Chờ...

Định hình trường học thông minh nơi thành phố thông minh

(VOH) - Việc quản lý sự hiện diện hay vắng mặt của hàng ngàn học sinh trong một ngôi trường đang ngày càng trở nên dễ dảng với sự trợ giúp của công nghệ.

Bạn có bao giờ yêu cầu, chỉ cần con mình vắng mặt không lý do trường học sẽ có tin nhắn hay thông báo gửi đến bạn ngay trong ngày. Không chỉ vậy, phụ huynh còn có thể quản lý việc chi tiêu của con cái, xem con đã mua những gì trong căn-tin nhà trường, thậm chí là các cửa hàng tiện ích bên ngoài một cách dễ dàng.

Chỉ cần mở màn hình điện thoại kết nối mạng, bạn ngồi nhà, hay đang nơi công sở vẫn có thể biết được chuyến xe buýt đưa con đi học đã đi đến đâu.

Những điều tưởng chừng như vượt ngoài tầm quản lý của những người làm cha mẹ, lại sắp thành hiện thực với phụ huynh trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, một ngôi trường đang được thành phố triển khai xây dựng trường học thông minh.

Hiện, các hạng mục đầu tư để thực hiện các chức năng này đã được khảo sát, dự kiến triển khai thực hiện ngay sau Tết. Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình cho biết: "Khi triển khai trường học thông minh sẽ thuận lợi cho nhà trường, phụ huynh trong mối quan hệ. Những thông tin sẽ kịp thời đến mọi người như điểm danh, thư viện điện tử, đóng học phí hoặc canteen. Khi điểm danh, phụ huynh biết con mình có đi học hay không, điểm số cũng có thể đến liền với cha mẹ học sinh".

trường học thông minh

Giáo viên và học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều trong một tiết học. Ảnh: website trường Nguyễn Gia Thiều.

Cùng định hướng xây dựng trường học thông minh, thời gian qua, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3 có một quy định mà không phải trường học nào cũng có thể thực hiện. Đó là học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học.

Thoạt nghe, hẳn mọi người đều ái ngại khi mà tình trạng nghiện game, nghiện các thiết bị thông minh là một thực trạng trong giới trẻ. Tuy nhiên, điện thoại cá nhân trở nên vô cùng hữu dụng trong các tiết dạy ứng dụng các công nghệ dạy học mới.

Học sinh sử dụng điện thoại để quay lại quá trình thực hiện các dự án học tập, thể hiện chọn lựa của mình trước những vấn đề giáo viên đặt ra, thậm chí quay lại hình ảnh trong kính hiển vi để trình diễn trước lớp một cách rất thuận tiện và hiệu quả. Các phần mềm Kahoot, Smart-time... không chỉ giúp học sinh có thể học tập mọi lúc mọi nơi, mà còn giúp giờ học trên lớp sinh động hấp dẫn hơn rất nhiều.

Hà Lam, học sinh lớp 11D3 cho biết: "Tất nhiên là tụi em vui hơn vì những giờ học không còn bảng đen phấn trắng khô khan mà sẽ sinh động hơn nhờ các thiết bị thông minh mới. Tụi em cũng cần chuẩn bị kiến thức trước khi vào học vì trước mỗi bài học tụi em biết thầy cô sẽ chiếu video hoặc thầy cô sẽ cho chơi những trò chơi thông minh. Nó không còn là lý thuyết suông mà thiên về hướng thực hành nhiều hơn".

Học sinh Trường Lê Quý Đôn

Học sinh Trường Lê Quý Đôn quận 3 (TP.HCM) sau giờ tan lớp. Ảnh: Pháp Luật TPHCM

Những ngày trước tết rồi sau Tết, thầy và trò trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn vẫn đang bận bịu với dự án tạo môi trường xanh cho hầm để xe. Dự án huy động sự đóng góp ý tưởng và công sức của hơn một trăm học sinh khối 10, nhằm giảm thiểu tình trạng ngột ngạt, ô nhiễm vốn có tại các hầm xe có quy mô lớn.

Giải pháp được các học sinh đề ra là trồng các loại cây chứa tinh dầu đồng thời có khả năng khử khí độc của hầm xe. Cây được trồng trong giá thể phù hợp với điều kiện thiếu ánh sáng, thiếu dinh dưỡng của tầng hầm, bằng hệ thống tưới nước, hệ thống ánh sáng tự động thông minh có thể điều khiển trực tiếp qua điện thoại.

Dự án như một minh chứng cho kết quả ban đầu của việc dạy học theo hướng STEM, tích hợp liên môn giữa kiến thức Hóa học - Sinh học - Vật lý mà trường đã và đang tích cực thực hiện.

Giáo viên Lợi Minh Trang, một giáo viên hỗ trợ học sinh thực hiện dự án cho rằng: "Học sinh thời nay có nhiều lợi thế, các em rất thông minh, khả năng nắm bắt rất nhanh. Tuy nhiên, vấn đề các em hay gặp là các thiết bị thông minh.. Nhà trường mong muốn sẽ định hướng, xoay các em về mặt tốt, để các em thấy rằng công nghệ luôn có 2 mặt. Nếu sử dụng đúng mặt tốt sẽ rất tuyệt vời".

Ngoài ra, để triển khai và phát huy tốt hiệu quả mô hình trường học thông minh, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến cũng như thay đổi hoạt động kiểm tra đánh giá theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới. Trong đó, việc đánh giá học sinh qua quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án, qua các phần mềm... không chỉ chính xác, kịp thời hơn mà còn tạo thêm hứng thú, giảm áp lực, hướng việc hình thành năng lực phẩm chất cho học sinh.

Ông Hà Hữu Thạch xác định: "Trường học thông minh nói chung không có gì quá là ghê gớm mà thực ra làm sao giúp con người biến những kiến thức từ sách vở trở thành những bài học thực tiễn. Thông qua công nghệ, phần mềm giúp chúng ta hoàn thiện tốt hơn kỹ năng, giúp học sinh hình thành các kỹ năng để hội nhập quốc tế".

TPHCM đang định hướng xây dựng đô thị thông minh nhằm mang lại cuộc sống thuận tiện, tốt đẹp hơn cho người dân. Để vận hành, phát huy các chức năng của thành phố, rất cần những công dân thông minh. Mô hình trường học thông minh với những bước đi đầu tiên đang dần hiện thực hoá những thuận tiện này, cũng như đào tạo nên thế hệ công dân trẻ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển thành phố và hội nhập.

Bình luận