Chờ...

ĐHQG-HCM hướng đến Đại học thông minh trong lòng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM

(VOH) - Đến năm 2030, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trở thành Khu đô thị đại học xanh, thông minh và thân thiện.

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể phát triển ĐHQG-HCM được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQG-HCM khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Song song đó, đến năm 2030, ĐHQG-HCM vươn tới nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên VOH phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

huong-den-dai-hoc-thong-minh-trong-long khu-do-thi-sang-tao-tuong-tac-cao-phia-dong-tphcm-voh.com.vn-anh1
 

 

Phóng viên Thùy Linh phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.

*VOH: Định hướng đến năm 2030, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trở thành Khu đô thị đại học xanh, thông minh và thân thiện, là một tmục tiêu cụ thể phát triển ĐHQG-HCM được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQG-HCM khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đây là sự kết tinh của những thành tựu mà đơn vị gầy dựng trong thời gian qua, theo ông đó là những điểm nhấn nào?

- PGS.TS Vũ Hải Quân: Theo tôi, thành tựu của ĐHQG-HCM trong nhiệm kỳ qua là khá toàn diện, vừa khẳng định được vị thế của mình vừa góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào hệ thống các trường đại học tiên tiến của khu vực và thế giới.

Từ năm 2016-2019, ĐHQG-HCM đã đào tạo, cung cấp cho thành phố nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung khoảng 60.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; đảm bảo về chất lượng cũng như phẩm chất đạo đức. Đồng thời, ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong cả nước về kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học với 66 chương trình đạt chuẩn quốc tế gồm ABET, AUN-QA, ICT, FIABAA, ACBSP; vươn từ Top 39,6% lên Top 25,7% của các đại học xuất sắc nhất châu Á, Top 1001+ theo THE và nhiều thành tích xếp hạng vượt trội khác.

Về nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2016-2019, ĐHQG-HCM đã công bố trên 20.000 công trình tại các hội nghị, trên các tạp chí trong và ngoài nước. Trong đó, có trên 5.400 bài báo được đăng trên ISI/Scopus, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015. Riêng số bài báo ISI Q1 đạt trên 50%, cao hơn trung bình cả nước là 40%, đạt chỉ tiêu mà Thủ tướng giao vào cuối năm 2016.

Cũng trong giai đoạn này, ĐHQG-HCM thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. ĐHQG-HCM đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ 458 đơn, 180 đơn đã được cấp bằng; trong đó, hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng, ĐHQG-HCM đã ký kết nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học đưa các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu và hiệu quả tại các tỉnh ở 4 khu vực: khu vực miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định…), khu vực Tây nguyên (Lâm Đồng, Đăk Nông…), khu vực Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương…), khu vực Tây Nam bộ (Bến Tre, An Giang…). Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng chủ trì triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* VOH: Là một trong 3 hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM, theo ông, ĐHQG-HCM đóng góp những gì để phát triển khu đô thị này?

- PGS.TS Vũ Hải Quân: Tôi cho rằng trước hết là đóng góp về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ bám sát các chương trình đột phá của thành phố, các giải pháp của thành phố được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ của thành phố, như Chương trình đào tạo nguồn nhân lực quốc tế, phát triển đào tạo về các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị.

Trụ cột thứ hai về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năng lực nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM phát triển không ngừng trong thời gian qua, cụ thể như xuất bản một lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học, đăng ký bằng phát minh sáng chế ở nước ngoài, có một số sản phẩm ứng dụng đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Về đổi mới sáng tạo, thông qua Khu Công nghệ phần mềm, ĐHQG-HCM đã, đang và sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây. Khu Công nghệ phần mềm sẽ là đầu mối để các thầy cô và sinh viên trong hệ thống ươm tạo các sản phẩm của mình. Mặt khác ĐHQG-HCM sẽ kết nối Khu Công nghệ phần mềm với Khu Công nghệ cao của thành phố để phát triển, mở rộng, ứng dụng sản phẩm.

Trụ cột thứ ba về hạ tầng thông tin. Liên quan hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, ĐHQG-HCM tham gia theo nhiều cách. Ví dụ, ĐHQG-HCM cùng thành phố xây dựng các chính sách để phát triển hạ tầng thông tin, tham gia phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả.

Trụ cột thứ tư liên quan thể chế chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển. Ví dụ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn với các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch hay các sản phẩm về nông thôn mới.  Trường Đại học Kinh tế - Luật hình thành các nhóm nghiên cứu liên quan tài chính, ngân hàng,...

Như vậy, với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức đó, ĐHQG-HCM đang chủ động tích cực tham gia quá trình hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông này.

*VOH: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQG-HCM khóa VI xác định mục tiêu cụ thể phát triển ĐHQG-HCM là đến năm 2025, ĐHQG-HCM bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; là khu đô thị đại học xanh, thân thiện, hướng đến phát triển bền vững. Đến năm 2030, ĐHQG-HCM vươn tới nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy, đâu là giải pháp để thực hiện được thắng lợi mục tiêu này?

- PGS.TS Vũ Hải Quân: Nghị quyết Đảng bộ ĐHQG-HCM đưa ra nhiều giải pháp đột phá và đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu trên. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh các giải pháp về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo đó, ĐHQG-HCM phấn đấu triển khai 12 chương trình đào tạo (CTĐT) song bằng giữa các cơ sở đào tạo trong hệ thống ĐHQG-HCM (được cấp 2 bằng của 2 cơ sở đào tạo). Đồng thời, 100% cơ sở đào tạo trong hệ thống ĐHQG-HCM công nhận lẫn nhau về môn học, tín chỉ trong CTĐT đại học và sau đại học. Ngoài ra, kết thúc giai đoạn 2020-2025, 35 CTĐT của ĐHQG-HCM sẽ được kiểm định, trong đó 20 chương trình được kiểm định mới và 6 đơn vị đào tạo được kiểm định cấp cơ sở giáo dục.

Về khoa học công nghệ, ĐHQG-HCM xây dựng và ban hành Quy chế liên kết hợp tác ĐHQG-HCM - Doanh nghiệp - Địa phương và Quy chế sử dụng chung các phòng thí nghiệm nghiên cứu trong ĐHQG-HCM. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng gấp 3 số bài báo quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus/Web of Science (đạt 15.000 bài) và số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích (5 phát minh sáng chế quốc tế và 10 giải pháp hữu ích quốc tế) so với giai đoạn 2016-2020 và đưa Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ vào danh mục Scopus.

ĐHQG-HCM hình thành 10 nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và Trung tâm xuất sắc tương đương khu vực châu Á và thế giới; đạt trên 10 dự án nghiên cứu liên ngành hợp tác doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận