân ở các lõm chính trị cầu Bông, khu Bàn Cờ, xóm Chùa Tân Định...

Vũ khí, phương tiện cơ động đã tập kết đầy đủ. Đến trước giao thừa Xuân Mậu Thân, về cơ bản, công tác chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy của Sài Gòn - Gia Định đã hoàn tất.

Lực lượng Biệt động Thành (Bộ Chi huy quân sự Phân khu 6) tổ chức thành 2 khối: khối các đội trong nội đô và khối bố trí các cánh. Theo phương án tổng công kích-tổng khởi nghĩa, Biệt động Thành được giao đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, khám Chí Hòa, Bộ Tư lệnh hải quân; đồng thời phối hợp vói Phân khu 1 đánh chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp, Bộ Tư lệnh pháo binh, sân bay Tân Sơn Nhất; phối hợp với Phân khu 2 và Phân khu 3 đánh chiếm khu xăng dầu Nhà Bè; phối hợp với Phân khu 4 đánh chiếm cầu Sài Gòn và Tân Cảng.

Riêng mục tiêu Sứ quán Mỹ, trong quá trình xây dựng kế hoạch, dự kiến không tiến công vì lý do chính trị, đến cận Tết mới giao cho Biệt động Thành đánh chiếm.

Đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân, các đơn vị Biệt động rời khỏi vị trí ém quân trong nội đô, di chuyển. Các chỉ huy đội lần lượt đến Sở chỉ huy Biệt động đặt tại quán phở Bình (7 Yên Đỗ) nghe lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận giờ G nổ súng.

Và cuộc tập kích vào các mục tiêu được phân công được khởi đầu đồng loạt vào 2 giờ sáng mùng 2 Tết sau 8 quả đạn cối 82 mm nã vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Cụm biệt động 679 (27 chiến đấu viên do Đỗ Tấn Phong chỉ huy) chia thành 2 mũi tiến công vào cổng số 1. Do quân địch quá đông, dựa vào công sự kiên cố để bắn trả, cả hai mũi không vào được bên trong căn cứ, đành phải trụ lại dọc bờ rào và các ngôi nhà kế cận tiếp tục chiến đấu.

Bị địch chia cắt đội hình và phản kích quyết liệt, một bộ phận buộc phải rời khỏi trận địa, một số khác trụ lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới sa vào tay địch lúc 9 giờ ngày mùng 3 Tết. Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên, 2 xe bọc thép và 1 đại liên bị phá hủy.

Cụm biệt động 679 giữ được trận địa gần 2 ngày đêm, hy sinh 10, bị bắt 4, mất tích 3 cán bộ, chiến sĩ.

Ở mục tiêu Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động 4 (có 11 chiến đấu viên, do Đội trưởng Năm Lộc chi huy) chia thành 2 mũi; mũi thứ nhất dùng thủ pháo phá cửa sắt tiến vào cổng chính (số 3 Phan Đình Phùng) chiếm khu vực phát sóng và một số vị trí; mũi thứ hai kiềm chế cho bộ phận xung kích bị địch chặn đánh không vào được bên trong.

Địch huy động quân bao vây, dùng máy bay thả pháo sáng và xe thiết giáp tiến công. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài đến 6 giờ sáng khi các chiến sĩ bắn hết đạn, dùng khối thuốc nổ 20kg phá hủy Đài và anh dũng hy sính.

Kết quả, địch chết và bị thương 38 tên, 1 xe bọc thép và 1 xe GMC bị phá hủy. Đội biệt động 4 đánh chiếm và giữ được mục tiêu trong 4 giờ 31 phút, hy sinh 10 cán bộ, chiến sĩ.

Đối với mục tiêu Dinh Độc Lập, Đội biệt động 5 (15 chiến đấu viên do Trương Hoàng Thanh chỉ huy), sau khi không đánh sập được cổng đế phát triển vào bên trong, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du (Đội biệt động 5 vốn là đơn vị tập kích Tòa Đại sứ Mỹ, khách sạn Caravelle, cư xá Brink, Metropole, Tổng nha Cảnh sát... nay chiến đấu như bộ binh trên đường phố nên rất bất lợi).

Đội đã bắn cháy nhiều xe chở lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn, sau đó rút vào cố thủ và tiếp tục chiến đấu trong tòa nhà 56 Thủ Khoa Huân, rồi tòa nhà 108 Gia Long cho đến khi bị bắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 1-2.

Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên (có một số lính Mỹ ), 3 xe jeep bị phá hủy. Đội biệt động 5 hy sinh 8, bị bắt 7 cán bộ, chiến sĩ.

