Chờ...

Chi phí cho sinh viên tại Đại học Quốc gia TPHCM bao nhiêu 1 năm?

(VOH) - So với khu vực, năm 2018, chi phí cho công tác đào tạo 1 sinh viên/năm gần 28 triệu đồng, đối chiếu với kinh phí bình quân cho 1 sinh viên đại học tại Singapore khoảng 350 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sáng nay, 08/01, Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đề xuất cần có chủ trương tập trung nguồn vốn đầu tư cho một số đại học, nhất là các Đại học Quốc gia, Đại học vùng...để sớm trở thành các đại học lớn mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hải (đứng) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc Hội phát biểu tại buổi làm việc 

Ông Nguyễn Đức Hải (đứng) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc Hội phát biểu tại buổi làm việc 

Lãnh đạo ĐHQG-HCM cho hay, trong các năm 2016, 2017 và 2018, tỷ lệ giữa vốn ngân sách Nhà nước cấp so với tổng kinh phí của ĐHQG-HCM có xu hướng giảm dần về mức dưới 30%. So với chi phí đào tạo của một số trường trong nước với cùng nhóm ngành đào tạo, chi phí bình quân cho công tác đào tạo của ĐHQG-HCM còn thấp so với mặt bằng chung.

So với khu vực, năm 2018, chi phí cho công tác đào tạo 1 sinh viên/năm gần 28 triệu đồng, đối chiếu với kinh phí bình quân cho 1 sinh viên đại học tại Singapore khoảng 350 triệu đồng. Như vậy, chi phí này chưa hoàn toàn tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Chính phủ về ĐHQG-HCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, với những thành tích mà ĐHQG-HCM trong thời gian vừa qua, đã cho thấy cơ hội và tiềm năng phát triển nhưng cũng đầy thách thức trong môi trường cạnh tranh với các đại học trong khu vực. Ông cũng đồng quan điểm với đề nghị của ĐHQG-HCM là Ngân sách nhà nước tiếp tục cần ưu tiên đầu tư cho Đại học Quốc gia, tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư khoa học công nghệ.

"Về cơ chế tự chủ tài chính, tôi đề nghị cần tính đến các phương án cụ thể, vì chính nhờ vấn đề này mà chúng ta xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Các đại học khác tồn tại được, mình cũng phải tồn tại được theo cơ chế thị trường, giảm dần sự cấp phát theo Ngân sách nhà nước và theo lộ trình. ĐHQG-HCM phải xây dựng lộ trình cụ thể, trong khi triển khai vấn đề này theo chỉ đạo của Thủ tướng thì tất cả phải xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020”, ông Hải đề nghị.

Bình luận