Chờ...

Chương trình Sữa học đường (Hà Nội): Quyết làm tốt ngay từ những ngày đầu triển khai

(VOH) - Hà Nội là địa phương có đông học sinh nhất cả nước, do vậy việc triển khai Chương trình sữa học đường cũng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư rất lớn về công sức và ngân sách của thành phố.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND Thành phố Hà Nội, đề án Sữa học đường Hà Nội đã được thực hiện quyết liệt, bài bản, chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định ngay từ những ngày đầu.

Không để phụ huynh hoang mang bởi thiếu thông tin

Ngay sau khi chọn được đơn vị cung cấp sữa học đường đủ uy tín và giá trị pháp lý, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông  Ngô Văn Quý đã chỉ đạo cần triển khai ngay từ ngày 1.1.2019 để trẻ em Hà Nội sớm được hưởng ý nghĩa nhân văn của Chương trình này.

Chỉ sau 1 tháng thực hiện, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình. Đánh giá chung của Sở GD- ĐT Hà Nội, 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn Thành phố đã  tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, hợp tác làm tốt các bước chuẩn bị và cho trẻ uống sữa đảm bảo an toàn ngay từ ngày đầu tiên. Học sinh mầm và tiểu học  hàng ngày đến trường được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn; ngoài việc được nuôi dưỡng khoa học, trẻ uống sữa còn được giáo dục về dinh dưỡng và ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường…

Sở GD-ĐT cũng yêu cầu, mỗi cơ sở giáo dục đều phải thực hiện nghiêm túc tất cả các quy trình; hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng sữa chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho trẻ uống sữa, chủ động bố trí nơi để sữa đảm bảo an toàn.

Chương trình Sữa học đường

Trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội là một trong những trường có kế hoạch rất cụ thể, bài bản và chặt chẽ trong công tác giao, nhận sữa trước và sau khi cho trẻ uống sữa

Chỉ sau 3 tháng triển khai, toàn thành phố đã có gần 90% với gần 1 triệu trẻ em trong độ tuổi tham gia Chương trình Sữa học đường, trong đó tỉ lệ này ở nhiều cơ sở giáo dục lên tới 100%.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Phụ huynh học sinh đã được tuyên truyền và hiểu đầy đủ về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, ý nghĩa nhân văn và lợi ích của Chương trình Sữa học đường, tự nguyện cho con tham gia, giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Nhờ vậy, đến nay, quận Hoàn Kiếm có tới  98% học sinh mẫu giáo, tiểu học tham gia Chương trình.

Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT cũng luôn yêu cầu các trường học trên địa bàn công khai và mời phụ huynh học sinh tham gia vào quá trình kiểm soát thực phẩm nói chung và sữa học đường nói riêng để tạo sự tin tưởng tuyệt đối khi gửi con tại các trường học, bà Hương Giang nói.

Tương tự, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đến thời điểm này, số học sinh đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường là 96%, tăng gần 10% so với thời điểm mới triển khai Chương trình.

Theo ông Vũ, quan điểm của lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Tây Hồ là ở nơi nào phụ huynh chưa hiểu và thiếu thông tin về Chương trình ông sẵn sàng trực tiếp đến để lắng nghe và giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, với tinh thần mọi phụ huynh đều có quyền có thông tin chính xác, đầy đủ nhất về chương trình, sau đó lựa chọn hay không là quyền của họ. Không có bất cứ sự áp đặt nào, nhưng các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm triển khai đến phụ huynh và cung cấp thông tin chuẩn xác thay vì để phụ huynh nghe những nguồn tin chưa được kiểm chứng và hoang mang không đáng có.

Chương trình Sữa học đường
Thạc sĩ-Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, Bộ tế cho biết bổ sung vi chất vào sữa học đường dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng
Thạc sĩ-Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng - Bộ tế  khẳng định: Việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng đã được áp dụng trên thế giới từ rất lâu. Việc bổ sung các vi chất vào sữa học đường đang áp dụng ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác  với hàm đã được khuyến nghị của Tỏ chức Y tế thế giới đối với trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Dựa trên công thức này chúng tôi đã xây dựng các công thức để tăng cường vi chất dinh dưỡng kết hợp với sản phẩm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Ưu việt của chương trình Sữa học đường là có độ bao phủ cao, giá thành được hỗ trợ rất nhiều lại có sự chung tay, hỗ trợ, giám sát của nhiều lực lượng…