Tại mục tiêu Bộ Tư lệnh hải quân, Đội biệt động 3 (16 chiến đấu viên do Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp chỉ huy) tổ chức thành 2 mũi, đánh sập lô cốt đầu cầu, vượt qua cổng chính phát triển vào bên trong, phá sập nhà canh phòng của đại đội công vụ hải quân.

Quân địch trong căn cứ, cả từ tàu đậu dưới sông bắn trả quyết liệt và tổ chức bao vây. Các chiến sĩ biệt động chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đến 6 giờ sáng thì toàn đội hy sinh gần hết, chỉ có 2 chiến sĩ vượt sông Sài Gòn thoát về căn cứ Thủ Đức.

Kết quả, địch chết 12 tên (có 2 quân cảnh Mỹ), 1 lô cốt và 1 dãy nhà bị phá hủy. Đội biệt động 3 hy sinh 14 cán bộ, chiến sĩ.

Tòa Đại sứ Mỹ một trong những mục tiêu đánh chiếm của lực lượng Biệt động vào Xuân Mậu Thân 1968.

Đánh mục tiêu Đại sứ quán Mỹ là Đội biệt động 11 (có 17 chiến đấu viên, do Ngô Thành Vân tức Ba Đen chỉ huy) chia làm 4 tổ, tiến công cống chính trên đường Thống Nhất và dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường trên đường Mạc Đĩnh Chi để đột nhập vào bên trong.

Các chiến sĩ nhanh chóng tiêu diệt lực lượng chống đối, đánh chiếm tầng trệt, lầu 1, rồi lầu 2 tòa nhà. Ngoài lực lượng quân cảnh chống trả tại chỗ, Mỹ điều thêm một đơn vị thuộc Sư đoàn dù đổ xuống sân thượng tòa nhà, dùng hỏa lực và vũ khí hóa học đánh xuống.

Đến 9 giờ sáng, quân địch tràn ngập Đại sứ quán Mỹ. Tọàn đội biệt động chỉ còn một mình Chỉ huy trưởng Ba Đen bị thương và bị bắt. Đội 11 là đơn vị được giao nhiệm vụ sau cùng, tổ chức huấn luyện chỉ trong mấy ngày, đêm 30-1-1968 mới được biết kế hoạch tiến công nhưng đã chiến đấu cực kỳ anh dũng.

Kết quả, địch chết 27 tên, bị thương 124 tên. Đội biệt động 11 chiếm giữ sứ quán Mỹ được 7 giờ, bị bắt 1 và hy sinh 16 cán bộ, chiến sĩ.

Trên cơ sở nhận định: đòn quân sự của ta chưa đủ liều lượng để tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy, tháng 3-1968, Trung ương Cục miền Nam chủ trương tiếp tục Tổng tiến công và nổi dậy nhằm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng và làm chủ toàn bộ nông thôn đồng bằng và miền núi.

Theo đó, lực lượng biệt động được giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị chủ lực, tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng tại chỗ trên năm hướng tiếp tục đánh vào nội thành, phát động quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng xung quanh thành phố.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, lực lượng biệt động được củng cố lại. Số cán bộ, chiến sĩ còn lại từ các đội thuộc ba cụm 128, 345, 679 trước đây dồn lại thành một cụm.

Bộ Chỉ huy Phân khu 6 huy động thêm lực lượng của các địa phương Đức Hòa, Tân Mỹ thành lập một tiểu đoàn do Võ Tâm Thành chỉ huy. Bên cạnh đó, còn có các đơn vị biệt động và vũ trang tuyên truyền của Thành đoàn, Ban Hoa vận, Ban Công vận, Ban Phụ vận (Tiểu đoàn Lê Thị Riêng) hoặc chưa chiến đấu trong đợt 1 hoặc vừa được củng cố xây dựng.

Trong điều kiện lực lượng vừa bị tổn thất lớn, yếu tố bí mật không còn, quân địch đã tăng cường các đơn vị chiến đấu phòng thủ xung quanh Sài Gòn theo chiến thuật 'bêtông" lên tới 60 tiểu đoàn với 200.000 quân không kể hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép và các trận địa pháo, sân bay dã chiến.

Biệt động Sài Gòn đã bước vào đợt 2 của cuộc tiến công Mậu Thân với quyết tâm rất cao. Đợt 2 của cuộc tổng tiến công từ đêm 4 rạng ngày 5-5-1968. Theo kế hoạch, trong đêm 4 rạng 5-5, các đơn vị trên các hướng đã dũng mãnh thọc sâu vào thành phố tiến công các mục tiêu quy định.

