Chờ...

Cha mẹ nên giải tỏa tâm lý cho con như thế nào khi trượt lớp 10 công lập?

VOH - Sau khi biết điểm thi tuyển sinh, không ít học sinh tỏ ra sốc vì điểm thấp, không thể đậu lớp 10 công lập.

Theo đó, các phụ huynh cũng hoang mang, không biết phải động viên con và động viên chính bản thân mình ra sao trong tình cảnh này.

Chị H.T (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Con buồn vì điểm tuyển sinh thấp, nhưng chúng tôi còn buồn và lo hơn nhiều. Chúng tôi không biết phải động viên con ra sao, cũng không biết phải định hướng con thế nào. Tôi nghĩ đi học nghề thì ít ra con cũng cần có bằng tốt nghiệp THPT, chứ mới tốt nghiệp THCS mà đã đi học, rồi đi làm thì làm làm sao?”.

Anh N.V.C (Quận Bình Tân, TPHCM) cũng bày tỏ sự rầu rĩ khi con thi điểm thấp và không hứng thú với học hành.

Anh cho biết: “Chúng tôi đều học hành đàng hoàng, đều có vị trí nhất định tại nơi làm việc. Trong khi đó, con học hết lớp 9 đã tỏ ra chán học và muốn học nghề. Chúng tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực cho con, nhưng việc cháu không học tiếp, và không muốn học lên đại học khiến vợ chồng tôi chới với. Thực sự không biết phải làm thế nào?”.

thi-toan-070624-2
Một học sinh khóc do không làm được bài thi toán tại kỳ thi lớp 10 năm 2024 tại TPHCM - Ảnh: VOH

Trước sự "bấn loạn" này của không ít phụ huynh, học sinh, thầy Ngô Vĩnh Trường – Hiệu trưởng trường TH-THCS-THPT Tân Phú (Quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Chúng ta cần xác định, đích cuối cùng của việc học tập của con chính là gì: một việc làm phù hợp với mức lương thu nhập tốt, sự trưởng thành của con trong suy nghĩ và hành động, kỹ năng sống tương ứng với độ tuổi, bằng cấp được công nhận… Và để đi đến cuối cùng đích đến ấy, chúng ta có rất nhiều cách và nhiều con đường để con đạt được”.

Theo thầy Ngô Vĩnh Trường, hiện nay, tại các thành phố lớn, nhiều phụ huynh sẵn sàng lựa chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực riêng biệt của con, phù hợp với điều kiện của gia đình và định hướng học tập – mà không nhất thiết là phải học lớp 10 các trường công lập.

Trước mắt, phụ huynh cần giải tỏa tâm lý, áp lực thi cử và thấu hiểu sự lựa chọn về nghề nghiệp của con em mình. Sau đó, chính phụ huynh cũng cần hiểu về sự đa dạng hóa nghề nghiệp, chủ trương chung của nhà nước cũng như tình hình thị trường lao động trong tương lai để giải thích và trấn an con.

dinh-huong-nghe-nghiep-260624
Một giờ học ngoại khóa của học sinh trường TH-THCS-THPT Tân Phú

Thầy Nguyễn Hồ Trung – Hiệu trưởng trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng: giai đoạn thi vào 10 hay chọn lựa hướng đi sau THCS ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp và tương lai các em sau này, nên còn được gọi là giai đoạn bản lề.

Đặc điểm của giai đoạn bản lề là học sinh có nhiều lựa chọn, mỗi lựa chọn có tính chất quyết định, ảnh hưởng tương lai và vì thế dễ gây lo âu, bối rối.

Thầy Nguyễn Hồ Trung chia sẻ: “Ngay từ đầu, phụ huynh cần cùng tìm hiểu và cung cấp cho con em mình thông tin về các chương trình học như THPT (công lập, tư thục), trung cấp nghề, cao đẳng nghề... trong khả năng để gia đình có đủ dữ liệu cùng đưa ra các quyết định sáng suốt, tôn trọng và hạn chế áp đặt vì đặc thù tâm lý lứa tuổi”.

Thầy Trung cho rằng, phụ huynh cũng cần thấu hiểu và đồng hành cùng con cái bởi “mỗi đứa trẻ đều có năng lực, sở thích và định hướng riêng nhưng để khám phá bản thân thành công, trẻ rất cần thời gian trò chuyện, lắng nghe và đối thoại chất lượng với người lớn. Hãy cho các em biết rằng, cha mẹ luôn bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ và động viên con trong mọi quyết định quan trọng, bao gồm cảm nhận lo lắng, hay cả lựa chọn hướng đi sau kết quả thi tuyển sinh lần này”.

Hiện nay, có rất nhiều hướng đi cho các em học sinh thi trượt lớp 10 công lập, chẳng hạn như học trường THPT tư thục, học hệ giáo dục thường xuyên, học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng…

Do đó, khi con trượt lớp 10 công lập, ngoài việc động viên, cổ vũ tinh thần các con, phụ huynh và bản thân học sinh cần ngồi lại để trò chuyện, thấu hiểu nhau và cũng đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn của các em và điều kiện gia đình.

Bình luận