Chờ...

Doanh nghiệp “bày” cách gọi vốn cho ý tưởng khởi nghiệp sinh viên

(VOH) - Mới chỉ có ý tưởng khởi nghiệp, sinh viên sẽ rất khó để tiếp cận các nguồn vốn từ nhà đầu tư để biến các ý tưởng thành hiện thực.

Mới chỉ có ý tưởng khởi nghiệp, chưa trang bị đầy đủ kiến thức về định giá, lợi nhuận đối với một mô hình kinh doanh, sinh viên sẽ rất khó để tiếp cận các nguồn vốn từ nhà đầu tư để biến các ý tưởng thành hiện thực. Do đó, cần sự kết nối giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp, nhất là sự cần thiết của các vườn ươm đóng vai trò ươm tạo, dẫn dắt các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên….những ý kiến trên được chia sẻ từ hội thảo khoa học Khởi nghiệp, sáng tạo ở Việt Nam: cơ hội và thách thức do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM tổ chức sáng nay 30/07.

khởi nghiệp sinh viên, khởi nghiệp

TS Hồ Văn Tuyên - Tổng Giám đốc RIM Invest chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm thế nào để sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt, kêu gọi được vốn thành công.

Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Rim Invest cho rằng, khi sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt, muốn thu hút nhà đầu tư, các bạn phải chứng minh ở cả đầu vào và đầu ra dự án kinh doanh của mình: “Mình phải dùng lợi thế từ nguồn nguyên liệu, nguồn lực của mình trong nước thì nó mới có sức mạnh. Thứ hai, đầu ra của dự án phải hấp dẫn nhà đầu tư. Từ những yếu tố đó, cộng với ý tưởng, nó sẽ giúp cho sinh viên phát triển được ý tưởng đó trở thành một kế hoạch kinh doanh, gọi được vốn”

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Đức Thọ, đến từ Ngân hàng Kiên Long cho rằng, bản thân nội dung của ý tưởng mới thực sự là điều mà nhà đầu tư quan tâm và quyết định hỗ trợ vốn: “Chúng ta không quan tâm nhiều đến vấn đề là mình đi tìm nguồn tài trợ, mà chúng ta cần chuẩn bị gì cho các start-up để các nhà đầu tư chủ động gặp mình, mua ý tưởng của mình để làm bởi vì ý tưởng của mình quá hay, lĩnh vực mình kinh doanh quá tốt. Thực tế, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các ngân hàng đều chọn những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh nào hiệu quả, lạ, có thị trường thì họ sẵn sàng đầu tư”

Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Trưởng khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM chia sẻ, nhà trường cũng rất trăn trở trước thách thức làm thế nào để các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên không chỉ dừng lại ở các cuộc thi về khởi nghiệp, mà nó phải được đón nhận từ các nhà đầu tư, được thương mại hóa: "Bản thân tôi nghĩ các nhà đầu tư họ cũng rất quan tâm đến các dự án khởi nghiệp. Một bên có ý tưởng, một bên có ngân sách, có quỹ đầu tư, vấn đề là làm sao kết nối các bên lại với nhau. Để bản thân sinh viên tự bơi các em sẽ rất khó làm. Trong định hướng sắp tới, có thể chúng tôi sẽ thành lập vườn ươm cho Trường, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ cho các thí sinh sau cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp”

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã dẫn chứng những số liệu đáng chú ý.

Tính đến hết năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ghi nhận có 92 thương vụ đầu tư với tổng giá trị là gần 900 triệu đô la Mỹ, tăng gần 3 lần so với giá trị các thương vụ của năm 2017 – xét về giá trị, mặc dù số lượng thương vụ không thay đổi, tăng hơn 9 lần so với năm 2011. Đặc biệt, ba lĩnh vực khởi nghiệp mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Truyền thông./.

Bình luận