Chờ...

Chuyển đổi số giáo dục vùng Đông Nam bộ: “Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị”

VOH - Sáng 9/11, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam bộ, với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị”.

Từ 2018 ngành giáo dục đã triển khai số hoá cơ sở dữ liệu. Năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay, tỷ lệ này đạt 98% trên bình diện cả nước.

Tại hội thảo các chuyên gia cũng xác định việc kết nối chia sẻ dữ liệu sẽ có tần suất liên tục thậm chí từng phút, từng giây như: nhu cầu dữ liệu khẩu phần ăn, dữ liệu tuyển sinh, hạnh kiểm học sinh… Tuy nhiên, hiện các sở giáo dục đào tạo gặp khó khăn trong kết nối cơ sở dữ liệu.

Chuyển đổi số giáo dục vùng Đông Nam bộ: “Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị” 1
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Tuyết Nhung

Theo ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đã thực hiện 100% sổ điểm điện tử từ năm học 2017-2018, hoàn tất 80% học bạ điện tử và đang triển khai thực hiện chữ ký số cho 100% giáo viên.

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, hiện địa phương này đang gặp khó khăn trong kết nối dữ liệu ngành: "Tỉnh sử dụng nhiều phần mềm quản lý học sinh, quản lý đội ngũ giáo viên, quản lý cơ sở vật chất… từ năm 2012. Nhưng hiện nay gặp khó khăn đó là trục liên thông các phần mềm này lại".

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết trước đây thành phố cũng gặp phải vấn đề này kết nối khi các đơn vị nhập dữ liệu theo các phần mềm ứng dụng khác nhau. Sau khi có sự thống nhất, có quyết định của Bộ về chuẩn cơ sở dữ liệu, TPHCM hướng dẫn các trường thực hiện, từ đó xây dựng được hệ dữ liệu thống nhất. Khi có cơ sở dữ liệu đủ mạnh, các trường sẽ thụ hưởng lợi ích từ các dữ liệu này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng khi học liệu số được mở rộng chia sẻ, sẽ mang lại lợi ích, những bài dạy tinh tuý được lan toả mang đến hiệu quả cao trong giáo dục: "Khi có được cơ sở dữ liệu đầy đủ; đủ mạnh, sẽ giúp giảm cường độ lao động của giáo viên. Đây cũng là một mục tiêu của ngành.”

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kết nối dữ liệu đóng vai trò ra quan trọng. Chẳng hạn, khi cơ sở dữ liệu ngành kết nối với  cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, sinh viên ra trường, đi làm ở đâu, thu nhập thế nào, sẽ là cơ sở đánh giá hiệu quả đào tạo các trường. Ông lưu ý, bên cạnh việc khai thác, các địa phương cần lưu ý an toàn cơ sở dữ liệu.

“Nguyên tắc đầu tiên là phải làm chủ hệ thống, đảm bảo các quy định của nhà nước. Đồng thời, phải giải quyết được bài toán kết nối từ các trường học, trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu của tỉnh, thành phố mình. Những phần mềm quản trị nhà trường phải tuân thủ quy định về chuẩn dữ liệu và kết nối được. Khi đó, các địa phương mới cho phép thực hiện.” - Ông Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị,  kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Việc các địa phương cùng ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số trong giáo dục thể hiện sự chung tay phát huy sức mạnh Vùng.

Ông Dương Anh Đức, khẳng định: Vùng Đông Nam bộ rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực mới. Hạ tầng số là một trong nhưng lĩnh vực mà thời gian qua TPHCM cùng các tỉnh thành bạn đang tập trung phát triển. Rất tự hào khi hạ tầng số của ngành giáo dục TPHCM qua quá trình đầu tư, đã có những bước củng cố, phát triển rõ nét.

Chuyển đổi số giáo dục vùng Đông Nam bộ: “Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị” 2
Sở GDĐT TPHCM ký kết hợp tác với Sở GDĐT các tỉnh Đông Nam bộ - Ảnh: Tuyết Nhung

Tại Hội nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh đã ký kết  thỏa thuận hợp tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. 

Bình luận