Có sự phối hợp tác chiến ngay từ đầu của pháo binh và bộ binh Miền, của các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng tại chỗ, lực lượng biệt động triển khai hoạt động tác chiến tại các vị trí được phân công.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tại Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ, đường Hậu Giang, Chợ Bình Tây, sân vận động Cộng Hòa, ngã tư Bảy Hiền (hướng tây, tây nam ); Lò Heo, Chánh Hưng, nam cầu Chữ Y, Nhị Thiên Đường, Tân Thuận, đường Âu Dương Lân, Phạm Thế Hiển, khu vực Tây Quy (hướng nam); Xóm Mới, Cây Gõ, An Nhơn, Gò Vấp (hướng bắc và đông bắc ); cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi, ngã ba Hàng Xanh, cầu Phan Thanh Giản, cầu Thị Nghè, đường Tự Đức ( hướng đông ); các bót cảnh sát, toà hành chính quận, khu vực Phú Lâm, Minh Phụng, Chợ Lớn (trong nội đô).

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Lê Thị Riêng tập kết ở khu vực chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, hẻm 83 Đề Thám, hẻm 4 Trần Hưng Đạo, cư xá Kiến Thiết chiếm lĩnh các khu vực, bắt gom nhiều cảnh sát và nhân viên chính quyền Sài Gòn, dùng loa phóng thanh vận động nhân dân làm công sự chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch cho đến khi hết đạn, bị thương và bị bắt vào 11 giờ ngày hôm sau.

Lực lượng vũ trang tuyên truyền và biệt động cánh Hoa vận đánh chiếm tòa Hành chánh Quận 5, cắm cờ Mặt trận Giải phóng và tổ chức đánh địch tới giải tỏa, đến 15 giờ mới rút khỏi mục tiêu sau khi dùng thuốc nổ đánh sập một phần tòa nhà.

Những ngày sau đó, tiếp tục tiến công một số vị trí của địch như Ty cảnh sát, Ty thuế vụ quận 5, bót Bà Hòa... cùng nhân dân nổi dậy làm chủ khu vực Lò Gạch, Lò Gốm, Lò Siêu khóm 1 phường Trang Tử, khóm 6 phường Phú Lâm, diệt một số tên phản động, ác ôn.

Tính chung cả hai đợt trên toàn mặt trận Sài Gòn - Gia Định, lực lượng biệt động đã góp phần loại khỏi vòng chiến đấu 47.000 tên (có một phần lớn quân đội Sài Gòn rã ngũ, đảo ngũ ); tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 21 tiểu đoàn, 97 đại đội quân Mỹ, quân đội Sàì Gòn và quân đồng minh; bắn rơi và phá hủy, hỏng 500 máy bay các loại, 1.480 xe quân sự (có 630 xe tăng và thiết giáp ); thiêu hủy 45 kho bom đạn, xăng dầu, đánh chìm và bị thương 14 tàu chiến và tàu vận tải; đánh sập 19 cầu cống; tiêu diệt, bức hàng, bức rút 150 đồn bót.

Đợt 2 cuộc tiến công Mậu Thân kết thúc ngày 18-6-1968, cũng cơ bản kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định. Biệt động Sài Gòn bước vào giai đoạn mới: giai đoạn củng cố, phát triển lên quy mô lớn để tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn cũng  là một trong những mục tiêu đánh chiếm  của lực lượng  Biệt động vào Xuân Mậu Thân 1968.

3Một tượng đài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ra đời từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Biệt động Sài Gòn xây dựng vả phát triển hoàn thiện về mặt tổ chức, thành một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đứng chân và hoạt động ngay tại thủ đô của chế độ Sài Gòn.

Dựa vào sự hậu thuẫn tuyệt đối của đồng bảo đô thị, với phương châm lợi dụng sơ hở của địch, lấy ít đánh nhiều, tập kích nhanh rút gọn, với lối đánh độc đáo biến hóa, bí mật bất ngờ luồn sâu đánh hiểm, với hành động mưu trí quả cảm, xuất quỷ nhập thần, lực lượng biệt động đã chiến đấu có hiệu quả ngay giữa trung tâm đầu não Sài Gòn, trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ và quân đội Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh.

Hoạt động của họ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng; phá vỡ âm mưu, hạ uy thế và gây hoang mang cho quân địch ngay ở cơ quan chóp bu; kích thích tính thần của quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô và tạo điều kiện cho quần chúng ven đô bung ra đấu tranh với địch; phối hợp nhịp nhàng với các chiến trường trên toàn miền Nam.

Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, lực lượng địch ở miền Nam có gần 50 vạn quân Mỹ, hơn 70 vạn quân đội Sài Gòn và hàng vạn quân đội các nước đồng minh của Mỹ, chúng ưu tiên bố trí lực lượng bảo vệ Sài Gòn ở tất cả các tầng trong và ngoài với 4 sư đoàn Mỹ, 4 sư đoàn quân đội Sài Gòn, 8 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, hàng ngàn khóa sinh quân sự, hàng ngàn thanh niên chiến đấu và nhiều đơn vị cơ giới, binh chủng, quân chủng.

