Chờ...

Chương trình sữa học đường: Nếu phụ huynh thấy lợi ích thì tham gia

(VOH) - Từ ngày 1/11/2019, Chương trình Sữa học đường chính thức triển khai trên địa bàn TPHCM.

Hơn 250.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 của 10 quận, huyện gồm: Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh sẽ được uống sữa mỗi ngày. Phóng viên VOH có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

*VOH: Kế hoạch triển khai chương trình sữa học đường đến nay đã được thực hiện như thế nào? 

Bà Bùi Thị Diễm Thu: Chương trình sữa học đường của TPHCM bắt đầu triển khai từ giữa tháng 10/2019, khi có kết quả đấu thầu chọn nhà cung cấp sữa cho học sinh mẫu giáo và tiểu học của 10 quận huyện.

Về công tác chuẩn bị, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình có những clip, chương trình để tuyên truyền đến tất cả người dân thành phố.

Chúng tôi cũng phối hợp với Vinamilk tập huấn cho hiệu trưởng các trường mầm non, nhân viên y tế, giáo viên phụ trách công tác phát sữa và đại diện phụ huynh của các trường. Tập huấn thực hiện liên tục trong 3 ngày 28,29&30/10. Đây là chương trình có tính nhân văn cao thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cho nên thành phố và các sở ban ngành chỉ đạo, phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo rất chặt chẽ.     

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Ảnh: Tuyết Nhung

* VOH: Thành phố kỳ vọng về sự chuyển biến thể lực, thể chất và chiều cao của học sinh thông qua chương trình Sữa học đường như thế nào?

Bà Bùi Thị Diễm Thu: Thực sự ở TPHCM chúng tôi chỉ thực hiện trong thời gian rất ngắn. Chương trình sẽ chính thức triển khai từ 1/11/2019 đồng loạt trên cả 10 quận huyện cho học sinh mầm non và tiểu học. Cũng như các địa phượng khác, chúng tôi kỳ vọng qua chương trình này, trong thời gian nhất định, sẽ giảm bớt tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, cải thiện được chiều cao và thể trạng học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này phải thực hiện trong khoảng thời gian dài. HĐND TP chỉ đồng ý thực hiện thí điểm ở 10 quận huyện trong học kỳ 1. Sau học kỳ 1 sẽ có đánh giá. Nếu tình hình triển khai ổn định, được sự đồng thuận cao của phụ huynh, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu và thực hiện trong những năm tiếp theo.

 * VOH: Chương trình dự kiến sẽ có sự đóng góp của các bên như ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và đóng góp của phụ huynh. Mức đóng góp này được thực hiện như thế nào để tạo được sự đồng thuận chung cho toàn xã hội?

Bà Bùi Thị Diễm Thu: Thực hiện Chương trình sữa học đường, giá trị của mỗi hộp sữa được sự đóng góp của 3 bên: Nhà nước 30%, doanh nghiệp 20% và phụ huynh 50%.

Với giá sữa trúng thầu của công ty Sữa Việt Nam là 6.050 đồng. Nhà nước sẽ đóng góp 1.815 đồng/hộp, phụ huynh đóng 3.025 đồng/hộp. Phần còn lại (1.210 đồng) doanh nghiệp sẽ hỗ trợ.

Ngoài ra, đối với học sinh hộ nghèo, cận nghèo sẽ được miễn phí hoàn toàn. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Chúng tôi chọn thí điểm chương trình ở những quận huyện có nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt những quận huyện có khu công nghiệp- khu chế xuất để hỗ trợ cho con em công nhân.   

* VOH: Nếu thí điểm thành công, chương trình sẽ triển khai rộng rãi tại các trường, với số lượng lớn, công tác giám sát chất lượng sữa học đường như thế nào để đảm bảo quy chuẩn, chất lượng tốt nhất cho trẻ?

Bà Bùi Thị Diễm Thu: Chuẩn và dinh dưỡng sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố không quy định chuẩn riêng cho chương trình sữa học đường. Theo đề án, yêu cầu sữa phải là sữa tươi, nhà cung cấp phải cung cấp theo cam kết của hợp đồng. Tuy nhiên để giám sát thực hiện, theo kế hoạch công ty Vinamilk sẽ ký hợp đồng trực tiếp với từng trường tiểu học và mầm non công lập, để  các trường giám sát việc cung cấp sản phẩm. Đối với các trường ngoài công lập, các lớp mẫu giáo độc lập tư thục, phòng giáo dục và đào tạo sẽ đứng ra hợp đồng, phân phối lại cho các đơn vị này. Chúng tôi cũng yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát công tác này. Mỗi quận huyện đều có  Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường cho nên cũng chủ động trong việc giám sát.

* VOH: Kinh tế phát triển, phụ huynh cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn cho con như sữa hữu cơ, sữa ngoại nhập... như vây việc tham gia chương trình có là bắt buộc, phụ huynh có thể có những lựa chọn khác?

Bà Bùi Thị Diễm Thu: Chương trình Sữa học đường đặt trên nền tảng sự tự nguyện. Trước khi thực hiện, chương trình cũng đã khảo sát, xin ý kiến của phụ huynh. Qua đó, chương trình nhận được sự quan tâm của phụ huynh nên chúng tôi triển khai thực hiện đề án.

Tuy nhiên, với những phụ huynh có nhu cầu khác cao hơn cho con mình, hoặc những học sinh có dị ứng với sữa, không tham gia chương trình cũng không sao. Chương trình có sự hỗ trợ từ nhà nước doanh nghiệp, nếu phụ huynh thấy lợi ích thì tham gia thôi.

Đây là chương trình giàu tính nhân văn, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, mong phụ huynh quan tâm tham gia để tất cả học sinh thành phố đều được hưởng các lợi ích này.   

* VOH: Xin được cảm ơn bà!

Tập huấn triển khai đề án sữa học đường tại TPHCMSáng 28/10, Sở GDĐT TPHCM đã phối hợp cùng Cty sữa VN Vinamilk tổ chức buổi tập huấn trong 3 ngày cho gần 5.000 đại biểu là Ban Giám hiệu, cán bộ y tế các trường mầm non và tiểu học ...
                                              
Bình luận