Nhiều phòng GD-ĐT và các nhà trường cũng tâm niệm, việc giải đáp kịp thời những  băn khoăn thắc mắc của phụ huynh phải đồng hành cùng với suốt quá trình triển khai Chương trình chứ không chỉ theo thời điểm. Ví dụ, thời gian gần đây dư luận nổi lên những thông tin chưa được kiểm chứng về những vi chất đưa vào sữa học đường liệu có cần thiết và đảm bảo an toàn hay không thì các nhà trường và phòng GD-ĐT đã đưa lên trang web của trường hoặc gửi email tới từng cha mẹ học sinh, dán lên bảng thông báo của các trường… văn bản giải thích cặn kẽ với đầy đủ căn cứ khoa học và pháp lý từ phía nhà cung cấp sản phẩm để các bậc phụ huynh và học sinh có đầy đủ thông tin và thêm vững tin về sữa học đường mà con em mình uống mỗi ngày

Chương trình được thực hiện bằng cái tâm với trẻ em

Về phía các nhà trường, sự chủ động và trách nhiệm của nhà trường với từng hộp sữa học sinh uống mỗi ngày là điều dễ nhận thấy nhất sau 3 tháng chương trình đi vào thực tế. Chỉ cần lắng nghe chia sẻ của một số trường sẽ thấy họ gửi gắm rất nhiều tâm huyết, trách nhiệm vào chương trình này chứ không phải chỉ làm vì nhiệm vụ đơn thuần.

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội thì cho hay: Việc uống sữa học đường của học sinh được ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm giám sát chặt chẽ, các con uống hết phần sữa và rất hào hứng… “Vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được nhà giáo làm bằng chính cái tâm của mình, mỗi khi thấy các con học sinh ngày một trưởng thành, tự tin và khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi”, bà Liên chia sẻ.  

Chương trình Sữa học đường

Nhiều trường tại Hà Nội, số học sinh được bố mẹ đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường đã nhanh chóng “cán mốc” 96% đến 100% bởi chính nhờ chất lượng và uy tín được kiểm chứng sau khi chương trình triển khai thực tế.

Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu thì cho biết chỉ sau 1 tháng, số học sinh được bố mẹ đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường đã nhanh chóng “cán mốc” 100% bởi chính nhờ chất lượng và uy tín được kiểm chứng sau khi chương trình triển khai thực tế. Những phụ huynh ban đầu e dè nhưng sau đó cũng đã tự nguyện đăng ký tham gia bởi họ cảm nhận được sự vui thích, hào hứng của trẻ khi uống sữa học đường.

Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy, có kế hoạch rất cụ thể, bài bản và chặt chẽ trong công tác giao, nhận sữa trước và sau khi cho trẻ uống sữa. Ban giám hiệu nhà trường thông tin: Ngay từ những ngày cuối tháng 12.2018, trường đã bố trí khu nhà kho chứa sữa đảm bảo theo đúng yêu cầu về quy cách bảo quản, phân công nhân viên có sổ theo dõi việc giao nhận sữa trên bếp cũng như kiểm đếm lại vỏ hộp sau khi trẻ uống sữa xong. Hàng ngày, các lớp có sổ theo dõi riêng. Theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện còn có nhân viên bếp, nhân viên y tế, ban giám hiệu và một thành phần không thể thiếu là ban đại diện cha mẹ học sinh.

 

So sánh giá trị trung bình các chỉ tiêu trên nhãn sản phẩm Sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 100% Sữa tươi - Học đường với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam hoàn toàn phù hợp. Ví dụ, chỉ tiêu Kẽm trong giá trị trung bình trên nhãn sản phẩm 100ml là 1,2mg thì giá trị trung bình theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong 100ml cũng là 1,2mg. Chỉ tiêu này trong dự thảo Sữa học đường với 100ml là 1,1 - 1,6mg. Mức chỉ tiêu này trong một hộp sữa 180ml đáp ứng 52,7% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, đáp ứng 42,4% cho độ tuổi từ 4 - 6 tuổi, 38,6% cho độ tuổi từ 7 - 9 và 22,3% cho độ tuổi từ 10 - 12 tuổi.
Tương tự, các chỉ tiêu các về khoáng chất và vitamin được Vinamilk bổ sung trong sữa học đường đều nằm trong mức yêu cầu của dự thảo sữa học đường và phù hợp với giá trị trung bình theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc gia trong 100ml sữa.
Bình luận