Ở vòng ngoài, có các lữ đoàn 1 và 2 thuộc Sư đoàn bộ binh 25 Mỹ (tại căn cứ Đồng Dù ), Sư đoàn bộ binh 25 quân đội Sài Gòn và nhiều tiểu đoàn biệt động quân, đại dội bảo an ở phía tây bắc; Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ (tại căn cứ Lai Khê ), Trung đoàn thiết giáp 11 Mỹ, Sư đoàn bộ binh 5 quân đội Sài Gòn, hàng chục tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an, lực lượng dân vệ ở phía bắc; các đơn vị đánh thuê Nam Triều Tiên, úc, quân dù Mỹ,  Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn ở phía đông và đông bắc; Các đơn vị thuộc lực lượng tổng trù bị bao gồm hải quân, dù, thủy quân lục chiến và 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh số 9 Mỹ ở phía nam.

Ở vòng trong, ngoài lực lượng bảo vệ trị an lãnh thổ của Biệt khu Thủ đô và cảnh sát dã chiến, địch có 2 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị quân đội Sài Gòn ở các trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tô Hiến Thành, lực lượng bảo vệ căn cứ, hậu cứ các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, chưa kể hệ thống tình báo quân đội, cảnh sát ngầm, mật vụ, chỉ điểm...

Địch từng tự hào "Sài Gòn được bảo vệ đến từng mắt lưới của một chiếc vó cất cá".

Kịch bản cuộc Tổng tiến công được xác định: Lực lượng biệt động bất ngờ áp sát, tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công như đã nêu ở trên. Liền đó, lực lượng của Thành đoàn, các ban, ngành, giới đến tiếp ứng tại các mục tiêu đánh chiếm (Đại sứ quán Mỹ,  Bộ Tư lệnh hải quân mỗi nơi có 200 người, Bộ Tổng Tham mưu có 5.000 người, Tổng nha Cảnh sát có 1.000 người, khám Chí Hòa có 1.000 người...).

Đồng thời, các tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu vào thành phố chiếm giữ các mục tiêu vừa được biệt động đánh chiếm và lực lượng thanh niên, sinh viên bao vây áp chế. Cùng lúc, các đơn vị bộ đội chủ lực Miền tiến công các căn cứ và tiêu diệt dịch ở vòng ngoài, sẵn sàng làm nhiệm vụ thọc sâu; quần chúng nhân dân nổi dậy bức rút đồn bót, giành chính quyền, thành lập ban tự quản cách mạng.

Nhưng thực tế diễn biến của cuộc tổng tiến công trong đợt 1 đã không diễn ra theo kịch bản định sẵn. Biệt động chỉ tiến công được 5 mục tiêu theo kế hoạch (các mục tiêu khác vì nhiều lý do, đơn vị tiến công không tiến sát vị trí đúng thời gian).

Trong 5 mục tiêu ấy, các đơn vị biệt động đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đột nhập, đánh chiếm vị trí được phân công. Tuy nhiên, các tiểu đoàn mũi nhọn, lực lượng quần chúng đã không đến hỗ trợ tiến công và làm chủ mục tiêu như kế hoạch hiệp đồng.

Hầu hết trong số họ đã anh dũng ngã xuống hoặc bị địch bắt trong cuộc chiến đấu đơn độc và không ngang sức giữa thành phố Sài Gòn.

Lịch sử Biệt động Sải Gòn gắn liền với những chiến công mà ý nghĩa của nó vượt qua kết quâ những trận đánh thông thường, hướng tới tầm chỉến dịch, chiến lược và hơn thế.

Trong cuốn sách "Tết", nhà báo Mỹ Don Oberdoiíer, người được trực tiếp chứng kiến những ngày giao tranh khốc liệt của Biệt động Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968 viết: "Tầm quan trọng đầy đủ về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức của những người Mỹ; và dù đối với ai, cách suy nghĩ thế nào, cuộc Tổng tiến công này vẫn là một sự kiện có tính chất bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn của thời đại chúng ta".

Do đặc điểm hoạt động đơn tuyến ở địa bàn sào huyệt của kẻ thù, không ít chiến sĩ biệt động ngày nào chưa được minh định công trạng và tưởng thưởng xứng đáng.

Dù vậy,  những chiến công của họ đã âm thầm lát một viên gạch nhỏ đẫm mồ hôi và máu trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và lịch sử nhấn loại có thêm một cụm danh từ trong bộ Từ điển bách khoa quân sự: Biệt động Sài Gòn !

Bình luận