Chờ...

Điểm chuẩn lớp 10 năm 2021 TPHCM: dự đoán tăng

(VOH) - Việc thay đổi phương án xét tuyển dựa trên điểm học bạ 3 môn Văn - Toán - Anh của năm học lớp 9 được xem là lựa chọn tối ưu nhất trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trường phổ thông thuộc các trường đại học công bố điểm chuẩn các trường chuyên lớp chuyên với số điểm khá cao, một số giáo viên, nhà quản lý giáo dục đã có những dự đoán sơ lược về điểm chuẩn lớp 10 theo 3 nguyện vọng.

>> TPHCM công bố điểm chuẩn lớp 10 năm 2021 của 108 trường THPT

Điểm chuẩn lớp 10 và cơ hội học tập cho con em trong mùa dịch 1
Ảnh minh họa TTO

 Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay toàn Thành phố có hơn 83.000 thí sinh tham gia xét tuyển. Việc thay đổi phương án xét tuyển dựa trên điểm học bạ 3 môn Văn - Toán - Anh của năm học lớp 9 được xem là lựa chọn tối ưu nhất trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, phân tích phổ điểm chung của điểm xét tuyển lớp 10 của thí sinh toàn thành phố, nhà giáo Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường Trung học phổ thông Marie Curie, Quận 3 cho rằng điểm xét tuyển của thí sinh khá cao. Thống kê có khoảng 11.000 thí sinh trên 9 điểm môn Toán, gần 4.000 thí sinh trên 9 điểm môn Văn và khoảng 10.000 thí sinh trên 9 điểm môn Ngoại ngữ. Vì vậy, ông ước tính có ít nhất 4.000 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn trên 27 điểm. Thông thường các em có học lực tốt sẽ lựa chọn nguyện vọng 1 vào các trường top đầu. Vì vậy, giáo viên Trần Văn Toàn dự tính điểm chuẩn các trường tốp trên như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Trần Phú... phải từ 27 trở lên, tương đương mức điểm trung bình mỗi môn phải từ 9 điểm. Mức chênh lệch giữa các trường tốp trên, tốp giữa và tốp dưới khoảng 3 điểm.

Thực tế, một số trường trung học cơ sở có truyền thống đào tạo học sinh giỏi có khuynh hướng cho đề kiểm tra trên lớp khó và đòi hỏi mức độ hoàn thành của học sinh cao hơn, nên để đạt điểm cao ở các trường này khó hơn so với một số trường trung học cơ sở khác. Vì vậy, xét tuyển bằng điểm học bạ tồn tại đôi chút bất cập. Tuy nhiên, giáo viên Trần Văn Toàn cho đây là lựa chọn hợp lý trong tình hình dịch bệnh như hiện nay: "Điểm chuẩn của mỗi trường còn phải căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký vào trường. Vì vậy, điều may mắn là các em đã đăng ký nguyện vọng trước khi thành phố đưa ra giải pháp xét tuyển bằng học bạ. Do vậy, tránh được tình trạng số đông những em có học lực vừa phải lại đăng ký vào các trường lớn. Cơ bản, phần lớn các em đăng ký nguyện vọng phù hợp với sức học thực tế."

Cùng dự báo điểm chuẩn lớp 10 sẽ tăng cao, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, Thành phố Thủ Đức, phân tích phổ điểm xét tuyển lớp 10 năm nay tăng hơn so với các năm trước do tính điểm học bạ 3 môn Văn - Toán - Anh. Nếu các năm trước phổ điểm thí sinh tập trung ở mức 6.5 đến 7.5, số điểm trên 8 khá hạn chế, thì năm nay điểm xét tuyển tập trung ở khoảng 7.5 đến 8.5 điểm, nhiều em có điểm trên 8.5. Vì vậy, Phó Hiệu trưởng này dự đoán điểm xét tuyển năm nay sẽ tăng. Trong đó, các trường tốp đầu như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Trần Phú... thí sinh phải có điểm xét tuyển trên 27 điểm, bình quân 9 điểm mỗi môn, mới có khả năng trúng tuyển. Các trường tốp giữa như Hùng Vương, Nguyễn Thị Diệu... dự kiến có điểm chuẩn ở mức  khoảng 24-25 điểm. Ông Phạm Phương Bình cho rằng: "Một số trường tốp dưới, trường ở khu vực khó khăn như Trường Long Trường, Phước Kiểng... những trường trước đây thí sinh chỉ đạt khoảng 15-16 điểm đã trúng tuyển, thì năm nay điểm xét tuyển các trường này cũng sẽ tăng lên do điểm học bạ của các em cao hơn (so với trường hợp điểm thi tuyển sinh). Nhìn nhận tổng thể, điểm chuẩn năm nay có thể tăng vì phương án xét tuyển đã thay đổi. Thứ hai, điểm chuẩn chênh lệch giữa các trường tốp đầu, tốp giữa, tốp cuối không đáng kể, chênh nhau từ 3 đến 4.5 điểm".

Điểm xét tuyển dựa theo điểm học bạ nên mức độ phản ảnh học lực của thí sinh cũng không hoàn toàn tương đồng, khi phụ thuộc vào từng giáo viên, định hướng đào tạo của từng trường lại không có chung một chuẩn mực đo lường như bài kiểm tra  theo ma trận đề. Không ít học sinh tập trung ôn luyện chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh mà không tập trung nhiều vào kết quả học tập trên lớp. Khi đặt các nguyện vọng các em cũng dự tính theo năng lực thi tuyển của mình để quyết định. Vì vậy, khi thay đổi phương án tuyển sinh, số học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường không hẳn đều có mức điểm xét tuyển học bạ phù hợp. Vì vậy, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10, mức điểm chuẩn giữa các trường thực ra không quá chênh lệch, cũng như không thể khẳng định có sự đột phá của trường tốp trên, tốp giữa hay tốp dưới. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân, không ít học sinh thuộc gia đình con em công nhân, người lao động mất việc làm, gặp khó khăn trong đại dịch. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cho rằng: "Nếu được, chúng ta nên mở rộng chỉ tiêu ở mỗi trường để có thể thu nạp được số lượng học sinh nhiều hơn, để những trường hợp học sinh khó khăn do dịch bệnh có thêm cơ hội học tập. Trong tình cảnh này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nghiên cứu đưa ra mức trần học phí để người dân chọn lựa trường tư thục cho con em học tập cũng sẽ an tâm hơn. Học sinh nghèo thì có chỗ học." 

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 là kỳ tuyển sinh có nhiều xáo trộn. Những thay đổi chẳng đặng đừng nhưng lại là lựa chọn hợp lý, an toàn nhất trong bối cảnh hiện tại. Cân nhắc giữa những điểm hạn chế của xét tuyển và việc an toàn của con em, tin chắc rằng hầu hết người làm cha mẹ đều cũng có chung lựa chọn. Tuy nhiên, việc gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh, ổn định mức chi phí đầu tư cho con em học tập cũng được xem là sự hỗ trợ gián tiếp cho từng gia đình người dân sau dịch bệnh.

Bình luận